Đồng bạc xanh đang hứng chịu nhiều "phàn nàn", liệu BRICS có tận dụng cơ hội để thách thức vị thế thống trị?

Linh Anh | 11:22 23/08/2023

Dù chịu nhiều phàn nàn trong thời gian gần đây nhưng đồng USD vẫn có những ưu thế riêng của mình.

Đồng bạc xanh đang hứng chịu nhiều "phàn nàn", liệu BRICS có tận dụng cơ hội để thách thức vị thế thống trị?

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, với sự tham dự của lãnh đạo các quốc gia thành viên là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và nước chủ nhà Nam Phi, đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, nhất là khi tổ chức này được mô tả là “đối trọng” của Mỹ và phương Tây.

Thế nhưng, liệu sử nổi lên của BRICS, bao gồm mong muốn xây dựng một loại tiền tệ riêng, có đủ sức đe dọa vị thế của đồng USD trên toàn cầu?

Những phàn nàn về đồng bạc xanh không phải điều gì đó mới mẻ. Một bộ trưởng Tài chính của Pháp từng lên tiếng chỉ trích những “đặc quyền thái quá” mà nước Mỹ được hưởng suốt 6 thập kỷ qua. Pháp là một trong những đồng minh thân cận của Mỹ.

Trong khi đó, những thay đổi địa chính trị cũng mang đến thách thức với sự thống trị của đồng USD. Một trong số đó là Ngân hàng Phát triển Mới do các nước BRICS thành lập. Mục tiêu của ngân hàng này là cung cấp một giải pháp thay thế cho trật tự tài chính dựa trên Mỹ và đồng USD.

Thực tế, sự bất mãn với đồng USD không phải là điều gì đó khó hiểu. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh nhằm vào Nga đã nêu bật những rủi ro của việc nắm giữ dự trữ ngoại hối bằng đồng USD. Biến động tiền tệ, đáng chú ý là sự tăng giá gần đây của đồng USD lên mức cao nhất 20 năm, có thể gây ra những thiệt hại to lớn. IMF cho biết việc USD tăng 10% sẽ tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế mới nổi, khiến sản lượng kinh tế giảm tới 1,9% chỉ sau một năm.

Thế giới cũng từng chứng kiến những biến cố với các loại tiền tệ được coi là nguồn dự trữ. Chẳng hạn như sự sụt giảm của đồng bảng Anh sau Thế chiến 1. Trong khi đó, việc xa lánh đồng USD có thể khiến nó bị suy yếu, buộc FED phải tăng lãi suất cũng như giảm nhu cầu với trái phiếu kho bạc Mỹ.

Tính tới cuối năm ngoái, khoảng 7,4 nghìn tỷ USD, tương đương 31% lượng trái phiếu Mỹ đang nằm trong tay các chủ nợ nước ngoài. Sự thờ ơ của thị trường về gánh nặng nợ nần của Mỹ sẽ nhanh chóng thay đổi.

Dẫu vậy, theo tờ Financial Times, việc lật đổ vị thế thống trị của đồng USD khó có thể xảy ra vào lúc này. Vị thế của đồng bạc xanh được xây dựng bởi một mạng lưới liên kết chéo, quy mô của thị trường vốn Mỹ và các quy định của pháp luật. Đồng USD hiện chiếm 58% dự trữ ngoại hối chính của thế giới, dù đã giảm 13 điểm phần trăm so với những năm 2000. Đồng USD còn chi phối hoạt động ngân hàng quốc tế và thương mại toàn cầu.

Nga hiện đã chuyển sang sử dụng đồng tệ, hiện chiếm 16% thanh toán xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, với các nước BRICS khác, đặc biệt là Ấn Độ, việc chuyển sang đồng tệ là điều không khả thi. Dù “ngôi chung mâm” nhưng Ấn Độ và Trung Quốc rõ ràng vẫn có những khác biệt lớn. Chính điều này khiến tương lai của một đồng tiền chung BRICS gặp nhiều trở ngại.

Dẫu vậy, Mỹ cũng không thể quá tự mãn về ưu thế của đồng bạc xanh. Họ nên hạn chế sử dụng các biện pháp trừng phạt mà trong đó đồng USD được dùng làm vũ khí. Ngoài ra, Mỹ cũng cần phải lưu ý tới sự ổn định tài chính toàn cầu. Vị thế thống trị của đồng USD mang cho Mỹ nhiều đặc quyền nhưng họ cũng cần phải thể hiện trách nhiệm tương xứng với những đặc quyền đó.

Tham khảo: Financial Times

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đồng bạc xanh đang hứng chịu nhiều "phàn nàn", liệu BRICS có tận dụng cơ hội để thách thức vị thế thống trị?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO