Động lực nào cho hơn 784.000 doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ?

Lê Sáng | 06:35 27/06/2024

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, trong khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Động lực nào cho hơn 784.000 doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ?
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng. Ảnh: DĐDN

Chiều 26/6, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn kinh doanh: Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp”.

toancanh1-12.jpg
Ảnh: DĐDN

Thông tin tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Hoàng Quang Phòng cho biết trong khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Theo ông Phòng, vấn đề chính với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế.

Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

“Hiện đã có những doanh nghiệp ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước đã hội nhập thành công, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng đánh giá.

Ông Phòng cũng cho rằng việc đa dạng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị không chỉ yêu cầu khách quan mà còn là định hướng quan trọng của Đảng, Chính phủ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến việc tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị.

Trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch VCCI, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng bày tỏ.

Những thách thức đặt ra

Theo TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế TW), thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. Việt Nam không thừa lao động mà đang thiếu lao động có kỹ năng tay nghề và cả lao động phổ thông.

ongtuanh.jpg
TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế TW). Ảnh: DĐDN

Thứ hai, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thu hút dòng vốn lớn, nhu cầu năng lượng lớn cần cân nhắc.

Thứ ba, kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nhìn từ góc độ doanh nghiệp bắt nguồn từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp mong muốn kết nối với doanh nghiệp địa phương với yêu cầu về tính ổn định và chất lượng cao. Đó là những doanh nghiệp lớn có nhu cầu nhập số lượng lớn nguyên vật liệu từ bên ngoài thì doanh nghiệp địa phương, dù một sản phẩm có thể hỗ trợ giảm chi phí, chẳng hạn chỉ có 1 cent hay 10 cent cũng là con số lớn. Lúc đó, cung ứng trong nội địa có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước muốn tham gia và kết nối vào chuỗi cung ứng cần đầu tư vào con người, công nghệ nhưng cần quan tâm đến những rủi ro trong đầu tư khó kiểm soát.

Cuối cùng, gắn liền với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu là xu hướng chuyển đổi xanh. Khi đã tham gia vào thị trường chung của thế giới, Việt Nam sẽ không đứng ngoài "cuộc chơi" với yêu cầu cần giảm thiểu "dấu chân" carbon trong sản xuất. Chúng ta cần nhận thức đầy đủ yêu cầu trong sản xuất đảm bảo giảm "dấu chân" carbon không vượt quá chuẩn mực của các thị trường phát triển. Việt Nam từng bước xây dựng thị trường tín chỉ carbon và thực hiện đang kiểm kê khí nhà kính của gần 2.000 doanh nghiệp.

“Cơ hội lớn đang mở ra cho nền kinh tế và doanh nghiệp từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp cần nhìn trước những rủi ro, thách thức để có giải pháp khắc phục, nắm bắt cơ hội” - TS Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Chính sách là bệ đỡ

Theo ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu như: Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg - 12/2019/QĐ-TTg – Xúc tiến thương mại, Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg - 1320/QĐ-TTg_2019 – Thương hiệu quốc gia, Quyết định số 68/QĐ-TTg_2017 - 10/2017/QĐ-TTg - 71/QĐ-TTg_2024 – Công nghiệp hỗ trợ, Quyết định số 1881/QĐ-TTg_2020 – Khuyến công quốc gia, Quyết định số 493/QĐ-TTg_2022 – Xuất nhập khẩu hàng hóa…

onghoi.jpg
Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương, Bộ Công Thương. Ảnh: DĐDN

Tuy nhiên, ông Hội cũng thẳng thắn, còn một số khó khăn trong quá trình thực thi, như nhận thức, tư duy, cách nghĩ, tầm nhìn của các nhà làm chính sách. Thiếu minh bạch và bình đẳng, thiếu tính ổn định, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực thi không hiệu quả. Chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu.

Cũng theo ông Hội, các chính sách về nguồn lực cần thiết để phát triển xuất khẩu còn thiếu hụt. Sản xuất nguyên liệu, thiết kế, phân phối chưa đồng bộ.

Chuỗi sản xuất, xuất khẩu còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía các doanh nghiệp cũng là hạn chế.

Do đó, ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ nhất, tổ chức các Hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu.

Thứ hai, xây dựng và phát triển các thương hiệu. Nhận thức cho các doanh nghiệp về lao động, môi trường… trong các FTAs.

Thứ ba, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Thứ tư, xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Động lực nào cho hơn 784.000 doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO