Tại sự kiện, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, các dự án kinh doanh của tập đoàn, đã đầu tư và đưa vào khai thác với quy mô lớn, lên đến hàng chục tỷ USD. Đặc biệt là các dự án công nghệ cao, tiên tiến, thông minh.
Hiện nay, doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, như Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, nằm trong chuỗi cung ứng, hành lang chuỗi giá trị Trung Quốc – ASEAN, Cảng hàng không Quảng Trị, các dự án năng lượng tái tạo lên tới hơn 1.000 MW ở nhiều tỉnh thành, dự án điện khí 1.500 MW tại Quảng Trị liên doanh với Hàn Quốc...
"Có dự án công nghệ cao đa phương thức, tiên tiến, thông minh cả về đường sắt, đường bộ đường, đường thủy, đường hàng không sẽ là động lực thu hút các tập đoàn đầu tư" - ông Hiển nhấn mạnh.
Đáng chú ý, liên quan đến Sân bay Quảng Trị, ông Đỗ Quang Hiển báo cáo, trong khu sân bay Quảng Trị, có quy hoạch tích hợp 3.700 héc ta tổ hợp đô thị công nghiệp sân bay, đặc biệt là công nghiệp chế tạo và bảo trì, bảo dưỡng phụ kiện về công nghiệp hàng không. Đầu tiên là bảo trì bảo dưỡng, sau đó là sản xuất các linh kiện từ cấp độ 1 cho đến cấp cao.
Quảng Trị đang quy hoạch và quy hoạch này đang có sự tư vấn của phía Singapore. Ông Đỗ Quang Hiển bày tỏ mong muốn "Thủ tướng và các Phó thủ tướng quan tâm tới việc quy hoạch thành một tổ hợp công nghiệp hàng không và đô thị sân bay tại sân bay Quảng Trị".
Dự kiến tháng 5/2026, Sân bay Quảng Trị sẽ khánh thành.
Cũng tại Hội nghị, ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ với các doanh nghiệp về kinh nghiệm hợp tác với nước ngoài đều có điều kiện. Thứ nhất, yêu cầu đối tác tuân thủ pháp luật, an ninh quốc phòng. Thứ hai, đối tác cần đảm bảo đào tạo chuyển giao công nghệ, các cấp quản lý phải chuyển giao cho Việt Nam, tối thiểu trong vòng 10 đến 15 năm. Thứ ba, đối tác muốn chuyển nhượng, tăng vốn thì phải được sự đồng ý của đối tác Việt Nam.