Đây là một trong những nội dung TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng trao đổi với MarketTimes về giải pháp giảm cơn sốt vàng và thu hẹp khoảng cách vàng trong nước với quốc tế.
Thời gian qua chúng ta chứng kiến việc giá vàng trong nước tăng cao kỷ lục lên tới hơn 92 triệu đồng/lượng và đột ngột xuống 90 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới là 19 triệu đồng. Thưa ông, phải chăng thị trường vàng trong nước biệt lập với thế giới?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường vàng là thị trường chung của thế giới, mặc dù thị trường vàng Việt Nam tương đối biệt lập với thế giới, nhưng nguồn vàng không từ nguồn nhập khẩu chính ngạch thì nó lại vẫn tuồn về từ nước ngoài qua khâu buôn lậu.
Trên thế giới có một số yếu tố làm tăng giá vàng: các Ngân hàng Trung ương (NHTW) trên thế giới và các nhà cái (nhà đầu tư lớn) trên thế giới thời gian qua thâu tóm giá vàng, đặc biệt một số NHTW giảm dự trữ ngoại hối họ tìm đến dự trữ vàng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư gom vàng với nhận định vàng luôn là hầm trú ẩn an toàn chống lạm phát và chống khủng hoảng.
Hiện tại, các cuộc khủng hoảng trên thế giới, nhất là khủng hoảng địa chính trị đã làm tăng vị thế của vàng như là nơi trú ẩn tài chính an toàn. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thời gian này có sự bất định: NH mốn giảm lãi suất thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng họ rất kiên trì kiểm soát lạm phát. Do vậy, đã làm cho giá trị của USD giảm, từ đó đẩy giá vàng tăng theo.
Thị trường vàng được thuận lợi do FED có thể sẽ giảm lãi suất, tất cả các yếu tố đã đẩy giá vàng lên và tác động đến giá vàng trong nước.
Ở trong nước, nhu cầu vàng tăng mạnh, đây là do yếu tố tâm lý khi nhiều người có tiền thấy rằng các kênh đầu tư như chứng khoán không ổn định, bất động sản trầm lắng, lãi suất ngân hàng giảm, ngoại tệ khó mua… Do đó, vàng là kênh nổi bật, tạo sinh lời cao nhất, tạo ra tâm lý đầu tư vàng trong lúc này là có lợi, họ đổ vào vàng.
Thời gian qua, giá vàng trong nước chênh lệch so với vàng thế giới đi từ việc hai thị trường này không liên thông với nhau, bởi NHNN không nhập khẩu vàng nên trở thành bình không thông nhau. NHNN chính là cái van để chặn giữa các bình thông nhau.
Việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng nhưng sau mỗi cuộc đấu thầu giá lại cao hơn và khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế càng tăng. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước thưc tế giá vàng trong nước chênh xấp xỉ 20 triệu/lượng, Chính phủ chỉ đạo NHNN tổ chức đấu thầu nhằm giảm chênh lệch vàng. Từ hôm 22/4 đến nay đã có 9 cuộc đấu thầu vàng miếng, trong đó có 3 cuộc đấu thầu không thành công. Số lượng vàng được đưa ra thị trường 48.500 lượng vàng. Việc NHNN tung ra khối lượng vàng lớn được thị trường kỳ vọng hạ nhiệt “cơn khát”. Tuy nhiên, điều không ngờ là tổ chức đấu thầu xong thì giá vàng lại tăng mặc dù có một lượng vàng đổ vào lưu thông. Đấu thầu không đạt được mục tiêu giảm giá và không làm giảm được sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Rất khó giải thích các cuộc đấu thầu mà giá vàng không giảm, có lẽ giá chào thầu khởi đầu quá cao. Nếu NHNN muốn kéo giá xuống thì phải chào giá thấp hơn nhiều so với thị trường, chính vì thế các doanh nghiệp kinh doanh không thấy có lợi ích, đặc biệt khi đấu thầu ôm vàng với giá cao, giá trên thị trường một lúc nào đó sẽ xuống thấp hơn. Các doanh nghiệp nhìn nhận việc NHNN mang ra đấu thầu vàng chỉ là mang tính chất giai đoạn, chứ không giải quyết được vấn đề lâu dài.
Ngoài ra, giá vàng trong nước “lên đồng” có thể bị tác động những yếu tố khác: như tâm lý sợ lạm phát của người Việt, người ta nhìn giá vàng như hàn thử biểu đoán định tình hình lạm phát, tâm lý lo ngại lạm phát lên cao mua vàng để đảm bảo tài sản.
Theo thống kê của TCTK, lạm phát trong 4 tháng đầu năm 2024 là 2,81% (dưới mức 4%). Như vậy, việc giá vàng tăng cao sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát, vì vàng không phải là tiền tệ lưu thông trên thị trường, không phải mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu.
Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng trên thế giới như thế nào và Việt Nam cần có giải pháp quản lý thị trường này ra sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trên thế giới, có những Ngân hàng Trung ương (NHTW) quản lý thị trường vàng, nhưng đa phần các nước tiên tiến họ chỉ quản lý chính sách tiền tệ, vàng được xem là các sản phẩm không phải tiền tệ, cần có cơ quan ngoài chính sách quản lý tiền tệ để quản lý thị trường vàng.
Tại Việt Nam NHNN không chỉ quản lý tiền tệ mà còn quản lý thị trường vàng, vì điều này không theo truyền thống của các NHTW trên thế giới. Hiện các chính sách chưa có tác động từ đấu thầu vàng, chỉ định kiểm soát thị trường vàng… nên thị trường vàng vẫn dao động dữ dội.
NHNN cần xem xét để cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng nhập khẩu, tăng nguồn cung cho thị trường vàng. Có thể tháo gỡ nhãn hiệu SJC, để nhãn hiệu này không còn độc quyền và để các sản phẩm trên thị trường vàng có sự bình đẳng. Khi số lượng đáp ứng nhu cầu chắc chắn thị trường vàng đi vào sự ổn định.
Để giải quyết được căn nguyên vấn đề, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng sàn giao dịch vàng trong đó giao dịch mua bán thể hiện rõ trên thị trường như chứng khoán, từ đó người dân nhận định đúng thực tế sẽ giảm bớt cơn sốt vàng, giảm bớt hiện tượng bầy đàn, xô nhau đi mua vàng…
Bên cạnh đó giao dịch vàng lớn phải qua chuyển khoản bởi các giao dịch vàng sử dụng tiền mặt sẽ không để lại dấu vết sẽ khó thu thuế hay tìm được tội phạm rửa tiền. Do đó, những giao dịch 100 triệu đồng phải chuyển khoản để lại dấu vết. Tất cả những giao dịch vàng cần phải đóng thuế, vì hiện tại người mua bán vàng trên thị trường không phải đóng thuế...
Tới đây, Chính phủ chỉ đạo NHNN và các cơ quan chức năng thanh tra thị trường vàng, chắc chắn sẽ có tác động đến thị trường vàng nhưng chỉ là nhất thời và cũng không đủ để ổn định thị trường vàng. Về lâu dài cần sửa đổi tổng hợp các biện pháp ngắn hạn cũng như dài hạn.
Trân trọng cảm ơn ông!