Doanh nghiệp khóc ròng vì lãi suất vay thực tế quá cao

Thu Thủy - Dương Hùng | 20:06 28/02/2023

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng nguồn vốn mà doanh nghiệp đang được tiếp cận có lãi suất vay thực tế quá cao so với lãi suất “đàm phán miệng”. Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng “tố” ngân hàng gây khó dễ khi vay vốn.

Doanh nghiệp khóc ròng vì lãi suất vay thực tế quá cao
Doanh nghiệp “tố” ngân hàng cho vay lãi suất cao, còn bị gây khó dễ.

Tại buổi đối thoại kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) năm 2023 tổ chức tại TP.HCM sáng 28/2, theo các doanh nghiệp, dù ngân hàng công bố lãi suất vay ưu đãi nhưng họ phải vay với lãi suất rất cao mà vẫn rất khó vay.

Không ít DN khóc ròng vì lãi suất thực tế cho vay quá cao so với lãi suất “đàm phán miệng”, DN bị thua thiệt vì không có bằng chứng, trong hợp đồng vay cũng không ghi lãi suất cụ thể.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ… vay với lãi suất 5,5%/năm. Tuy nhiên hầu như các doanh nghiệp phải vay với lãi suất trên 10%/năm.

Không ít doanh nghiệp khóc ròng vì lãi suất thực tế cho vay quá cao so với lãi suất “đàm phán miệng”, doanh nghiệp bị thua thiệt vì không có bằng chứng, trong hợp đồng vay cũng không ghi lãi suất cụ thể.

Cũng theo lời ông Đỗ Phước Tống, NHNN phải có chính sách, quản lý cách làm của ngân hàng thương mại, chứ nếu để DN phải kiện ngân hàng thì ngành ngân hàng sẽ thất bại.

“Có trường hợp ngân hàng gửi thông tin đàm phán lãi suất cho vay với biên độ 2,5% so với lãi suất huy động, nhưng trong hợp đồng để ký không nêu lãi suất cụ thể, ngân hàng nói đã có trong bảng chào giá nên hợp đồng không nói lại. Nhưng thực tế đến nay, biên độ đã lên đến 4-5%”, ông Tống chia sẻ.

Trong một trường hợp khác, có doanh nghiệp đã được cấp hạn mức cho vay nhưng đến thời điểm giải ngân, ngân hàng nói không có tiền. Máy móc đã nhập về đến cảng, L/C (thư tín dụng - cam kết thanh toán) đã mở nhưng đợi đến khi được giải ngân, doanh nghiệp phải tốn thêm hàng trăm triệu đồng cho chi phí lưu cảng.

Hay với doanh nghiệp của chính ông Tống, khi muốn rút tài sản bảo đảm ở ngân hàng này để đưa sang vay ngân hàng khác lãi suất tốt hơn, ông nhận thấy ngân hàng gây khó dễ dù không còn dư nợ vay.

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp có sáng chế được bảo hộ 20 năm cho rằng lẽ ra trong lĩnh vực được ưu tiên vay vốn nhưng suốt 6 năm qua không thể vay vốn ngân hàng.

“Doanh nghiệp của chúng tôi đáp ứng cả 3 chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, khoa học công nghệ mà còn khó khăn như vậy thì các doanh nghiệp khác khổ như thế nào”, người này nói.

28-02-2023doithoai_81.jpg
Lãnh đạo ngân hàng lắng nghe các ý kiến, trao đổi với các doanh nghiệp.

Lãnh đạo Nệm Vạn Thành cũng giãi bày một công ty sản xuất chỉ thu được lãi 10-15%/năm, chưa kể chi phí đầu tư trang thiết bị, thì mức lãi suất vay hơn 15%/năm, thậm chí đến gần 20%/năm như thời gian qua là không thể.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cần Giờ yêu cầu NHNN Chi nhánh TP.HCM và các ngân hàng thương mại có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay lãi suất thấp. Còn hiện tại, doanh nghiệp làm ra bao nhiêu đều bị lãi vay “ăn hết”.

Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, khi triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN năm 2022, có 13 ngân hàng đã đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ DN với tổng số tiền 434.280 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do nhu cầu vốn sau thời điểm dịch COVID-19 tăng cao nên lượng DN vay nhiều hơn, số tiền giải ngân đã lên tới 568.340 tỷ đồng (cho 32.500 khách hàng), tăng 30,87% so với tổng gói tín dụng đã đăng ký ban đầu, vượt 16,65% so với năm 2021.

Tùy theo từng ngành nghề mà các ngân hàng sẽ cho vay với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm (vay ngắn hạn 6 tháng) và 10%/năm đối với trung, dài hạn. Thời gian qua lãi suất thế giới tăng cao buộc NHNN phải thay đổi lãi suất, kéo theo lãi suất huy động và cho vay cũng tăng. Đây là điều ngành ngân hàng không mong muốn, vì nếu lãi suất tăng, ngân hàng sẽ gặp rất nhiều rủi ro.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp khóc ròng vì lãi suất vay thực tế quá cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO