Sáng 8/3, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam- Hoa Kỳ lần thứ 5 với chủ đề "Định hình lại quan hệ kinh tế song phương". Hội nghị do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) phối hợp tổ chức.
Hội nghị đã tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm: Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong tương lai thông qua kinh tế số và sáng tạo; đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam; thúc đẩy đầu tư bền vững và các chính sách ổn định để tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì. Những giải pháp để tháo gỡ khó khăn và các vấn đề chính được nêu ra tại hội nghị sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh cho khu vực tư nhân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thu hút thêm đầu tư và thúc đẩy thịnh vượng tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến 5 nội dung lớn: Sự phát triển của Việt Nam những năm qua và định hướng phát triển trong tương lai; kết quả và tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; công tác phòng, chống dịch, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi số.
Điểm lại tiến trình phát triển của Việt Nam những năm qua, Thủ tướng cho biết, sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (năm 1995), quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực kinh tế với việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000); Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (năm 2007); xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2013)...
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021 (tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020), bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả khảo sát về đầu tư kinh doanh năm 2021 của Amcham cho thấy có gần 80% thành viên Amcham Việt Nam tham gia khảo sát đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam. Giai đoạn vừa qua một lần nữa khẳng định tính bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ và sự năng động của doanh nghiệp hai nước.
Trong hai năm vừa qua, Việt Nam, Hoa Kỳ cũng như các nước phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19 gây bất ngờ, lúng túng, bị động cho cả thế giới, gây ra nhiều hậu quả không mong muốn. Tới nay, Việt Nam đã nhận được gần 220 triệu liều vaccine, khoảng một nửa trong số đó đến từ các nguồn tài trợ, trong đó có khoảng 29 triệu liều từ Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng tích cực chia sẻ với Việt Nam về phương tiện, trang thiết bị phòng, chống dịch. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sang thăm Việt Nam trong những ngày khó khăn do dịch bệnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với Việt Nam thời gian qua trong công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn dân trong phòng chống dịch, đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết. Năm 2021, khi chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, Việt Nam bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính quyết liệt trên diện rộng để phòng, chống dịch Covid-19, làm nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng.
Sau khi đạt độ bao phủ vaccine với tỷ lệ tiêm chủng thuộc loại cao nhất thế giới nhờ chiến lược vaccine rất thành công; đúc rút các kinh nghiệm, công thức, phương châm phòng, chống dịch; nâng cao năng lực y tế; đề cao ý thức người dân, Việt Nam đã chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tự tin mở cửa trở lại trên cơ sở thực tiễn, khoa học, đang phục hồi nhanh và hướng tới phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Quý III/2021, GDP của Việt Nam tăng trưởng âm nhưng sau đó đã tăng trưởng khả quan ở mức 5,22% trong quý IV/2021 và đà phục hồi tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2022; xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng tích cực; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người.
Trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam vẫn bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực; lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè, đối tác quốc tế được củng cố.
Thời gian qua, mặc dù biến chủng Omicron lây lan rất nhanh, số ca mắc mới trong cộng đồng tăng nhưng tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát khi số ca, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong giảm mạnh.
Thủ tướng nêu rõ: Khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và đạt được kết quả ấn tượng nêu trên là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế.
Thời gian tới, Việt Nam tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương đương trên 4% GDP), tập trung vào mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi thị trường lao động, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp thông qua hoãn, miễn, giảm thuế, phí, điện và nước…; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; bố trí một phần nguồn lực cho các vấn đề có thể phát sinh.
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu và trong lĩnh vực này, Việt Nam cũng có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân.
Việt Nam xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai những cam kết của mình thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia cuối tháng 12/2021 để triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.
Trong bối cảnh một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu nhiều hậu quả nặng nề bởi chiến tranh, Việt Nam kêu gọi công bằng, công lý trong thích ứng biến đổi khí hậu và đề nghị các nước hỗ trợ về thể chế thích ứng biến đổi khí hậu, tài chính xanh, công nghệ xanh, đào tạo nhân lực xanh, quản trị xanh.
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam tập trung cho chuyển đổi số, đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ số, công dân số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đây là một tất yếu khách quan trong xu thế phát triển hiện nay.