Theo hãng tin Bloomberg, hội trợ hàng điện tử tiêu dùng “CES” diễn ra tại Las Vegas hàng năm được cho là một sự kiện lớn của các hãng công nghệ. Thế nhưng năm nay, giám đốc mảng phẩn mềm Dirk Hilgenberg của Volkswagen cũng tham gia nhưng không phải để chào bán bất cứ thứ gì mà là để..tuyển dụng kỹ sư công nghệ.
Nghe có vẻ nực cười nhưng ngành xe điện đang rất thiếu các kỹ sư phát triển phần mềm, trong khi Thung lũng Silicon lại đang có cuộc đại sa thải và đây trở thành cơ hội hiếm có với những doanh nghiệp ô tô truyền thống muốn đối đầu với Tesla.
Cơ hội mới
Giữa vô số gian hàng trưng bày các sản phẩm công nghệ gia dụng, vị giám đốc 58 tuổi người Đức của Volkswagen đã biến gian hàng của mình thành nơi tuyển dụng với biểu ngữ “Hãy gia nhập chúng tôi” căng to đùng ở mọi mặt.
Bộ phận của ông Hilgenberg đã tăng nhân số gấp 5 lần kể từ tháng 7/2020 lên 6.000 người nhưng vị giám đốc này vẫn muốn tuyển dụng thêm 1.700 lao động trong năm 2023.
Để thu hút nhân tài, bộ phận của Hilgenberg chấp nhận cho các lao động làm việc từ xa, điều mà các Big Tech công nghệ đang dần loại bỏ, đồng thời chấp nhận xuất xứ của bất kỳ nhân viên nào miễn họ làm được việc thay vì chỉ tập trung vào lao động nói được tiếng Anh.
“Chúng tôi đang khai thác thị trường nhân tài của các doanh nghiệp Mỹ. Thời điểm tuyển dụng hiện nay chưa bao giờ hợp lý hơn thế khi ngành công nghệ đại sa thải”, giám đốc Hilgenberg nhận định.
Trả lời hãng tin Bloomberg, giám đốc Steven Lucier của hãng tuyển dụng nhân sự Toptal chuyên đi tìm kiếm nhân tài công nghệ cho các hãng xe hơi nhận định mảng xe điện cần rất nhiều kỹ sư phần mềm.
Giám đốc Lucier cho biết có vô số vị trí của các doanh nghiệp ô tô muốn làm xe điện đang cần tuyển dụng, từ nhà phân tích dữ liệu, phát triển phần mềm trải nghiệm người dùng cho đến đội xây dựng và duy trì điện toán đám mây cho xe điện.
“Đang có nhiều cơ hội cho những lao động bị sa thải ngành công nghệ. Những gì các hãng xe điện cần chỉ là sự chuyển tiếp lao động khi yêu cầu và khối lượng nhiệm vụ cho các vị trí không thay đổi so với ngành công nghệ”, giám đốc Lucier nói.
Không riêng gì mảng xe điện, rất nhiều ngành kinh tế hiện nay cũng cần kỹ sư công nghệ thông tin. Số liệu của trang kiếm việc làm cho sinh viên Handshake chỉ ra rằng nhu cầu lao động công nghệ không cần kinh nghiệm đã tăng ở nhiều mảng. Ví dụ như hành chính công tăng 36% trong tháng 12/2022 so với tháng 1/2021, mảng xây dựng tăng 28% trong cùng kỳ.
Thậm chí những cơ quan như Bộ cựu chiến binh Mỹ (DVA) còn cho rằng cuộc đại sa thải của ngành công nghệ là cơ hội hiếm có để tuyển dụng nhân tài sau nhiều năm gặp khó trong việc thu hút các lao động trình độ cao.
Khát nhân sự
“Khi một cánh cửa đóng lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra” và câu ngạn ngữ này hoàn toàn đúng với anh Greg Ebert, một quản lý cấp cao về điện toán đám mây tại Cariad, hãng phần mềm xe điện chuyên dụng cho Volkswagen.
Công việc trước đó của anh Ebert là xây dựng số liệu bán hàng cho các chi nhánh để dự đoán nguồn hàng cần mua từ nhà cung ứng tại Amazon. Thế nhưng anh Ebert đã bỏ việc vào năm 2000 để theo đuổi đam mê và có thời gian cho gia đình.
Khi Volkswagen mời anh Ebert đến Seattle để làm việc trong ngành xe điện, vị cựu nhân viên của Amazon này đã chấp nhận, đồng thời cũng từ chối nhiều cơ hội việc làm khác như mảng dịch vụ streaming của Disney Plus.
“Tôi muốn làm cái gì đó có ý nghĩa. Khi tôi nhìn vào mảng xe điện, tôi nghĩ ngay đến cuộc cách mạng smartphone khi mới bùng nổ. Những chiếc xe điện thông minh sẽ là một cuộc cách mạng mới tương tự như vậy trong ngành công nghệ”, anh Ebert cho biết.
Nhu cầu lao động ngành công nghệ của các tập đoàn xe hơi không chỉ dừng ở Volkswagen. Trong cuộc triển lãm CES, hãng Stellantis sở hữu thương hiệu xe Fiat cũng tuyên bố thành lập đội phát triển phần mềm riêng biệt trong năm nay. Tập đoàn Toyota cũng đã xây dựng startup “Woven Planet” chuyên phát triển phần mềm.
Mục tiêu chung của các đội ngũ này là giúp tập đoàn ô tô truyền thống của họ tham chiến mảng xe điện với Tesla của tỷ phú Elon Musk, đồng thời tìm cách kiếm tiền từ thị trường dữ liệu phần mềm xe điện.
“Chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn tư duy về cách phát triển, tìm kiếm nguồn lực, phương thức vận hành, văn hóa tuyển dụng cũng như yêu cầu vị trí công việc trong ngành xe hơi”, giám đốc kỹ thuật John Absmeiter của Woven Planet nói.
Hiện các hãng xe hơi truyền thống đang đặt rất nhiều kỳ vọng cho việc kiếm tiền từ mảng phần mềm xe hơi, cũng tương tự như các nền tảng phần mềm điện thoại khác.
Hãng GM đặt mục tiêu đạt doanh thu 20-25 tỷ USD vào năm 2030 từ mảng phần mềm xe điện. Trong khi đó Stellantis cũng có kế hoạch tương tự khi hợp tác với hãng sản xuất chip Qualcomm và tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Foxconn để phát triển đội ngũ xây dựng phần mềm cho ô tô điện.
Thậm chí Stellantis còn hợp tác với Amazon để xây dựng một học viện công nghệ có khả năng đào tạo 1.000 người mỗi năm, tập trung vào việc chuyển đổi các kỹ sư máy móc, xe hơi thường thành những chuyên gia công nghệ phần mềm về ắc quy xe điện hay hệ thống giải trí trong xe hơi.
Giám đốc kỹ thuật Ned Curic của Stellantis được tuyển dụng vào năm 2021 sau khi từng xây dựng mảng xe tự lái Alexa cho Amazon nói rằng dù ông đã có những kỹ sư công nghệ mình cần nhưng luôn cần thêm người để có thể đạt mục tiêu đề ra cũng như tạo nên những bước đột phá cần thiết.
“Chúng tôi luôn luôn cần tuyển thêm người”, giám đốc Curic nhấn mạnh.
*Nguồn: Bloomberg