Đẩy nhanh tiến độ khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong tháng 9/2023

Thảo Thảo | 17:52 09/02/2023

UBND tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương hoàn thiện công tác chuẩn bị để cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc kịp khởi công trong tháng 9/2023.

Đẩy nhanh tiến độ khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong tháng 9/2023
Lâm Đồng đẩy nhanh tiến độ quyết tâm khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong tháng 9/2023. (ảnh minh hoạ)

Ngày 9/2, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản số 31/BC-UBND gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện đầu tư, xây dựng Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên khương, trong đó có nội dung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc của Dự án giao thông trọng điểm của tỉnh.

Trước đó, trong cuộc họp mới nhất của UBND tỉnh, Lâm Đồng quyết tâm cao nhất việc thúc đẩy để dự án triển khai sớm hơn. Theo kế hoạch đặt ra, tháng 6/2026 dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Để kịp tiến độ, chậm nhất vào tháng 9/2023 dự án sẽ chính thức khởi công.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 67 km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Điểm đầu kết nối với dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, điểm cuối tại km216, giao với đường Nguyễn Văn Cừ (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

Các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đã sơ bộ thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích đền bù, giải phóng mặt bằng và dự kiến quỹ đất tái định canh, tái định cư cho dự án.

Hiện nhà đầu tư đề xuất dự án đã triển khai thực khảo sát địa hình, địa chất và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Đến nay công tác khảo sát cơ bản thực hiện xong. Dự kiến sẽ hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 3/2023.

Nhà đầu tư đề xuất dự án cũng đã lựa chọn đơn vị tư vấn đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để triển khai lập hồ sơ ĐTM.

Với dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,9km, có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí 10.800 tỷ đồng đối ứng, còn lại là vốn của các nhà đầu tư. Tỉnh đã gửi văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng. Với dự án này, Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện xây dựng tuyến đường cao tốc từ nguồn vốn đối tác công tư (PPP).

Dự kiến trong quý 2/2023 sẽ hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tỉnh cũng đang đôn đốc các địa phương có tuyến cao tốc đi qua chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nhiệm vụ cần thiết để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Công tác này sẽ được thực hiện đồng thời trong quá trình lập, thẩm định phê duyệt cáo cáo nghiên cứu khả thi. Sau khi có quyết định phê duyệt sẽ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết sẽ thực hiện khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư thực hiện dự án ngay sau Báo cáo cuối kỳ của bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi và sẽ thực hiện trong tháng 4/2023.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn hồ sơ, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với phần diện tích nằm trong dự án (hoàn thành trong quý II/2023)…

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nằm trong chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng hiện nay qua kiểm tra, khảo sát thực địa, hướng tuyến ở bước nghiên cứu khả thi có điều chỉnh cục bộ một số vị trí (như: dự án trường Đua ngựa, Cụm công nghiệp Đạ Huoai, nghĩa trang Địa Tạng Vương, thiền viện Bát Nhã, những vị trí tránh địa hình đồi núi...) để giảm độ dốc dọc và đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.

Chính vì vậy, Lâm Đồng đề nghị: Đối với những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện có điều chỉnh cục bộ vị trí, hướng tuyến nhưng không làm tăng diện tích rừng đã được chấp thuận thì giao địa phương chịu trách nhiệm điều chỉnh cho phù hợp với phạm vi thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai, Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với một số gói thầu tư vấn thuộc dự án như: Thẩm tra hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ ĐTM; tư vấn thăm dò khoáng sản để cấp phép khai thác các mỏ vật liệu...

Mặt khác, theo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, hầu hết thời gian thu hồi vốn đối với các dự án cao tốc đều có thời gian trên 20 năm trong khi thời hạn cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng chỉ 15 năm.

Vì vậy, Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn này cho các nhà đầu tư trong việc huy động nguồn vốn vay để thực hiện dự án đường cao tốc theo hình thức PPP.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đẩy nhanh tiến độ khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong tháng 9/2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO