Đi rút tiền bất ngờ bị cảnh sát bắt giữ
Anh Phùng đến từ Hà Nam, Trung Quốc là con trai một của ông Dương. Theo lời kể của Phùng, năm 1995, cha anh đã gửi tiết kiệm số tiền 400.000 NDT (1,3 tỷ đồng) vào ngân hàng địa phương với thời hạn 20 năm. Sau khi kết thúc kỳ hạn kéo dài 20 năm, số tiền gốc và lãi mà tài khoản này nhận được lên đến 2,04 triệu NDT (6 tỷ đồng). Đây là số tiền mà ông Dương muốn để lại cho vợ con mình sau khi qua đời.
Không lâu sau khi ông Dương qua đời, tiền gửi cũng hết hạn, anh Phùng đã mang chứng chỉ tiền gửi của bố đến ngân hàng để rút tiền. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng lại cho rằng chứng chỉ tiền gửi này là giả vì con dấu đã mờ nhoè. Thêm nữa do số tiền để trả lại anh Phùng quá lớn nên ngân hàng muốn xem xét thêm trước khi cho chủ tài khoản rút tiền. Sau khi nghe nhân viên nói vậy, anh Phùng cũng thông cảm nên quyết định trở về nhà để chờ tin tức.
Sau khi chờ đợi 1 tháng, anh Phùng không nhận được bất kỳ tin tức nào nên dần cảm thấy khó hiểu. Lần này, anh lại đến ngân hàng để tìm hiểu tình hình. Đến nơi, anh bất ngờ được giao dịch viên dẫn vào phòng VIP và nói rằng 400.000 NDT sẽ sớm được hoàn trả. Tuy nhiên, khi bước vào trong phòng, anh không ngờ rằng không phải 400.000 NDT đang đợi mình mà là cảnh sát địa phương.
Viên cảnh sát cho biết được ngân hàng mời đến vì nghi ngờ anh lừa đảo. Nghe đến đây, anh Phùng vô cùng hoảng sợ. Bởi rõ ràng anh dùng chứng chỉ tiền gửi do bố đã làm để rút tiền, làm sao có thể trở thành tội phạm lừa đảo. Anh không hiểu tại sao ngân hàng có thể vu khống cho mình như vậy.
Ngay lập tức, anh Phùng được cảnh sát đưa về đồn để làm việc. Tại đây, anh thuật lại toàn bộ câu chuyện, thậm chí còn đưa ra chứng chỉ tiền gửi mà bố để lại. Viên cảnh sát cũng xem xét cẩn thận các giấy tờ nhưng cũng không phát hiện ra dấu hiệu làm giả nên quyết định cho anh Phùng về trước và từ từ điều tra sự thật của vụ việc.
Cơ quan chức năng cũng bó tay
Sau khoảng 3 tuần, cảnh sát đề nghị anh Phùng thương lượng với ngân hàng để được rút tiền vì không phát hiện ra dấu hiệu bất thường. Nghe đến đây, anh thở phào nhẹ nhõm và đến ngân hàng để thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, khi quay trở lại ngân hàng làm việc, anh Phùng vẫn không được ngân hàng cho rút tiền.
Càng nghĩ càng tức, anh quyết định làm đơn kiện ngân hàng. Tại toà, đại diện của ngân hàng đưa ra 4 lý giải về việc tại sao anh Phùng không thể rút tiền. Thứ nhất, phía ngân hàng cho rằng chứng chỉ tiền gửi quá mờ. Điểm đặc biệt là con dấu xác nhận đóng trên tờ giấy này không khớp với con dấu được ban hành vào thời điểm đó. Thứ hai, ngân hàng cho rằng họ chưa từng ra hạn kỳ gửi 20 năm vào thời điểm đó. Thời hạn dài nhất chỉ là 8 năm. Thứ ba, phía ngân hàng cho rằng lãi suất của ngân hàng cũng chưa bao giờ đạt đến mức 17%. Với tất cả những căn cứ này, ngân hàng đã không cho anh Phùng rút tiền.
Do cả 2 bên không có bằng chứng xác thực nên cuối cùng toà án phải hoãn phiên tòa. 8 năm trôi qua kể từ khi vụ kiện kết thúc, trong khoảng thời gian này, mẹ của anh Phùng cũng đã qua đời trong khi chưa được cầm 1 đồng tiền tiết kiệm nào của chồng.
Nhiều năm qua, anh Phùng cũng cố gắng tìm thông tin của người thực hiện giao dịch này cho bố mình. Tuy nhiên, người này cũng đã qua đời do tai nạn. Ngay cả đến cơ quan cảnh sát cũng không có biện pháp xử lý với trường hợp này do không đủ bằng chứng.
Gần đây, câu chuyện này được chia sẻ trở lại và tiếp tục thu hút sự chú ý. Cư dân mạng chỉ hy vọng anh Phùng có thể tìm thêm bằng chứng nào đó để có thể chứng minh được số tiền gửi của gia đình. Song anh cho biết đã xác định là mất số tiền này bởi mọi giấy tờ đều đã cung cấp hơn cho ngân hàng và cơ quan chức năng.
Theo Toutiao