Đề xuất đầu tư BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng 6 làn xe khoảng 18.000 tỷ đồng, chỉ duy nhất tập đoàn Đèo Cả nộp hồ sơ

Quang Minh | 08:43 25/03/2024

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa đề xuất mở rộng cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng đạt mức hoàn chỉnh 6 làn xe cho 43,4 km và 4 làn xe cho 16,4 km với tổng vốn khoảng 18.019 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Hiện tại, chỉ có duy nhất 1 nhà thầu nộp hồ sơ tham gia Dự án này là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.

Đề xuất đầu tư BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng 6 làn xe khoảng 18.000 tỷ đồng, chỉ duy nhất tập đoàn Đèo Cả nộp hồ sơ
Chỉ duy nhất Tập đoàn Đèo Cả nộp hồ sơ Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

"Cái khó" khi vốn nhà nước không vượt quá 50%

Hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đang triển khai Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT, trong đó giai đoạn phân kỳ, đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường Bnền =17m (chưa có làn dừng khẩn cấp) đối với đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43km; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m (có làn dừng khẩn cấp).

Tổng mức đầu tư Dự án là 11.029 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp (gồm: vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn huy động khác) là khoảng 5.529 tỷ đồng (chiếm 50,13% tổng mức đầu tư dự án); vốn nhà nước tham gia dự án PPP là 5.500 tỷ đồng (chiếm 49,87% tổng mức đầu tư), trong đó vốn ngân sách trung ương 3.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng.

Theo đề xuất mới của UBND tỉnh Lạng Sơn, nếu được đầu tư tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng chiều dài khoảng 43,43 km đạt quy mô 6 làn xe tiêu chuẩn, nền đường 32,25m và mở rộng tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam chiều dài khoảng 16,44km đạt quy mô 4 làn xe, nền đường 22m sẽ cần 18.019,96 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).

Như vậy, nguồn vốn ngân sách nhà nước còn thiếu khi xây dựng quy mô hoàn chỉnh theo phương án nói trên thiếu khoảng 7.315,59 tỷ đồng so với phương án đầu tư hiện hữu.

Tuy nhiên, cái khó của Dự án BOT tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là không thuộc danh mục dự án tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về đầu tư xây dựng công trình đường bộ (cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư).

Trường hợp sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn phân kỳ dự án xong, đưa vào vận hành khai thác sử dụng; sau đó lại tiếp tục đầu tư nâng cấp đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT sẽ vướng quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật PPP: “Đối với dự án quy định tại điểm b khoản 91 Điều 3 của Luật này, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng”.

Bên cạnh đó, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn hết sức khó khăn, hằng năm nhận cân đối khoảng 80% từ ngân sách Trung ương. Hiện nay nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh mới cân đối bố trí được 1.500 tỷ đồng cho dự án, còn lại phải tiếp tục cân đối bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2026-2030.

Tỉnh Lạng Sơn đã tập trung rà soát nguồn lực, cắt giảm danh mục dự án đầu tư công để bố trí vốn cho Dự án nhưng do nguồn ngân sách tỉnh cũng như kế hoạch đầu tư công còn rất hạn hẹp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của dự án do đó nếu bổ sung phần vốn ngân sách nhà nước còn thiếu khi nâng cấp đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, tỉnh Lạng Sơn sẽ không đủ nguồn lực để thực hiện.

"Cởi trói"

Chính nút nghẽn về nguồn vốn nên dự án Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng mở rộng hoàn thiện có thể rơi vào bế tắc. Vì thế, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Quốc hội, Thủ tưởng Chính phủ xem xét chấp thuận:

Dự án trên được áp dụng được áp dụng cơ chế theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư.

Theo tìm hiểu của Markettimes, hiện tại Dự án đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2024. Đến nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị duy nhất quan tâm nộp hồ sơ tham gia.

UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau khi lựa chọn được nhà thầu sẽ tổ chức khởi công ngay nên tỉnh đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung đủ nguồn vốn còn thiếu khi đầu tư quy mô cao tốc hoàn chỉnh bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương làm cơ sở để UBND tỉnh Lạng Sơn triển khai các thủ tục điều chỉnh đầu tư.

Trong trường hợp ngân sách nhà nước chưa bố trí kịp nguồn vốn còn thiếu để đầu tư quy mô cao tốc hoàn chỉnh. Đề nghị Bộ GTVT tải báo cáo Thủ tưởng Chính phủ, Quốc hội xem xét cho Dự án được áp dụng loại hợp đồng PPP thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng. Tức là được vận hành thu phí và tái đầu tư.

"Sức khỏe" của Tập đoàn Đèo Cả thế nào?

Báo cáo tài chính cho thấy,  kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả không mấy khởi sắc. 

Hiện tập đoàn Đèo Cả "trúng" rất nhiều công trình trọng điểm lớn nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên là khoản nợ phải trả của tập đoàn này lại lên đến 31.200 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản.

Trong báo cáo tài chính bán niên 2023 của Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận sự tăng trưởng của tổng tài sản so với thời điểm đầu năm khoảng 4,8%. Trong số tài sản của Tập đoàn Đèo Cả thì lượng hàng tồn kho chỉ còn khoảng 1.200 tỷ đồng. Còn tài sản dài hạn đạt 37.289 tỷ đồng, chiếm khoảng 85% tổng tài sản.

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2023, Đèo Cả đang có vốn chủ sở hữu 9.268 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 3,37 lần, tương ứng Đèo Cả đang nợ 31.233 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD) tại cuối quý II/2023.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2023 của Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận tổng tài sản tăng khoảng 4,8% so với thời điểm đầu năm, lên 43.778 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1,8 tỷ USD.

Trong số tài sản của Tập đoàn, lượng hàng tồn kho chỉ gần 1.200 tỷ đồng. Tài sản dài hạn 37.289 tỷ đồng, chiếm trên 85% tổng tài sản. Tổng nợ phải trả 31.236 tỷ đồng, tăng 4,8% so với thời điểm đầu năm, tương ứng khoảng 1,3 tỷ USD.

Trong số tổng nợ phải trả ghi nhận dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.589 tỷ đồng, tăng 382 tỷ đồng so với đầu năm; dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 19.724 tỷ đồng, giảm 447 tỷ đồng so với đầu kỳ.

Gánh nặng nợ vay cũng bào mòn lợi nhuận Tập đoàn Đèo Cả. BCTC năm 2022 ghi nhận doanh thu thuần cả năm đạt 4.184 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 2% lên gần 419 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2023 doanh thu Tập đoàn Đèo Cả đạt 1.919 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 19% lên 307 tỷ đồng.

Lãi hàng trăm tỷ, song so với quy mô vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Đèo Cả, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 10,67% vào năm 2022 và ở mức 6,61% trong nửa đầu năm 2023.

Nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ của tập đoàn Đèo Cả lớn như vậy là do gánh nặng chi phí lãi vay. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, tập đoàn này đã phải chi tận 360 tỷ đồng trả để trả lãi vay tăng 32 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Hiện nay, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn Đèo Cả chính là Ngân hàng Công thương (Vietinbank – mã chứng khoán CTG) với số dư nợ lên đến 18.351 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính của Tập đoàn Đèo Cả cho thấy, công ty còn khoản "phải thu ngắn hạn" 3.397 tỷ đồng, giảm 150 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, trong số này có 1.132 tỷ đồng "phải thu về cho vay ngắn hạn" và 939 tỷ đồng "phải thu ngắn hạn khác". Những khoản phải thu ngắn hạn này có nhiều khoản là phải thu với các cá nhân.

Cụ thể, năm 2023 phát sinh khoản "phải thu về cho vay ngắn hạn" với ông Đỗ Mạnh Hùng, số tiền 50 tỷ đồng. Số tiền cho vay ngắn hạn với ông Vũ Văn Thành tăng từ 20 tỷ đồng đầu năm lên 30 tỷ đồng đến hết quý 2/2023.

Ngoài ra, các khoản "phải thu ngắn hạn khác" với các cá nhân với số tiền lớn hàng trăm tỷ đồng, như ông Phạm Đình Thuận (hơn 88 tỷ đồng); ông nguyễn Văn Tùng (hơn 54,8 tỷ đồng); ông Đinh Văn Chương (hơn 48 tỷ đồng).

Nửa đầu năm 2023 cũng phát sinh khoản phải thu ngắn hạn khác với bên liên quan, trong đó có khoản phải thu mới với ông Võ Thụy Linh, Phó Chủ tịch HĐQT, (52 tỷ đồng). Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, cũng duy trì khoản phải thu 50 tỷ đồng từ trước đó.

Đáng chú ý, những khoản phải thu với cá nhân này đều không được thuyết minh cụ thể.

dautu.kinhtechungkhoan.vn-stores-news_dataimages-2023-102023-09-08-_screenshot-2023-10-09-at-08084720231009080910.png

(0) Bình luận
Đề xuất đầu tư BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng 6 làn xe khoảng 18.000 tỷ đồng, chỉ duy nhất tập đoàn Đèo Cả nộp hồ sơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO