“Đôi khi không cần xin việc, chia sẻ thứ này lên Facebook, TikTok, công việc, thu nhập có thể thay đổi”

Minh Hằng | 19:41 27/08/2024

Theo sếp Hoàng Nam Tiến, công việc và thu nhập của các bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z có thể thay đổi tích cực với tương lai tươi sáng, nhờ chăm chỉ làm một việc trên Facebook và TikTok.

“Đôi khi không cần xin việc, chia sẻ thứ này lên Facebook, TikTok, công việc, thu nhập có thể thay đổi”

Đó là xây dựng thương hiệu cá nhân. Đây cũng là chủ đề chính tại chương trình Whose Chance Talk vừa được tổ chức tại ĐH Kinh tế Quốc dân. Chương trình này có sự tham gia của các sếp trong Whose Chance – Cơ hội cho ai?, bao gồm Sếp Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, Sếp Nguyễn Trung Hiếu – Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Bảo Ngọc, Sếp Nguyễn Lê Vũ Linh – Tổng Giám đốc Thương hiệu Thời trang IVY Moda và chuyên gia quản trị nhân sự Nguyễn Thái Hà - CEO John Hunt, chuyên gia AI Cao Xuân Hoài Vương.

Tại chương trình này, Sếp Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH FPT đặt câu hỏi, các bạn trẻ nghĩ thế nào nếu như công việc xuất sắc của mình sẽ được rất nhiều người và công ty biết đến? Các bạn hãy tập những cách rất đơn giản. Đó là bằng một sự tế nhị, một sự khiêm tốn cần thiết, hãy kể về những câu chuyện mà mình trải qua, những kết quả mình đạt được và cả những niềm vui hay khó khăn nữa mà bạn đã vượt qua để đạt được kết quả thành công trong công việc hiện tại.

Theo Sếp Hoàng Nam Tiến, chúng ta ý nhị chia sẻ những điều đó trên Facebook, TikTok, Instagram… Các bạn hãy hình dung rất nhiều bạn bằng lứa tuổi với các bạn hay những người trẻ hơn sẽ vào hỏi "chị ơi, anh ơi, làm sao có thể đạt được những điều này?", "làm sao có thể chinh phục được khách hàng?", "làm sao có thể đề ra được những ý tưởng mới lạ như vậy?"… Những câu trả lời khiêm tốn, khiêm nhường nhưng vẫn nêu bật lên được sự khác biệt của mình. Đó chính là cách các bạn xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình.

 - Ảnh 1.

Theo Sếp Hoàng Nam Tiến, xây dựng thương hiệu cá nhân có thể giúp các bạn trẻ rút ngắn thời gian gặt hái thành công, đồng thời bay cao và vươn xa hơn. Ảnh: FPT

"Thay vì làm rất lâu ở một doanh nghiệp, một tổ chức như các thế hệ trước mới có thể gặt hái được thành công, được trọng dụng, các bạn trẻ bây giờ có thể vượt đỉnh, bay cao, vươn xa và tỏa sáng. 

Rất có thể, chỉ trong 1 – 2 năm, các bạn sẽ chuyển sang một tổ chức mới, một doanh nghiệp mới, tại một vị trí với mức thu nhập, sự trọng dụng ở một mức độ hoàn toàn khác. Thậm chí, sau 2 – 3 năm, khi bạn đang trải nghiệm ở môi trường mới thì chính những người sếp cũ sẽ mời bạn quay lại. Đến lúc này, chúng ta có quyền được đặt điều kiện", ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu cá nhân rất quan trọng và sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ như Gen Z. Theo Sếp Tiến, trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân, với năng lực xuất sắc, thay vì mất 10 năm, các bạn rất có thể chỉ cần 3 – 4 năm đã có được những vị trí đáng mơ ước với mức thu nhập xứng đáng. Tất nhiên không phải ai cũng có khả năng xây dựng được thương hiệu cá nhân. Tuy nhiên, với các bạn sinh viên Gen Z thì điều này có thể làm được.

"Thương hiệu cá nhân không phải là một cái gì đó cao xa"

Sếp Nguyễn Trung Hiếu cho rằng việc xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là một thứ cao xa, nhưng lại tạo ấn tượng mạnh trong mắt các nhà tuyển dụng. 

Đồng quan điểm với Sếp Hoàng Nam Tiến, Sếp Nguyễn Trung Hiếu, Thành viên HĐQT - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc, cho biết thương hiệu cá nhân được hiểu một cách rất đơn giản. Đó là dấu ấn cá nhân của mình. Khi đi ra đám đông, nếu mọi người biết và nhận ra mình thì có nghĩa là mình đã làm thương hiệu cá nhân tốt.

Thương hiệu cá nhân không phải là một cái gì đó cao xa. Theo Sếp Trung Hiếu, thương hiệu cá nhân đôi khi chỉ đơn giản là phong thái lễ phép, gu thời trang, năng lực làm việc… Một khi các bạn trẻ tạo được dấu ấn cá nhân thì sẽ giúp tăng khả năng phát triển và cơ hội thành công cao hơn.

Tiếp lời Sếp Trung Hiếu, chị Nguyễn Thái Hà, CEO John Hunt, cho biết cụm từ "thương hiệu cá nhân" gần đây hơi bị "tam sao thất bản" theo cách hiểu của mỗi người. Theo đó, có người hiểu rằng thương hiệu cá nhân là sở hữu nhiều lượt follow trên mạng xã hội, cũng có người nghĩ là cá nhân cần có chức danh hay vị trí nhất định ở công ty nào đấy... Tuy nhiên, tựu trung lại, theo bản chất, thương hiệu cá nhân chính là dấu ấn của mình.

"Thương hiệu cá nhân là những gì mà các bạn khắc ghi vào trong đầu của người khác", CEO John Hunt chỉ ra.

Chị Nguyễn Thái Hà, CEO John Hunt, cho rằng thương hiệu cá nhân được thể hiện thông qua 6 'chân kiềng'. Đây là ưu thế lớn khi các bạn trẻ đi xin việc. 

Theo chị Thái Hà: "Mặc dù nhà tuyển dụng có công bố rằng họ cần thương hiệu cá nhân hay không thì có một sự thật không thể chối cãi. Đó là những ứng viên có thương hiệu cá nhân mạnh là những người được lựa chọn. Và những câu hỏi được đưa ra trong buổi phỏng vấn cũng nhằm tìm ra và phác hoạ chân dung về thương hiệu cá nhân.

Thương hiệu cá nhân được thể hiện qua 6 yếu tố, bao gồm năng lực chuyên môn, mối quan hệ (trong ngành, công ty cũ…), tính chính trực, mức độ ảnh hưởng, hình ảnh trên mạng xã hội và lời của người khác nói về bạn. Khi các bạn tìm kiếm thông tin thì các câu hỏi tuyển dụng đều xoay quanh 6 'chân kiềng' này".

Sau khi lắng nghe quan điểm của chị Thái Hà, sếp Nguyễn Trung Hiếu đã đưa ra phản biện rằng, chưa chắc ứng viên có thương hiệu cá nhân tốt đã mang lại hiệu quả cao hơn so với những người chưa có thương hiệu cá nhân. Bởi thực tế có nhiều vị trí không cần thiết tới tạo thương hiệu cá nhân, thay vào đó chỉ cần tập trung vào chuyên môn. Chẳng hạn, với những vị trí như kế toán, nội chính hay kiểm soát nội bộ thì không thể suốt ngày đưa mọi thứ lên mạng xã hội, bởi vì có khi sẽ tạo ra bất lợi cho công ty.

Những ai cần phải xây dựng thương hiệu cá nhân?

Cả sếp Trung Hiếu và chuyên gia Thái Hà đều cho rằng ai cũng cần nên xây dựng thương hiệu cá nhân. Các bạn trẻ nên xây dựng thương hiệu cá nhân của mình ngay từ khi còn trên ngồi trên ghế nhà trường. 

Về vấn đề này, Sếp Trung Hiếu chia sẻ, thương hiệu cá nhân không phải là điều gì xa xỉ nên mỗi người nên tự xây dựng từ những điều nhỏ nhất. Chắc chắn, nếu chúng ta làm thương hiệu cá nhân hiệu quả thì sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn rất nhiều so với những người không biết làm điều này.

Nếu như chúng ta đều có bằng cấp, năng lực chuyên môn giống nhau, thậm chí ngoại hình ngang nhau thì những người biết làm thương hiệu cá nhân, tạo dấu ấn với nhiều người hơn thì sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn.

"Khi chúng ta biết xây dựng thương hiệu cá nhân thì đôi khi không phải đi xin việc mà tự công việc sẽ tìm đến. Khi các bạn trẻ có được học vấn, các kỹ năng thì cần phải tập trung vào thương hiệu cá nhân. Nếu các bạn làm được thì khả năng thành công sẽ rất cao", Sếp Trung Hiếu bày tỏ.

Đồng quan điểm, chuyên gia nhân sự Nguyễn Thái Hà bổ sung: "Với câu chuyện thương hiệu cá nhân, chúng ta có làm hay không làm, xây hay không xây thì nó vẫn luôn hiện hữu. Nhưng chúng ta cần phải có chiến lược và quản trị được hình ảnh của mình trong mắt người khác. 

Thương hiệu cá nhân là thứ cần phải tích luỹ từ sớm và nó sẽ thể hiện qua tất cả hành động, lời nói, cách đi đứng, tham gia các hoạt động hàng ngày. Ai cũng cần xây dựng thương hiệu cá nhân và quản trị nó. Về bản chất, việc xây dựng hình ảnh cá nhân là hành trình phát triển bản thân, liên tục tiến lên phía trước. Do đó, xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là việc chỉ dành cho KOLS, KOCS, các lãnh đạo, chuyên gia… mà dành cho tất cả chúng ta", CEO John Hunt nhấn mạnh.


(0) Bình luận
“Đôi khi không cần xin việc, chia sẻ thứ này lên Facebook, TikTok, công việc, thu nhập có thể thay đổi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO