TMĐT Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm, cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam vào thời điểm đó đạt khoảng 2,2 tỷ USD.
Tính đến năm 2023, Bộ Công Thương cho biết quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025. Đây là những thông tin được đưa ra tại Tọa đàm về “Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, thời gian qua Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất. Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: "Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ sửa Nghị định 123, trong đó, chúng tôi có đề xuất quản lý đối với TMĐT, đó là việc các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này có thể xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn. Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch TMĐT dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ."
Theo đó, việc xuất hoá đơn đầy đủ sẽ hỗ trợ quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không, giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, lúc đó hàng hóa trong thị trường Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh, chống hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trên thị trường, đặc biệt là sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng thông tin thêm: "Ngoài quy định về hóa đơn này tôi cũng trao đổi thêm, tại Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, trong đó có nội dung bỏ quy định không thu thuế GTGT đối với hàng chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ."
Cũng không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang chú ý đến việc này và họ cũng có đề xuất như vậy. Ngoài ra, Dự thảo Luật Thuế GTGT trình Chính phủ cũng đã đưa một số quy định vào để làm sao hoàn thiện chính sách thuế đối với hoạt động TMĐT.
“Đối với doanh nghiệp như chúng tôi, đây là động lực thức đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Sau quá trình làm, chúng tôi nhận ra rằng việc khai báo, cung cấp hoá đơn bán hàng của doanh nghiệp được triển khai nhanh chóng, chính xác và từ đó tối ưu về nguồn lực và nhân sự cho vấn đề liên quan đến kê khai thuế.
Việc khuyến khích xuất hoá đơn điện tử tại đúng thời điểm bán hàng hoặc xuất hoá đơn trong ngày cần phải được khuyến khích vì sẽ giúp cho cơ quan thuế nắm được tình hình giao dịch của các doanh nghiệp bán hàng, từ đó đưa ra các phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như có phương án quản lý thuế phù hợp, như các đại biểu đã nêu là đúng và đủ”, TS. Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY chia sẻ thêm về việc triển khai hoá đơn điện tử là cải cách rất lớn của ngành thuế.
Doanh thu thuế từ TMĐT tại Việt Nam tăng đều qua các năm: 83.000 tỷ đồng (2022), 97.000 tỷ đồng (2023) và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.