Đầu tháng 7, tin tức về người phụ nữ ở Trung Quốc bị chính bạn của mình “chặt chém" được lan truyền khắp các trang mạng xã hội. Cô gái họ Trần sống ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc đã thất vọng cay đắng sau khi đến ăn ủng hộ nhà hàng mới mở của một người bạn.
Việc ủng hộ nhà hàng của bạn bè, người quen những ngày đầu là điều không xa lạ. Tuy nhiên, việc bữa ăn bị tính tới 7.472 NDT (tương đương 24,5 triệu đồng) đã khiến người phụ nữ này “choáng váng”.
Theo cô Trần, vì nhà hàng của bạn mới khai trương chưa lâu, nên cả nhóm muốn tới ủng hộ. Trên trang web chính thức của nhà hàng, giá trung bình mỗi khách khoảng 420 NDT (tương đương 1,3 triệu đồng). Với số tiền này, Trần cho rằng "có thể chấp nhận được".
Khi cả nhóm gồm 6 cô gái tới nhà hàng, bàn ăn đã được chuẩn bị sẵn. Cả bàn gồm 11 món, kèm theo đồ uống, đồ ăn nhẹ và trái cây.
Lúc đó, cô Trần chỉ nghĩ đơn giản rằng, chủ quán biết món nào ngon nên đã đặt trước cho mọi người. Tuy nhiên, cả nhóm chỉ thực sự bất ngờ khi nhận được hóa đơn là 7472 NDT, bao gồm 700 tệ tiền phí dịch vụ (tương đương 2,3 triệu đồng). Trong số các món ăn, đắt nhất là ốc xà cừ giá 1760 NDT (hơn 5,8 triệu đồng) và món hải sâm giá 2112 NDT (gần 7 triệu đồng).
Không chỉ những món “cao lương mỹ vị" được tính giá cao, những món thông thường khác cũng được nhà hàng “động giá" so với mặt bằng chung. Ví dụ, món khoai mỡ giá 98 NDT (khoảng 325.000 đồng), cà tím luộc giá 128 NDT (khoảng 420.000 đồng) hay bánh thịt chiên giá 238 NDT (khoảng 785.000 đồng).
Ngoài ra, cô Trần cũng bất bình vì phí dịch vụ lên tới 700.000 đồng nhưng không hề được phục vụ mà thậm chí còn phải tự rót đồ uống.
Cô gái không giấu được sự bất bình: "Người bạn này đã lừa tôi. Tôi muốn ủng hộ nhà hàng mới mở của anh ta, nhưng anh ta không ngần ngại lấy hàng đống tiền của tôi".
Vụ việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ lớn trên mạng xã hội Trung Quốc. Về phần mình, chủ nhà hàng cho biết đã hoàn trả Trần 3.000 tệ (gần 10 triệu đồng) qua Wechat, nhưng vẫn gây phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.
Trên Dianping, một trong những nền tảng nổi bật nhất của Trung Quốc dành cho các bài đánh giá về dịch vụ ăn uống, các bài đánh giá tiêu cực tràn ngập. Thậm chí, có người còn đăng ảnh hóa đơn và yêu cầu chủ nhà hàng giải thích.
"Nếu đây là cách anh ấy đối xử với bạn bè, hãy thử tưởng tượng cách anh ấy sẽ đối xử với những khách hàng bình thường xem", một người bình luận.
Một người khác cho biết: "Sáu người phụ nữ mà đặt trước hơn 10 món ăn. Ngay cả khi bỏ qua việc anh ta cố tình gọi những món đắt tiền, thì riêng số món nhiều như vậy cho thấy anh ta không phải là người tử tế".
Một người khác đồng ý: "Cô ấy coi anh ta như một người bạn, nhưng anh ta coi cô ấy như một món hàng".
Câu chuyện của cô Trần không phải trường hợp đầu tiên. Trên thực tế, nhiều người đã gặp phải tình trạng "chặt chém" khi đến một nhà hàng mới. Để hạn chế rơi vào hoàn cảnh này, bạn có thể bỏ túi 2 lưu ý sau.
Hỏi giá trước khi gọi đồ
Thông thường, các nhà hàng phải niêm yết giá công khai để khách hàng biết. Tuy nhiên, có một số nhà hàng, quán ăn nhỏ tại các điểm du lịch không ghi rõ giá. Khi đó, thực khác đừng ngại hỏi giá trước khi dùng bữa, tránh tình trạng chủ hàng nâng giá sau khi tính tiền.
Chọn những cửa hàng uy tín
Để tránh việc “mất tiền oan", bạn nên ưu tiên chọn cửa hàng, quán ăn, khách sạn, nhà nghỉ,… uy tín, được đánh giá cao bởi nhiều người.
Đây là những nơi có niêm yết giá rõ ràng, phục vụ khách hàng chu đáo và đảm bảo uy tín, chất lượng. Những chỗ này sẽ ít xảy ra tình trạng chặt chém khách bởi họ còn hoạt động lâu dài và liên quan đến câu chuyện thương hiệu.
Bạn có thể tham khảo những quán ăn này trên các trang đánh giá để có những nhận định ban đầu trước khi quyết định đến.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tránh các nhà hàng đã từng vướng phải tai tiếng để không trở thành nạn nhân tiếp theo của họ.
Theo SCMP