Nhận định về bối cảnh thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi đánh giá bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần tích cực vận động để "tự cứu mình".
Theo ông Khôi, xuất phát từ thực tế mất cân đối cung cầu trên thị trường bất động sản hiện nay cũng như việc Nhà nước đang rất chú trọng phát triển phân khúc nhà ở xã hội, các doanh nghiệp địa ốc cần tranh thủ thời cơ để nắm bắt cơ hội trong khó khăn, ổn định hoạt động, tiến tới phát triển một cách bền vững.
Tuy nhiên, từ những tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên cả nước thời gian qua, Chủ tịch VNREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành sớm quan tâm, nghiên cứu, xem xét 4 nhóm giải pháp nhằm “phá băng” cho công tác phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới.
Thứ nhất, cần có những cơ chế đủ mạnh cả đầu vào lẫn đầu ra để hấp dẫn chủ đầu tư tham gia thực hiện Đề án "Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội" như: Lựa chọn nhà đầu tư giao đất, không chờ chủ đầu tư đề xuất; quy trình đầu tư cần phải có tính đặc thù, giải quyết nhanh gọn.
Thứ hai, về tiêu chí người mua nhà hiện nay đang được thực hiện theo quy trình thủ tục xét duyệt rườm rà. Vì vậy, nên rút ngắn thời gian, đơn giản hoá thủ tục trong việc xác định đối tượng được mua nhà, giúp người mua nhà dễ dàng tiếp cận hơn.
Thứ ba, quy định tại gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thì lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản là 8,7% còn người mua nhà là 8,2%. Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, lãnh đạo VNREA cho biết, mức lãi suất này đang khá cao so với khả năng chi trả của họ. Vì vậy, lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư nên hạ xuống mức dưới 6% và người mua nhà là dưới 4,5%/năm.
Thứ tư, VNREA đề xuất các chính quyền địa phương nên chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng để tiếp cận tốt hơn với các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội. Các địa phương cũng nên điều chỉnh quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó có phân khúc nhà ở xã hội linh hoạt, có định hướng.
4 nhóm khó khăn chính của các doanh nghiệp bất động sản
Nhận định về những khó khăn chung của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng hiện có 04 nhóm chính gồm: Nhóm các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản gặp vướng mắc về pháp lý đất đai; nhóm vướng mắc liên quan đến quy hoạch; nhóm liên quan đến chi phí đầu tư và nhóm liên quan đến việc xác định giá nhà.
Do đó, đề xuất tháo gỡ khó khăn chung cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản cũng như các dự án, Chủ tịch VNREA cho rằng, bên cạnh hoàn thiện dự thảo 3 luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần tập trung hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết 33, Nghị định 08, Nghị định 10…
“Phải vận dụng tối đa nhất các chính sách đã ban hành để đưa vào tháo gỡ những khó khăn của hiện tại”, TS. Nguyễn Văn Khôi nói.
Đối với chính quyền địa phương, cần chủ động giải quyết các nhóm vướng mắc liên quan đến thẩm quyền của cấp mình, báo cáo kịp thời tiến độ theo định kỳ và phải chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để giải quyết.
Đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản, cần triển khai mạnh hơn các giải pháp chỉ đạo của Thủ tướng về việc cơ cấu lại sản phẩm, phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực của người dân. Cùng với đó là hướng dẫn các nhà đầu tư về phương án giãn, hoãn nợ. Đặc biệt, doanh nghiệp bất động sản nên tích cực tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội để đồng hành cùng Chính phủ trong việc cải thiện nguồn cung nhà ở giá rẻ trên thị trường, hướng thị trường cân bằng cung - cầu.