Trải qua quý I/2023, thị trường bất động sản vẫn diễn biến trầm lắng. Theo đó, tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp bất động sản hầu hết đều có lợi nhuận âm hoặc sụt giảm. Bên cạnh đó, dù lãi suất thời gian qua đã giảm nhưng vẫn được đánh ở mức cao khiến các doanh nghiệp bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính lớn mỗi ngày “mở mắt” phải trả hàng đồng tiền lãi.
Cụ thể, tính đến 31/3/2023 CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) có 217.204 tỷ đồng nợ phải trả, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, tổng vay của VHM là 39.699 tỷ đồng, cụ thể nợ ngân hàng 16.873 tỷ đồng chiếm 7,8% nợ phải trả; nợ trái phiếu là 9.824 tỷ đồng, chiếm 4,5% nợ phải trả; nợ các đối tác là 8.791 còn lại là nợ dài hạn ngân hàng đến hạn trả và nợ dài hạn từ các bên liên quan.
Trong quý I/2023, chi phí lãi vay và phát hành trái phiếu của Vinhomes là 683 tỷ đồng, tăng 55% so với quý trước đó và 43,5% so với cùng kỳ. Đây là doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về chi phí lãi vay ghi nhận trong quý đầu năm. Như vậy, mỗi ngày trôi qua, VHM phải trả gần 7,6 tỷ đồng chi phí lãi vay và phát hành trái phiếu. Dù vậy, so với lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý I, chi phí lãi vay chỉ chiếm 9,7%.
Ngoài ra, Vinhomes cũng là doanh nghiệp bất động sản hiếm hoi có lãi trong quý đầu năm. Cụ thể, lãi trước thuế của VHM đạt 15.074 tỷ đồng, lãi sau thuế 11.923 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ và đạt 40% kế hoạch năm.
Doanh nghiệp bất động sản xếp thứ hai về chi phí lãi vay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland; mã chứng khoán NVL) với 158 tỷ đồng, giảm 21,8% so với quý trước. Như vậy, mỗi ngày NVL phải trả 1,75 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2023, NVL có tổng vay là 62.731 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cuối năm 2022 và giảm 10% so với cùng kỳ. Trong đó, NVL nợ ngân hàng 9.220 tỷ đồng, nợ trái phiếu 43.896 tỷ đồng và nợ bên thứ ba là 10.219 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý I, NVL lỗ sau thuế 410 tỷ đồng với tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 604 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý đầu tiên Novaland công bố lỗ kể từ khi lên sàn vào năm 2019.
Mới đây, trong đơn gửi tới Thường vụ Quốc hội, Novaland cho biết: “Hiện nay các vướng mắc của Novaland tại các dự án nêu trên vẫn chưa được giải quyết, chưa có phương án tháo gỡ cụ thể và Novaland chưa thể tiếp tục tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các dự án nêu trên dẫn đến nguy cơ đổ vỡ do không có dòng tiền hoạt động. Ngân hàng vẫn khóa tất cả các nguồn tiền, kể cả doanh thu bán hàng để trừ dần vào lãi vay phát sinh và mỗi ngày Novaland và NovaGroup phải trả trung bình 50 tỷ đồng”.
Kết thúc quý I, nợ phải trả của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group; mã chứng khoán: DXG) là 16.472 tỷ đồng với tổng vay đạt 5.771 tỷ đồng. Trong đó, DXG nợ ngân hàng là 3.259 tỷ đồng, nợ trái phiếu 1.715 tỷ đồng,...
Trong quý đầu năm, DXG có chi phí lãi vay là hơn 140 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ngày DXG phải trả 1,55 tỷ đồng tiền lãi. Đáng chú ý, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của DXG chỉ đạt 166 tỷ đồng. Theo đó, chi phí lãi vay đã “ngốn” gần 84% lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này
Ngoài ra, một số doanh nghiệp bất động sản có chi phí lãi vay đạt gần 1 tỷ đồng/ngày như: CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) trong quý I có chi phí lãi vay là 88 tỷ đồng, tương đương 980 triệu đồng/ngày; Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) có chi phí lãi vay là 77 tỷ đồng, tương đương 850 triệu đồng/ngày; Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (mã chứng khoán: SCR) có chi phí lãi vay là 76 tỷ đồng, tương đương 840 triệu đồng/ngày.