Độc lạ Trung Quốc: Taobao cấm bán sản phẩm có hình “mèo nằm”

Quỳnh Anh SM | 11:17 23/01/2023

Một trung tâm cứu hộ chó mèo ở Thượng Hải gây quỹ bằng việc bán những chiếc áo phông có hình ảnh chú mèo nằm nhưng sàn thương mại điện tử Taobao đã gỡ sản phẩm này với lý do hình ảnh đe dọa “trật tự và đạo đức cộng đồng”.

Độc lạ Trung Quốc: Taobao cấm bán sản phẩm có hình “mèo nằm”
Sản phẩm áo có hình một chú mèo đang nằm bị Taobao gỡ khỏi nền tảng. (Ảnh: Internet City)

Nội dung chính:

  • Sàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Taobao cấm bán các sản phẩm có hình mèo nằm vì cho rằng hình ảnh này mang ý nghĩa lười biếng.
  • Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị Trung Quốc vẫn duy trì ở mức tương đối cao sau khi giảm xuống từ mức đỉnh hồi giữa năm 2022.  

Nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Taobao đã cấm người dùng bán các sản phẩm có hình ảnh chú mèo đang nằm vì cho rằng nó truyền bá ý tưởng “nằm yên” và “mặc kệ” được nhiều người trẻ tuổi ứng dụng để phản đối văn hóa làm việc áp lực và những kỳ vọng của xã hội.

Hình ảnh chú mèo đang nằm được in trên các sản phẩm bị gỡ khỏi sàn Taobao. (Ảnh: RHR)

Theo đó, hàng hóa có hình ảnh  “mèo nằm” của trung tâm cứu hộ chó mèo RHR Shanghai Adoption Home đã bị Taobao loại bỏ khỏi gian hàng hồi tháng 8/2022. 

Một thông báo từ Taobao cho biết các sản phẩm đã vi phạm “trật tự và đạo đức cộng đồng” và các quy tắc của nền tảng, yêu cầu RHR ngừng bán “áo có nội dung liên quan đến nằm thẳng”.

Taobao từ chối yêu cầu bình luận của báo chí vào thời điểm ấy. 

Hàng hóa có hình ảnh liên quan đến “mèo nằm thẳng” (平躺的猫) dường như bị cấm rộng rãi trên nền tảng Taobao. Khi sử dụng hai từ khóa trên để tìm kiếm, trang web mua sắm này chỉ hiển thị các kết quả có phần không liên quan như ghế xếp, thảm lau chân và một số đồ chơi cho thú cưng.

Kết quả tìm kiếm trên nền tảng Taobao với từ khóa “mèo nằm thẳng” (平躺的猫) 

Các sản phẩm bị loại bỏ bao gồm túi vải, móc khóa và áo phông có hình hai nhân vật mèo lấy cảm hứng từ những chú mèo bị bỏ rơi do tổ chức RHR giúp đỡ. Một con mèo đang chìm trong chiếc ghế lười màu vàng đang cầm đùi gà, trong khi con còn lại nằm trên ghế sofa với chiếc máy chơi game trên tay. Tất cả hình ảnh in trên sản phẩm đều đi kèm các chữ Hán "tang ping" (nằm nghỉ) hoặc "bai lan" (mặc kệ).

Thuật ngữ "tang ping" (tạm dịch: nằm nghỉ) dùng để mô tả thái độ hời hợt, bàng quan với cuộc sống. Hiện nay, "tang ping" được dùng để chỉ những người trẻ trong xã hội hiện đại có lối sống lãnh đạm, coi thường sự cạnh tranh, không muốn theo đuổi lý tưởng sống.

Trung tâm này đã phải đăng bán các sản phẩm trên kênh bán hàng của Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok) tương tự như TikTok Shop, và tổ chức một buổi phát trực tiếp để bán hàng gây quỹ nhằm tận dụng lợi thế truyền thông sau lệnh cấm của Taobao.

Chúng tôi coi 'nằm yên' là tích cực. Chẳng ai có thể phấn đấu mọi lúc… Chúng ta có thể nghỉ ngơi và điều chỉnh thật tốt trước khi bắt đầu làm việc gì đó” - đại diện trung tâm cứu hộ RHR cho biết.

Zhang Sisi (33 tuổi) - Giám đốc tiếp thị tại một công ty, người từng mua 2 chiếc áo sơ mi từ trung tâm cứu hộ RHR với giá khoảng 200 nhân dân tệ (gần 700.000 đồng) cho biết: “Hai từ này [tang ping] thể hiện cảm giác thư thái và tôi chủ yếu mặc áo phông ở nhà.” 

“Ngày nay tất cả chúng ta đều phải chịu rất nhiều áp lực.” - người này nói thêm.

Từ “mèo nằm” đến phong trào nằm nghỉ của giới trẻ Trung Quốc

Ý tưởng nằm nghỉ bắt đầu được chú ý từ năm 2021 như một phản ứng chống lại văn hóa cạnh tranh, làm việc quá sức. Sixthtone cho biết một công nhân nhà máy - người tiên phong ủng hộ phong trào này đã bắt đầu viết blog chia sẻ về những nỗ lực tránh làm việc bằng cách sống rẻ tiền, ăn mì gói và ở nhà. Rất ít người làm được như người công nhân này nhưng nhiều người trẻ tuổi coi đó là một ví dụ điển hình cho phép bản thân phấn đấu ít hơn.

Những người ủng hộ phong trào nằm nghỉ chủ yếu là thanh niên Trung Quốc phản đối cuộc sống chuyên nghiệp, đang phải chịu áp lực khi làm việc trong văn hóa 996 (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối trong 6 ngày/tuần). Tuy nhiên, nằm nghỉ lại bị giới chức nước này coi là phong trào phản văn hóa.

Vào tháng 7/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi đã tăng lên 19,9% - con số cao nhất kể từ năm 2018 và là tháng thứ tư liên tiếp Trung Quốc ghi nhận một kỷ lục mới cho tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi đã giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 7/2022. (Nguồn: Statista) 

Truyền thông Trung Quốc đã lên án phong trào nằm nghỉ và kêu gọi giới trẻ sống tích cực hơn. He Junke, một quan chức của Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo hồi tháng 4/2022 rằng “hầu hết” thanh niên Trung Quốc đang làm việc chăm chỉ và việc họ nói về phong trào nằm nghỉ chỉ là “một trò đùa để giảm bớt áp lực và thể hiện của cảm xúc của họ.”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Độc lạ Trung Quốc: Taobao cấm bán sản phẩm có hình “mèo nằm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO