Theo báo cáo của Cục Quản lý giá , trong hơn 2 tháng qua, các giải pháp, biện pháp quản lý điều hành giá đã và đang được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện.
Xu hướng chung là tăng giá
Trong thời gian qua, giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón có xu hướng tăng cao do giá thế giới biến động mạnh, điều này đã ảnh hưởng nhiều tới diễn biến thị trường trong nước. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương đã có những nỗ lực trong việc kìm chế “cơn bão giá”.
Theo đó, xăng dầu là mặt hàng có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất cũng như đời sống kinh tế xã hội, có tác động lớn đến việc kiểm soát lạm phát; với quyền số chiếm khoảng 3,6% trong CPI thì mức tăng giá xăng dầu kỳ điều hành ngày 11/3/2022 sẽ tác động làm tăng CPI khoảng 0,4%.
Giá xăng dầu trên thị trường thế giới vừa qua tăng cao do chịu tác động lớn bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá xăng dầu thành phẩm thế giới (giá Platts Singapore) bình quân 10 ngày đầu tháng 3/2022 tăng từ 34,09% đến 48,4% so với bình quân tháng 1/2022 đã tác động vào làm tăng giá xăng dầu trong nước từ 24% - 37% (từ 5.242 đồng đến 7.689 đồng/lít, kg) tùy từng chủng loại.
Sau thời điểm tăng đột biến trong 2 tuần đầu tháng 3, có lúc lên tới 150 USD/thùng, giá xăng dầu đã có dấu hiệu chững lại trong những ngày gần đây.
Tuy chịu tác động mạnh của giá xăng dầu thế giới nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn được điều hành linh hoạt để góp phần hạn chế đà tăng giá. Trong kỳ điều hành ngày 11/3/2022, quỹ bình ổn giá đã tăng chi sử dụng lên mức từ 750 – 1500 đồng/lít với các mặt hàng xăng, dầu diezel, qua đó hạn chế tác động từ mức tăng đột biến của giá thế giới.
Công tác điều hành giá xăng dầu đã đã bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, nguồn cung xăng dầu đã được Bộ Công Thương chỉ đạo khắc phục; các Bộ Tài chính, Công thương đã kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp, cơ chế quản lý để bình ổn giá trong nước.
Hiện giá mặt hàng khí hóa lỏng - gas (LPG) trong nước được điều chỉnh thông qua giá tham chiếu (CP). Giá CP trên thị trường thế giới có giảm trong tháng 1, nhưng đã tăng trong 2 tháng tiếp theo; Theo đó, giá LPG trong nước cũng được điều chỉnh tăng tương ứng với tổng mức tăng khoảng 48.000 đồng/bình 12kg.
Trước bối cảnh giá dầu có thể tiếp tục ở mức cao cũng như các biện pháp trả đũa dừng cấp khí đốt của Nga với EU, giá LPG trong giai đoạn tới dự báo tiếp tục tăng và tác động đến giá LPG trong nước.
Theo đó, để tăng cường công tác quản lý giá, các cơ quan tiếp nhận kê khai (Bộ Tài chính và các Sở Tài chính) nắm bắt diễn biến giá CP, tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, có biện pháp công khai thông tin về giá kê khai. Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Với chi phí xăng, dầu chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu giá thành nên trước biến động tăng của giá xăng dầu trong hơn 2 tháng đầu năm đã tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, vận tài hàng hóa đường bộ.
Qua thông tin nắm bắt thì các doanh nghiệp vận tài đều đang tính toán để tăng giá cước; Trong đó hãng taxi công nghệ Grab đã thông báo mức tăng giá tất cả dịch vụ từ 10/03/2022 với mức tăng từ 2.000 – 2.500 đồng cho 2km đầu tiên và 500 – 600 đồng cho các km tiếp theo.
Các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng như các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định cũng đang tính toán mức tăng giá phù hợp nhằm không gây ảnh hưởng quá lớn do hiện nay nhu cầu đi lại vẫn thấp, việc tăng giá có thể càng gây ảnh hưởng đến kinh doanh.
Bên cạnh các mặt hàng năng lượng, các mặt hàng nguyên liệu trên thế giới cũng có biến động tăng trong thời điểm gần đây. Giá thép xây dựng trong nước tăng khoảng 300 đồng/kg so với cuối tháng 12/2021 và từ giữa tháng 2/2022 đến nay tiếp tục tăng khoảng 300- 500 đồng/kg so với cuối tháng 01/2022 tùy theo chủng loại và nhà sản xuất; Hiện tại, giá bán tại một số nhà máy vào khoảng 17.300-19.600 đồng/kg tùy theo từng chủng loại và nhà sản xuất (giá bán chưa bao gồm thuế VAT và chiết khấu bán hàng).
Theo đó, giá thép xây dựng tại thị trường trong nước có thể tiếp tục biến động tăng do chi phí nguyên vật liệu, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng khi các công trình trọng điểm được đẩy nhanh triển khai.
Mặt hàng thức ăn chăn nuôi có chi phí đầu vào chủ yếu là nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường thế giới; Trong 02 tháng đầu năm 2022, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12/2021 đã tác động đến mức giá trong nước với mức tăng phổ biến từ 200-300 đồng/kg.
Dự báo trong thời gian tới giá nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế nguồn cung do căng thẳng tại Nga và Ukraine vẫn đang tiếp tục leo thang và khó khăn trong vấn đề vận chuyển hàng hóa.
Trong 2 tháng đầu năm 2022 giá phân bón có xu hướng giảm, nhu cầu tiêu thụ phân bón nhìn chung thấp do trái vụ trong khi nguồn cung dồi dào. Tuy vậy, mức giảm còn thấp và giá phân bón hiện vẫn giữ ở mức cao nguyên nhân một phần do các yếu tố tâm lý khi giá nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cũng như do Nga và Belarus là 2 thị trường nhập khẩu phân bón lớn nhất của nước ta hiện đang bị cấm vận, hạn chế của Mỹ và EU. Hiện nay giá phân bón urê tháng 02-2022 dao động khoảng 11.700-13.700 đồng/kg.
Đầu tháng 3/2022 giá thóc, gạo nguyên liệu có xu hướng tăng nhẹ trước bối cảnh nhu cầu nhập khẩu trên thị trường thế giới tăng. Giá thóc dao động từ 5.600-6.850 đồng/kg, giá gạo 5% tấm dao động từ 8.650-9.300 đồng/kg.
Giá gạo thị trường trong nước nhất là các loại gạo chất lượng cao dự báo sẽ ổn định do nguồn cung dồi dào; Giá gạo xuất khẩu dự báo vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ do nhu cầu thị trường quốc tế vẫn ở mức cao do các bất ổn về địa chính trị cũng như diễn biến dịch bệnh.
Đối với nhóm hàng thuộc lĩnh vực y tế, hiện nay, Bộ Y tế đã ký ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BYT ngày 18/02/2022 quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 (có hiệu lực từ ngày 10/11/2021 đến hết ngày 21/02/2022); cơ cấu giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, trong đó sinh phẩm xét nghiệm thanh toán theo thực tế sử dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Mức thanh toán tối đa theo giá dịch vụ tại Thông tư số 02/2022/TT-BYT thấp hơn so với trước đây, cụ thể: đối với xét nghiệm test nhanh là 78.000 đồng/xét nghiệm (trước đây là 109.700 đồng/xét nghiệm - thấp hơn 29%), đối với Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag miễn dịch tự động/bán tự động là 178.900 đồng/xét nghiệm (trước đây là 186.600 đồng/xét nghiệm – thấp hơn 4%); đối với xét nghiệm bằng phương pháp PCR là 501.800 đồng/xét nghiệm (trước đây là 518.400 đồng/xét nghiệm - thấp hơn 3%). Mức giá là giá tính theo mẫu đơn.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian qua, do nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2) tăng cao dẫn đến khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng... Bộ Y tế đã có Công điện, công văn gửi các địa phương, đơn sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
CPI vẫn nằm trong kịch bản điều hành
Trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng.
Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2 – 2,1% và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Trước diễn biến giá xăng dầu tăng cao, việc kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng chịu tác động từ giá xăng dầu là rất cần thiết để kịp thời xử lý tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.