Nội dung chính:
- Lê Me, công ty với hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp sáp nhập vào Hoàng Anh Gia Lai từ quý III/2023. Doanh thu mảng trái cây của HAGL tăng vọt trong kỳ nhờ hợp nhất với Lê Me, đồng thời khai thác vụ đầu tiên của vườn sầu riêng.
- HAGL dừng hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu, nhưng lợi nhuận vẫn duy trì tốt nhờ mảng trái cây tăng trưởng.
- Nhóm các công ty liên quan vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các khoản nợ phải thu, chi phí trả trước của HAGL.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HoSE: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023.
Đây là quý đầu tiên công ty hợp nhất kết quả kinh doanh của Lê Me - doanh nghiệp sở hữu hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp tại Campuchia và Lào, nơi có khí hậu tương đồng với Tây Nguyên, thích hợp với các loại trái cây nhiệt đới.
Mảng trái cây công ty đạt doanh thu 1.004 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ, góp phần giúp doanh thu quý III/2023 của HAGL đạt 1.889 tỷ đồng, tăng 31%.
Quý III năm ngoái, HAGL hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi 220 tỷ đồng. Khoản hoàn nhập này được ghi nhận như một khoản doanh thu trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty. Quý III năm nay, HAGL không còn hoàn nhập dự phòng, tương đương với việc “mất” đi khoản thu hàng trăm tỷ đồng.
Mặc dù vậy, nhờ tình hình kinh doanh khả quan, đặc biệt ở mảng trái cây, HAGL vẫn lãi 325 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 9 tháng, công ty lãi 710 tỷ đồng, giảm 20% so với 9 tháng đầu năm 2022.
Lê Me trước đây là “con nợ” của HAGL với khoản nợ hơn 3.300 tỷ đồng. Đến cuối quý II/2023, khoản vay đã được xóa bỏ. Thay vào đó, HAGL chính thức sở hữu 98,76% cổ phần của Lê Me. Đồng thời, tài sản của HAGL, khoản mục cây trồng lâu năm và vật nuôi (dự đoán trước đó của Lê Me) đã tăng thêm 1.570 tỷ đồng. Lê Me sở hữu gần 3.150 héc-ta đất tại Campuchia và Lào.
Hàng loạt giao dịch với các công ty liên quan
Báo cáo của HAGL cũng ghi nhận hàng loạt giao dịch của công ty với các công ty liên quan.
Tính đến cuối quý III/2023, HAGL có các khoản phải thu lên tới 1.191 tỷ đồng với các công ty liên quan. Ngoài ra, HAGL cũng trả trước cho các công ty liên quan số tiền 1.058 tỷ đồng.
Riêng Công ty Cổ phần Chế biến Thức ăn Gia súc Đông Gia Lai vẫn còn nợ HAGL 840 tỷ đồng tiền mua hàng hóa. Đồng thời, HAGL cũng mua hàng hóa từ Đông Gia Lai và ứng trước tiền cho công ty này 683 tỷ đồng.
Đông Gia Lai là công ty có cùng thành viên quản lý chủ chốt với HAGL, theo thông tin từ báo cáo soát xét bán niên 2023 của công ty.
Ngoài cho các công ty liên quan nợ mua hàng, ứng trước tiền mua hàng cho các công ty này, HAGL đồng thời có nhiều khoản cho vay với các công ty liên quan với tổng giá trị lên tới 2.600 tỷ đồng.
Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên là công ty vay nợ từ HAGL nhiều nhất, lên tới 1.260 tỷ đồng. Tiếp theo là HAGL Agrico, doanh nghiệp từng là công ty con của HAGL - với số tiền 1.184 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, riêng lãi tiền cho vay HAGL thu về 275 tỷ đồng, tương đương 40% chi phí lãi vay công ty phải trả trong kỳ.