Nguồn khí Lô PM3 CAA nằm ở khu vực chồng lấn giữa Malaysia và Việt Nam. Dự án là quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas).
Lô PM3 CAA được vận hành bởi Tổ hợp Nhà thầu với sự điều hành của Hibiscus Oil & Gas Malaysia Ltd. (35%), và các bên tham gia là PVEP (đơn vị thành viên thuộc Petrovietnam - 30%) và Petronas Carigali Sdn. Bhd. (35%).
Mới đây, Petrovietnam và Petronas đã ký kết gia hạn Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Lô PM3 CAA thêm 20 năm, từ 2028 - 2047 nhằm hướng tới mục tiêu tối ưu khai thác tài nguyên hiện có, đồng thời mở ra cơ hội thăm dò các tầng sâu hơn, kết nối với các mỏ lân cận và quan trọng hơn cả – ứng dụng công nghệ thu gom và giảm phát thải carbon, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam.

Sơ đồ hoạt động lô PM3 CAA
Dự án dầu khí Lô PM3 CAA trải qua 6 giai đoạn phát triển, với 39 lần cập nhật kế hoạch khai thác, đưa vào vận hành 178 giếng phát triển, 2 giàn công nghệ trung tâm (CPP), 2 tàu FSO và trên 10 giàn vệ tinh đầu giếng, cùng hệ thống đường ống dẫn khí PM3 CAA Cà Mau dài 298km. Lưu lượng khai thác hiện tại đạt khoảng 20.000 thùng dầu và khoảng 200 triệu bộ khối khí mỗi ngày.
Theo số liệu công bố của Petrovietnam, tính đến hết năm 2024, dự án đã khai thác khoảng 250 triệu thùng dầu và 1.600 tỷ bộ khối khí (tương đương 43 tỷ mét khối), trong đó gần 25 tỷ mét khối khí đã được cung cấp cho Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển tổ hợp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, đóng góp to lớn vào kinh tế xã hội khu vực Tây Nam Bộ. Với tổng chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ USD, dự án đã tạo ra doanh thu dầu khí lên đến 24,8 tỷ USD.
Nếu tính riêng về Việt Nam, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khí từ Lô PM3 CAA để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và khu vực Tây Nam bộ, tỉnh Cà Mau nói riêng, Petrovietnam đã đầu tư xây dựng Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau.
Trong đó, có hệ thống đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau và 1 Trung tâm phân phối khí để cung cấp khí cho 2 Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 với tổng công suất 1.500 MW, Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn urê/năm và Nhà máy Xử lý Khí (GPP) Cà Mau với công suất 600 tấn LPG và 34 tấn condensate/ngày.
Các công trình được đầu tư đồng bộ theo chuỗi và đưa vào vận hành kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp tích cực cho kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.

Tính đến tháng 2/2025, Cụm đã cung cấp 28,81 tỷ m³ khí, 116,49 tỷ kWh điện và 11,18 triệu tấn phân bón ra thị trường, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia; tổng doanh thu của các đơn vị trong Cụm đạt khoảng 336,42 nghìn tỷ đồng (tương đương 13,5 tỷ USD), đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 21.000 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai, cụm dự án đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, thu hút và phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, xây lắp, cung ứng nguyên vật liệu...
Khi đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm trực tiếp cho gần 2.000 lao động và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp. Hàng năm, toàn Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm đóng góp trên 50% ngân sách tỉnh Cà Mau, góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.