Chiều ngày 26/4/2023, Tập đoàn PAN (PAN) đã tổ chức ĐHCĐ, thông qua kế hoạch doanh thu 15.156 tỷ đồng, tăng 11% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 840 tỷ đồng, tăng 5,8% so với thực hiện trong năm 2022.
Với chỉ tiêu trên, mức cổ 2023 tức dự kiến ít nhất là 5% bằng tiền nếu đạt kế hoạch.
Về định hướng kinh doanh, đối với mảng giống cây trồng, lương thực và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng, dự tăng trưởng tốt do nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao cũng thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh giống và sản phẩm bảo vệ thực vật. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận mảng kinh doanh nông nghiệp dự kiến tăng từ 10% đến 15% trong năm 2023.
Tương tự mảng thực phẩm bánh kẹo, PAN kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt theo sự phục hồi dần của sức cầu nội địa; cùng với đó là động lực tăng trưởng từ các mặt hàng sản phẩm mới sẽ giúp tăng doanh thu và lợi nhuận.
Ở mảng bánh kẹo, doanh thu dự kiến tăng 15%, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động cốt lõi dự kiến tăng trưởng mạnh hơn 2 lần so với năm 2022 (loại trừ lợi nhuận bất thường từ giao dịch chuyển nhượng nhà máy).
Đối với mảng hạt, lợi nhuận tăng trưởng tốt trên 10% do dự kiến trong năm 2023, Tập đoàn không chịu nhiều rủi ro và phát sinh lỗ từ tỷ giá như năm 2022.
Đối với mảng tôm, kế hoạch doanh thu gần như tương đương năm 2022, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng tốt 20%, được tạo bởi biên lợi nhuận cao hơn khi khai thác toàn bộ diện tích ao tự nuôi trong năm 2023.
Đối với mảng cá tra, PAN cho biết chịu ảnh hưởng khá mạnh trong bối cảnh thị trường xuất khẩu cũng như điều kiện kinh doanh trong nước (nguồn cung và giá cá), dự kiến doanh thu giảm 3-5% và lợi nhuận trước thuế giảm từ 15-20% so với năm 2022.
Năm 2022, PAN ghi nhận doanh thu 13.655 tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu (14.300 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 794 tỷ đồng, tăng 55,3% so với thực hiện trong năm 2021, hoàn thành 105% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 755 tỷ đồng).
Dù vậy, PAN trình cổ đông không trả cổ tức để dành nguồn lực cho các hoạt động cân đối nguồn vốn và đầu tư phát triển.
Thảo luận tại Đại hội:
- PAN có duy trì kế hoạch phát hành tăng vốn không?
Không chỉ PAN và tất cả các cổ phiếu khác đều giảm, làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư. Với giá thấp như vậy, thấp hơn mức giá thanh lý thì không HĐQT nào muốn tăng vốn vào lúc này.
Để nói có duy trì kế hoạch phát hành tăng vốn hay không thì tuỳ thuộc vào điều kiện thị trường và hoạt động của Công ty. Năm rồi, trong số các công ty thành viên thì PAN có bức tranh kinh doanh tốt. Còn cái chưa được tốt là quản trị dòng tiền, và năm nay sẽ tập trung ưu tiên.
- Tại sao giá cổ phiếu PAN thấp thế mà không mua cổ phiếu quỹ?
Phải nhìn lại tài chính của công ty, nguồn tiền không phải lúc nào cũng vô tận. Năm rồi chúng ta đã chi ra số tiền lớn mua lại cổ phiếu quỹ của Bibica, tăng đầu tư vào Thực phẩm Sao Ta để tích luỹ cho dài hạn.
- Về quà tặng cho cổ đông, Tổng Giám đốc nói là muốn gửi đến cổ đông cảm xúc đặc biệt. Tôi có 11.000 cổ phiếu thôi (vì tôi đã cắt lỗ rồi) thì tôi là cổ đông thực sự hay cổ đông giả? Vậy cảm xúc Tổng Giám đốc muốn gửi đến cổ đông là gì, chưa kể năm nay 2022 giữ lại cổ tức cũng có thể đồng ý nhưng nghĩ lại thấy cổ đông thiệt thòi…?
Ông Hưng: Tôi sẽ ghi nhận lại ý kiến của bác. Mong muốn của Ban điều hành dĩ nhiên muốn đem đến sản phẩm cho đối tượng trải nghiệm đầu tiên là cổ đông của mình. Còn tiền quà trích từ đâu thì theo đúng Luật là trích ở quỹ quảng cáo và quỹ giới thiệu sản phẩm của Tập đoàn. Với PAN không có khái niệm cổ đông lớn cổ đông bé, cổ đông thật cổ đông giả, nhưng việc trích từ quỹ cũng có giới hạn, và việc chi tiêu của Tập đoàn không phải lúc nào cũng đồng thuận 100%.
Chúng ta mất bao nhiêu tiền để được đưa tin và được bao nhiêu người trải nghiệm sản phẩm của Công ty. Nên nhiều người cũng nghĩ việc tặng quà cổ đông là hình thức Marketing thông minh.
Còn cổ tức, tôi là cổ đông lớn nhất, và tôi có trăn trở khi không chia cổ tức. Năm 2022, lợi nhuận vẫn tăng trưởng nhưng PAN cũng tăng tài sản, ví dụ tăng đầu tư vào Bibica… Tôi cũng rất trăn trở là không có cổ tức cổ đông sống bằng gì, nhưng bối cảnh này mong cổ đông thông cảm với ban điều hành cho chiến lược dài hạn.
- Giám đốc tài chính chia sẻ kỳ vọng mảng tôm năm nay doanh thu không tăng nhiều nhưng lợi nhuận tăng tốt. Cơ sở nào kỳ vọng như thế?
Thành viên HĐQT FMC: Kế hoạch 2023 của FMC doanh thu tăng 10% lên 5.900 tỷ, lợi nhuận tăng hơn 20%. Có 2 lý do, gồm:
Thứ nhất về nuôi: Năm rồi mua lại 203ha vùng nuôi, nâng tổng diện tích lên 550ha. Hiện, FMC đã và đang thúc đẩy hoàn thiện vùng nuôi, dự quý 3/2023 sẽ đưa vào hoạt động và nâng tổng ao nuôi lên 600 ao nuôi. Tôm ở FMC hiện nay được đánh giá là công ty có kỹ thuật nuôi tôm thật đứng Top đầu Việt Nam. Đây là cơ sở đặt kế hoạch lợi nhuận tăng.
Thứ hai: Vùng nuôi lớn tạo điều kiện cho FMC tiếp cận được khách hàng khó tính, yêu cầu truy xuất vùng nuôi. Cuối năm 2021 và năm 2022, FMC xây dựng thêm nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất mới cho phép FCM tổ chức sản xuất chuyên môn hơn, từ đó giúp tiết kiệm chi phí.
- PAN có kế hoạch gia tăng đầu tư vào công ty con. Hiện, Sao Ta (FMC) đang cho lợi nhuận tốt, vậy lộ trình tăng tương lai ra sao?
Hiện PAN đang sở hữu 51%. Còn việc tăng thêm hay không thì tuỳ thuộc vào hiệu quả tài chính, chứ không phải cứ tăng nắm càng nhiều là càng tốt.
- Mảng bánh kẹo 2022 rất tốt, nhưng 2023 có vẻ khó. Vậy, Bibica có kế hoạch nâng cấp sản phẩm bánh kẹo theo hướng cao cấp hơn không?
Đại diện Bibica: 2022 đúng là kết quả ghi nhận sự phục hồi tốt, không chỉ về chỉ số kinh doanh mà còn hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, cũng như sắp xếp lại nhà máy theo hướng chuyên biệt hoá sản. phẩm, từ đó giúp tối ưu chi phí sản xuất.
Năm 2023, nhìn chung chúng ta đối mặt với thách thức lớn. Tuy nhiên, PAN và Bibica đã có nền tảng, định hướng Bibica sẽ phát triển sâu vào các nhãn hàng: 3 nhãn hàng bánh và 3 nhãn hàng kẹo.
- Mảng thuỷ sản chiếm tỷ trọng lớn, triển vọng năm 2023 thì triển vọng ra sao?
Mảng thuỷ sản đóng góp trên 50% doanh thu và 40% lợi nhuận cho PAN. Thuỷ sản có hai mảng là tôm và cá tra. Lợi nhuận mảng tôm dự tăng 20%, nhưng cá tra thì khó hơn và lợi nhuận dự giảm 10%. Hiện, mảng tôm đóng góp nhiều hơn so với cá tra.
- Ước lợi nhuận quý 1/2023?
Ước kết quả sơ bộ, trong quý 1/2023 doanh thu tương đương cùng kỳ, đạt trên 2.500 tỷ cho hợp nhất. LNST công ty mẹ xấp xỉ 45 tỷ, thấp hơn nhiều so với con số cùng kỳ là 77 tỷ. Dù vậy, trong số 77 tỷ hồi quý 1/2022, thì có đến 40 tỷ ghi nhận từ thương vụ Bibica. Nên bóc tách nguồn thu bất thường, thì lợi nhuận cốt lõi của quý 1/2023 vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.
Kế hoạch M&A?
Câu chuyện mua bán sáp nhập là câu chuyện luôn luôn, không chỉ có mua không mà còn bán ra. Ví dụ năm rồi bán một phần cổ phần tại FMC cho CP.
PAN sẽ tiếp tục M&A, có thể đứng từ phía Tập đoàn hoặc từ phía công ty thành viên. Nhưng, sẽ tuỳ thuộc vào dòng tiền công ty. Và việc tìm kiếm đối tác cùng là là bước đi nhanh và hiệu quả để cùng phát triển.