“Để kích thích sự sáng tạo của nhà khoa học nên cho họ hưởng từ 30-50% kết quả thương mại hoá”

Dương Trang | 07:16 12/02/2025

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, để thúc đẩy thương mại hoá thì kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước nên thuộc sở hữu của các cơ sở nghiên cứu. Và muốn kích thích sự sáng tạo của nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần, từ 30-50% kết quả thương mại hoá.

“Để kích thích sự sáng tạo của nhà khoa học nên cho họ hưởng từ 30-50% kết quả thương mại hoá”
Muốn kích thích sự sáng tạo của nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần, từ 30-50% kết quả thương mại hoá. (Ảnh: Int)

Đầu tư cho KHCN còn yếu

Tại Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chiều 11/2, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, một số ý kiến tham luận đã đề cập đến tài chính cho nghiên cứu KHCN và đây cũng là một trong những “nút thắt” khiến cho hoạt động nghiên cứu KHCN, đổi mới sáng tạo còn hạn chế.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta có thể tăng trưởng tới 7% bằng các động lực truyền thống, tăng thêm từ 7% tới 10%, thì phải tìm các động lực tăng trưởng mới. 3% tăng trưởng mới này chỉ có thể đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS).

Tuy nhiên, vị Bộ trưởng này nhấn mạnh, KHCN chỉ có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nếu các kết quả nghiên cứu được thương mại hoá. Để thúc đẩy thương mại hoá thì kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước nên thuộc sở hữu của các cơ sở nghiên cứu. Và muốn kích thích sự sáng tạo của nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần, từ 30-50% kết quả thương mại hoá. Nhà nước thì thu lợi từ thuế, công ăn việc làm khi kết quả nghiên cứu được thương mại hoá và tạo ra doanh thu, lợi nhuận.

Một điểm hạn chế nữa mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc tới đó là việc nước ta chưa dành nhiều kinh phí cho các phòng thí nghiệm. Đơn cử, muốn phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thì cần nhân lực chất lượng cao. Muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao của các trường đại học thì cần thu hút nghiên cứu, cần nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng đại học nghiên cứu, cần đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu.

Để làm được việc này, đại học cần một thỏi nam châm để hút nghiên cứu. Thỏi nam châm đó là các phòng thí nghiệm mà các doanh nghiệp không đủ sức đầu tư, nhất là các danh nghiệp SME. Vậy, nhà nước cần có một chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học. 75.000 tỷ đồng của năm 2025 chi cho KHCN, ĐMST và CĐS thì nên dành 5.000 tỷ đồng (khoảng 7%) cho đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các đại học.

“Làm liên tục việc này trong 5 năm thì sẽ thay đổi căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học. Hiện nay, mỗi năm, chúng ta đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa được 500 tỷ đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm cho đơn vị nghiên cứu

Thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc bố trí ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2021-2025 chi cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được bố trí kinh phí lồng ghép từ nhiều nguồn khác nhau. Qua rà soát, tổng hợp số liệu thì chi cho KHCN còn khiêm tốn từ 2021 – 2024, cụ thể năm 2021 đạt 1,37%, năm 2022 đạt 1,72% , năm 2023 đạt 1,39%, năm 2024 đạt 1,97% và dự kiến 2025 đạt 2%.

Bên cạnh đó, tồn tại, bất cập, chi NSNN cho KHCN hiện nay được quy định ở nhiều luật hiện hành, bao gồm Luật KHCN, Luật NSNN, Luật Đầu tư công và trong các quy định chi cho KHCN cũng có những điểm chưa thống nhất dẫn đến khó khăn cho quá trình bố trí, phân bổ nguồn vốn cũng như thanh, quyết toán các đề án, dự án.

Đồng thời, hiệu quả chi đối với lĩnh vực KHCN còn hạn chế do chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp, chưa có cơ chế khuyến khích nhà khoa học, chưa có cơ chế gắn kết giữa nguồn kinh phí nhà nước dành cho KHCN với nguồn kinh phí ứng dụng sản xuất thương mại hóa sản phẩm, chưa có cơ chế bố trí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ có tính chất liên vùng hoặc là chung cho các bộ ngành…

Bộ trưởng Tài chính đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó chú trọng xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro. Tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm cho các tổ chức nghiên cứu trong việc rà soát, phê duyệt và xây dựng nhiệm vụ và sử dụng NSNN cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, để viện nghiên cứu chi đồng tiền mà họ nhận được từ nhà nước theo cơ chế chi của doanh nghiệp, cơ chế khoán, chứ không chi như một cơ quan đơn vị hành chính. Nhà nước hãy quản theo kết quả nghiên cứu, tức là quản theo mục tiêu, thay vì quản cách làm, quản quy trình. Nhà nước chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, nhưng sẽ có các giải pháp quản lý rủi ro.

Trước đến nay, chúng ta quản cách làm, coi trọng hoá đơn chứng từ hơn là kết quả nghiên cứu. Bởi vậy, nhà nước thu được rất nhiều hoá đơn chứng từ nhưng thu được ít kết quả nghiên cứu. Các nhà quản lý KHCN thì chú tâm vào nghiệm thu hoá đơn chứng từ hơn là nghiệm thu kết quả nghiên cứu. Cơ chế này là do chúng ta, thay đổi nó chỉ là nhận thức và có thể làm rất nhanh, ngay trong nửa đầu 2025 này, bằng cách sửa Luật KHCN và các luật liên quan.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, Bộ này đang tham gia cùng Bộ KH&CN xây dựng dự thảo nghị quyết Quốc hội về một số chính sách thí điểm chi KHCN và đổi mới sáng tạo. Hiện Bộ Tài chính đang rà soát và đề xuất sửa đổi tổng thể Luật NSNN để trình cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, Bộ Tài chính đang trình các cấp thẩm quyền các hồ sơ đã sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, trong đó đề xuất các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động đầu tư, kinh doanh cơ sở kỹ thuật, dịch vụ vừa và nhỏ, cơ sở ươm tạo… và ưu đãi thuế thu nhập cá nhân với các nhân lực công nghệ cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Để kích thích sự sáng tạo của nhà khoa học nên cho họ hưởng từ 30-50% kết quả thương mại hoá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO