ĐHĐCĐ Hòa Bình: Bỏ ngỏ khả năng bán nợ xấu và phát hành trái phiếu

Minh Thư | 18:49 27/06/2023

Một trong những giải pháp vực dậy dòng tiền của Hòa Bình là bán nợ xấu, đồng thời phát hành trái phiếu.

ĐHĐCĐ Hòa Bình: Bỏ ngỏ khả năng bán nợ xấu và phát hành trái phiếu
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Hòa Bình.

Nội dung chính:

  • - Hòa Bình vẫn gặp khó khăn về dòng tiền chưa giải quyết được. 
  • - Thu hồi nợ và phát hành trái phiếu là một trong các nhóm giải pháp mà Hòa Bình đưa ra. 
  • - Công ty vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán. 

Tính đến 16h19, chậm 3 tiếng so với thời gian dự kiến, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Bình (HBC) mới chính thức “gom” đủ số lượng cổ đông đại diện trên 50% cổ phần tham dự. 

Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán, tờ trình cập nhật lần cuối cùng của tờ trình ĐHĐCĐ, công ty lỗ sau thuế 2.572 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ được Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải nói trong thông điệp gửi cổ đông trước đó, là do trích lập dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi trên 2.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh những giải pháp kinh doanh, đấu thầu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng, Hòa Bình đưa ra nhiều phương án để giải quyết vấn đề dòng tiền của công ty. 

Công ty dự kiến sẽ tiếp tục thu hồi các khoản nợ. Chủ tịch Lê Viết Hải khẳng định, trong suốt lịch sử kinh doanh, công ty chưa từng xóa bất cứ một khoản nợ nào. 

Nếu công ty không phải xóa nợ trong tương lai, các khoản dự phòng (hơn 2.000 tỷ đồng) đã về mặt nguyên tắc sẽ được hoàn nhập, được ghi nhận như một khoản thu, tăng lợi nhuận của công ty với con số tương ứng. 

Tổng giám đốc Lê Văn Nam trong bản trình bày về kế hoạch tái cơ cấu, cho biết công ty có thể chấp nhận đối tác “gán nợ” bằng tài sản. Ở chiều ngược lại, Hòa Bình cũng “gán nợ” cho một số đối tác bằng việc phát hành cổ phiếu. 

hbc-full(1).jpg
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Hòa Bình thu hút đông đảo cổ đông tham dự, nhưng tỷ lệ cổ phiếu sở hữu và ủy quyền tính đến hơn 16h mới chỉ đạt yêu cầu (trên 50%) để tổ chức thành công cuộc họp. 

Bỏ ngỏ khả năng phát hành trái phiếu

Thu hồi nợ vẫn chưa đủ để cải thiện dòng tiền của công ty. Với các khoản nợ xấu khó thu hồi, Hòa Bình dự kiến có thể bán các khoản nợ xấu cho các bên để giải quyết vấn đề. 

Ông Lê Viết Nam cho biết Hòa Bình có thể sẽ phát hành trái phiếu trong thời gian tới để tạo dòng tiền cho công ty. Việc đánh giá lại giá trị tài sản hiện có (chủ  yếu là bất động sản) theo giá trị thị trường hiện hành thay vì giá trị sổ sách (là giá gốc) có thể giúp giá trị tài sản công ty tăng lên hàng trăm tỷ đồng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để Hòa Bình có thêm tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu.

Theo báo cáo chưa được kiểm toán, tính đến cuối năm 2022, Hòa Bình có dư nợ vay ngắn và dài hạn hơn 6.100 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Số nợ này, tính đến cuối quý I/2023 đã giảm thêm 600 tỷ đồng, xuống còn hơn 5.500 tỷ đồng - theo báo cáo của công ty. 

Đến nay Hòa Bình vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Lý do theo báo cáo của lãnh đạo công ty tại ĐHĐCĐ thường niên, là do một số thành viên HĐQT công ty đã có đơn trình báo lên Ủy ban Chứng khoán và Đơn vị kiểm toán. Đơn vị kiểm toán (EY) của công ty đã phải nâng thẩm quyền phê duyệt từ kiểm toán quốc gia lên kiểm toán vùng - mất thêm quy trình và thời gian. Công ty dự kiến sẽ công bố báo cáo tài chính kiểm toán vào ngày 30/6/2023.

Phát hành cổ phiếu giá cao cho đối tác

Hòa Bình đang lên kế hoạch phát hành thêm 274 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá trị dự kiến 3.288 tỷ đồng, tương đương giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cao hơn trên 30% so với mức giá hiện hành của cổ phiếu HBC. 

Tuy nhiên, không phải toàn bộ cổ phiếu do Hòa Bình phát hành đều trực tiếp mang lại dòng tiền cho công ty. 

Trong báo cáo của ông Lê Văn Nam, công ty dự kiến phát hành cổ phiếu “gán nợ” cho đối tác với giá trị 1.050 tỷ đồng. Đến 23/6, đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng - theo thông điệp của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT. Như vậy đến cuối năm nay, Hòa Bình dự kiến sẽ “gán nợ” thêm khoảng 400 tỷ đồng bằng cổ phiếu. 

Ngoài 1.050 tỷ đồng “gán nợ” nói trên, Hòa Bình dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu giá trị 2.238 tỷ đồng cho cổ đông chiến lược. 

Một trong các cổ đông chiến lược là nhóm chủ sở hữu 75% dự án bất động sản 127 An Dương Vương (P.10, Q.6 TP.HCM) - được định giá 47 triệu cổ phiếu, tương đương 564 tỷ đồng. Hòa Bình sẽ phát hành cổ phiếu để thâu tóm toàn bộ dự án bất động sản này. Như vậy còn 1.674 tỷ đồng cổ phiếu Hòa Bình sẽ phát hành cho các đối tác khác. Công ty chưa công bố cụ thể phương án. 

Như vậy từ giờ đến cuối năm, Hòa Bình còn 400 tỷ đồng sẽ được gán nợ bằng cổ phiếu, và 1.674 tỷ đồng cổ phiếu sẽ được phát hành cho đối tác theo kế hoạch khác. Với việc phát hành thêm này, tỷ lệ sở hữu của ông Lê Viết Hải và gia đình sẽ tiếp tục bị pha loãng từ mức 17% hiện tại xuống còn khoảng 8,5% nếu gia đình ông Hải không mua thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
ĐHĐCĐ Hòa Bình: Bỏ ngỏ khả năng bán nợ xấu và phát hành trái phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO