Đầu tư hạ tầng giao thông để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá

Vân Anh | 23:57 25/11/2021

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ để có thể phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 12/2021.

Đầu tư hạ tầng giao thông để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá
Quy hoạch cần làm rõ về câu chuyện đường ra quốc tế của các sản phẩm trong vùng đang phải thông qua Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 25/11, Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra tại Hà Nội.

Vùng thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đại diện cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch cho biết, việc phân vùng sinh thái nông nghiệp và phân vùng chức năng của nguồn nước thành 3 vùng (vùng ngọt, vùng chuyển tiếp ngọt-lợ, vùng mặn-lợ) là phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của Vùng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện điều này, đòi hỏi có sự thay đổi trong tư duy, quan điểm về quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước và thay đổi cách thức vận hành hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với chuyển đổi mô hình sinh kế nông nghiệp tại từng tiểu vùng sinh thái.

Đại diện Tư vấn quy hoạch - Liên danh Haskoningdhv (Hà Lan) và GIZ (CHLB Đức) cho rằng, đến năm 2050, Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển là đồng bằng bền vững, là nơi đáng sống và làm việc, là điểm hấp dẫn du khách và nhà đầu tư.

Trọng tâm của chiến lược phát triển vùng là “bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường”. Do đó, để hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sẽ phân vùng theo độ mặn thành 3 vùng, Phân vùng theo sinh thái nông nghiệp thành 14 vùng, bao gồm 6 tiểu vùng trong vùng ngọt quanh năm, 5 tiểu vùng trong vùng chuyển tiếp ngọt-lợ, 3 tiểu vùng trong vùng mặn-lợ.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các dự báo đều thấy tình hình nước biển dâng, ngập úng, xâm nhập mặn diễn ra ở cả vùng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp do đó phải làm rõ mức độ và cách xử lý.

“Phải có quan điểm thích nghi hay khống chế trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nếu thích nghi thì phải tăng giao thông thủy, cần sự đột phá về cảng biển, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tăng sản xuất thủy hải sản. Còn nếu khống chế thì phải chủ động các giải pháp, học hỏi các mô hình như của Hà Lan”, TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng không nên tổ chức không gian nông nghiệp trên cơ sở các trung tâm động lực định hướng. Quy hoạch cần phân bố theo nhu cầu sản xuất từng ngành hàng chủ lực và nhu cầu liên kết, theo thế mạnh từng theo vùng và sẽ có những trung tâm động lực, điều phối liên kết vùng; nếu quy hoạch gắn với đơn vị hành chính thì khó có thể thành công. Bên cạnh đó, phân bổ vùng sản xuất phải gắn với hệ thống hạ tầng đường bộ, đường thủy, cảng sông, cảng biển.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp thay vì sản xuất "phó mặc cho trời", nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Ngoài ra quy hoạch cần làm rõ về câu chuyện đường ra quốc tế của các sản phẩm trong  vùng đang phải thông qua Thành phố Hồ Chí Minh trong khi hệ thống giao thông quá tải, các tuyến cao tốc thường xảy ra tắc nghẽn.

Hạ tầng giao thông là nút thắt cần tháo gỡ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quy hoạch nhấn mạnh, Đồng bằng Sông Cửu Long một trong những trọng điểm về đảm bảo quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa-xã hội của đất nước.

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 12% diện tích và 19% dân số, khoảng 50% sản lượng lúa và 95% gạo xuất khẩu, 65% lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây.

“Đến nay chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng, đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa cao so với các vùng khác. Vì vậy, việc sớm xây dựng, thẩm định, phê duyệt để triển khai đồng bộ Quy hoạch Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng để định hướng, xác định được trọng tâm, trọng điểm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của vùng’, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị chủ trì và đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt. Rà soát, cập nhật đầy đủ các Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cập nhật các quy hoạch hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo bảo đảm phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, hạn chế tối đa đầu tư đường dây truyền tải.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đặc biệt lưu ý Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cần rà soát, bổ sung thêm các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng cần chú ý hệ thống phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục), bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa, các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng.

Sau cuộc họp này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ để có thể phê duyệt trong tháng 12/2021.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đầu tư hạ tầng giao thông để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO