Việc người dùng ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng trong ngành sữa ở Đông Nam Á đã thu hút nhiều quỹ đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Nhiều công ty trong số đó đang đặt cược các khoản đầu tư với kỳ vọng bội thu trong những năm tới.
Các sản phẩm từ sữa từng được coi là “tốt” thì nay trở thành sản phẩm “bắt buộc phải có” với người tiêu dùng Đông Nam Á. Nhân khẩu học thuận lợi, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và chi tiêu cao hơn đã thúc đẩy tiêu dùng sữa tại các thị trường mới nổi.
Amit Kunal, đối tác quản lý của Growtheum Capital Partners - công ty thực hiện 2 khoản đầu tư đáng kể vào ngành sữa Việt Nam và Indonesia trong năm nay, cho biết: “khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên, họ sẽ hướng tới các sản phẩm lành mạnh hơn để để đáp ứng nhu cầu năng lượng”.
Vào tháng 4, Growtheum công bố khoản đầu tư 100 triệu USD vào International Dairy Products (IDP) có trụ sở tại Việt Nam. Tháng trước, công ty này tiếp tục bơm 70 triệu USD vào KIN Dairy của Indonesia. “Mặc dù các hạng mục tiêu dùng khác có chút chậm lại, phân khúc này vẫn tiếp tục tăng”, Kunal cho biết.
Andy Ho, Giám đốc đầu tư của Vinacapital, nhà đầu tư trước đây của Vinamilk và IDP, đặc biệt hào hứng với thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. “Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người hiện nay là khoảng 4.000 USD. Đó là mức thấp nên vẫn còn nhiều dư địa để phát triển”, ông này nói.
Theo Marketresearch, Việt Nam có hơn 200 nhà sản xuất sản phẩm từ sữa vào cuối năm 2021.
Nền tảng nghiên cứu này ước tính doanh thu từ sữa của Việt nam đã tăng gấp đôi từ 4,4 tỷ USD năm 2017 lên 8,4 tỷ USD năm 2021. Mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ là 28 lít vào năm 2021 – thấp hơn mức 35 lít của Thái Lan và 45 lít của Singapore – nhưng có thể đạt 40 lít vào năm 2030.
Trong khi đó, doanh thu thị trường sữa của Indonesia đạt 5,1 tỷ USD vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 12,3% từ năm 2016-2021. Thị trường dự kiến vượt 7 tỷ USD vào năm 2026.
Tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng chuỗi cung ứng có thể là rào cản với các doanh nghiệp sữa tại Đông Nam Á. Joshi cho biết tập quán canh tác tại Indonesia vẫn còn manh mún. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics kém phát triển cũng cản trở việc phân phối sản phẩm trên toàn quốc.
Kunal cho biết: “Để thành lập một trang trại, bạn cần một vùng đất rộng lớn, điều kiện thuận lợi và mực nước ngầm tốt. Điều đó cũng đòi hỏi vốn đầu tư lớn và chuyên môn để quản lý. Có lẽ đó là lý do trong thập kỷ qua, có ít khoản đầu tư vào lĩnh vực này”.
Indonesia và Việt Nam cũng là những nước nhập khẩu ròng sữa. Ở Việt Nam, chưa đến một nửa nhu cầu được đáp ứng bởi sản xuất trong nước.
“Thị trường sữa Việt Nam đã trưởng thành và đang trở nên rất lớn. Nhiều người muốn đầu tư”, Ho của VinaCapital co biết. VinaCapital lần đầu đầu tư vào Vinaminl cách đây gần 2 thập kỷ, khi công ty này có trị giá khoảng 400 triệu USD và thoái vốn khoảng một thập kỷ sau đó. Hiện tại, Vinamilk là công ty trị giá khoảng 6,4 tỷ USD, tính theo vốn hóa thị trường. VinaCapital cũng đầu tư vào IDP năm 2014 và thoái vốn năm 2019.
Kunal của Growtheum cho biết lĩnh vực này vẫn còn rất rộng mở. Nếu ai đó cung cấp một sản phẩm chất lượng, thú vị, nhu cầu vẫn ở đó.
Nguồn: Nikkei Asia