Dòng tiền đón cơ hội từ nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng

Hà Linh | 10:18 14/07/2025

Thị trường chứng khoán bước vào nửa cuối năm 2025 với nhiều tín hiệu tích cực, khi dòng tiền lớn có xu hướng đổ vào nhóm cổ phiếu chu kỳ, đặc biệt là bất động sản và xây dựng – hai lĩnh vực đang được hưởng lợi từ chính sách và triển vọng kinh tế vĩ mô.

Dòng tiền đón cơ hội từ nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng

Dòng tiền trở lại

Theo một báo cáo phân tích mới của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), cổ phiếu chu kỳ, đặc biệt là bất động sản và ngân hàng, đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành nhóm dẫn dắt thị trường trong 12 tháng tới.

Dự báo của VPBankS được đưa ra trong bối cảnh bước sang nửa cuối năm 2025, thị trường bất động sản cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại. Khi các nút thắt pháp lý và hạ tầng dần được tháo gỡ, còn tín dụng bắt đầu tăng tốc, đây chính là thời điểm thuận lợi để dòng tiền lớn quay lại với nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cao.

Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2025, VN-Index đã tăng 8,6%. Nhóm bất động sản trở thành tâm điểm khi một số mã tăng vượt trội so với chỉ số chung. Tuy nhiên, dòng tiền chưa lan tỏa toàn ngành mà chủ yếu tập trung vào các mã như VHM, NVL, DXG…

Song hành cùng nhóm bất động sản là nhóm cổ phiếu xây dựng. Ông Nguyễn Đại Hiệp, Giám đốc tư vấn khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: “Đẩy mạnh đầu tư công đã tạo ra tâm lý tích cực cho nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng, bởi nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu, lợi nhuận từ các dự án lớn. Dòng tiền vào nhóm này đã tạo đáy cuối tháng 10/2024, phục hồi từ nửa cuối tháng 12 và chính thức bứt tốc từ đầu năm nay”.

Với những tín hiệu từ cuối năm 2024, đến nay, đà phục hồi của ngành càng rõ nét hơn. Nhiều doanh nghiệp xây dựng bắt đầu gia tăng khối lượng công việc.

Là doanh nghiệp hoạt động trong cả hai lĩnh vực bất động sản và xây dựng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Fecon (mã FCN - sàn HoSE), ông Phạm Việt Khoa cho biết, năm 2025, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 48%, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 200 tỷ đồng, tăng trưởng 565% và chi trả cổ tức tỷ lệ 5%.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Fecon sẽ tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực công trình ngầm và công nghiệp, đồng thời tối ưu hóa công tác quản trị và nâng cao hiệu suất đội ngũ.

Trong mảng hạ tầng, Fecon cho biết, Công ty cùng các đơn vị thành viên trong hệ sinh thái đã liên tiếp trúng thầu nhiều dự án lớn trong quý II/2025, với tổng giá trị hợp đồng vượt 1.310 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị các gói thầu mà Fecon ký kết trên 3.500 tỷ đồng, trải rộng trên khắp cả nước.

Với mảng bất động sản, bên cạnh hai dự án Khu đô thị Square City Phổ Yên (Thái Nguyên) quy mô 24,68 ha, vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và Cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái (Bắc Giang) quy mô 75 ha, vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, Fecon còn là chủ đầu tư dự án KCN Hòa Yên (Bắc Giang) quy mô 256,68 ha, tổng vốn dự kiến 3.700 tỷ đồng, kỳ vọng mang lại 1.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Ông Khoa cho biết, Fecon đang mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc để tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực thi công. Đồng thời, Fecon có kế hoạch thu hút nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và tìm kiếm cơ hội hợp tác theo mô hình PPP trong các dự án hạ tầng quy mô lớn.

Còn nhiều dư địa tăng trưởng

Ông Nguyễn Đại Hiệp đánh giá, cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng vẫn còn dư địa tăng trưởng đáng kể. Việc Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% đã tạo áp lực buộc Chính phủ phải đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược và thúc đẩy dòng vốn đầu tư công.

Theo dự báo, giai đoạn 2025 - 2035 và các năm tiếp theo chứng kiến sự bùng nổ của các dự án hạ tầng trọng điểm với số vốn đầu tư công lên tới hàng triệu tỷ đồng, bao gồm Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD), dự kiến khởi công vào năm 2027 và hoàn thành vào năm 2035; Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, với tổng vốn đầu tư 147.000 tỷ đồng; Sân bay quốc tế Long Thành, với tổng vốn đầu tư 336.630 tỷ đồng; Xây dựng hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội và TP.HCM với tổng vốn đầu tư khoảng 3.065.100 đồng (tương đương hơn 120 tỷ USD).

Nhìn chung, cổ phiếu xây dựng và nhà thầu không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan, lại đang được hưởng lợi từ triển vọng bất động sản, nên nhà đầu tư có thể ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực tài chính và danh mục dự án tốt.

Song song với đầu tư công, lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng đang mở ra không gian phát triển mới, nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, thu hút vốn FDI và nhu cầu gia tăng về nhà xưởng, kho vận chất lượng cao. Đây là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng công nghiệp – đặc biệt là những đơn vị có năng lực thiết kế–thi công tích hợp – tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn.

Công ty Chứng khoán SSI nhận định, triển vọng khả quan của thị trường bất động sản công nghiệp và tiến độ giải ngân đầu tư công được cải thiện sẽ là hai “cú hích” giúp doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng cải thiện đáng kể. Những đơn vị sở hữu danh mục hợp đồng thi công (backlog) lớn và đang tham gia vào các dự án hạ tầng quy mô sẽ có lợi thế vượt trội trong cuộc đua thị phần.


(0) Bình luận
Dòng tiền đón cơ hội từ nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO