Lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030

Trần Khai | 09:52 03/11/2021

Sáng ngày 3/11, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức hội nghị trực tuyến.

Lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước.

Dự họp có các thành viên Hội đồng là lãnh đạo một số bộ, cơ quan và 13 tỉnh, thành phố trong vùng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa rất quan trọng. Cả nước có 6 vùng kinh tế xã hội thì quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long là quy hoạch vùng đầu tiên và đây là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, có động lực tăng trưởng lớn.

Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho vùng để khai thác tối đa tiềm năng phát triển. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung cao cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiệm kỳ này.

"Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đề cập đến nhiều lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, bao gồm vùng sản xuất, hạ tầng giao thông, hệ thống ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống xâm nhập mặn, hệ thống tưới tiêu… Đề nghị các bộ, địa phương thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi tổ chức Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định theo quy định...", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh thêm, ngoài khoản vay 2 tỷ USD Chính phủ dự kiến huy động, bố trí thêm nguồn vốn cho một số công trình trong vùng, đặc biệt là một số tuyến giao thông. Phó Thủ tướng đề nghị thảo luận thêm về khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau Hội nghị này Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện quy hoạch để sớm trình phê duyệt, tạo cơ sở để triển khai các dự án trong vùng.

Theo Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đồ án quy hoạch có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của vùng nói chung và 13 tỉnh trong vùng nói riêng.

Đồ án đã tập trung kế thừa hiện trạng phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp cận hệ thống tư tưởng phát triển mới trên cơ sở đánh giá các tiềm năng lợi thế, nhận diện các thách thức của vùng và các tỉnh trong vùng.

Đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mekong chiếm khoảng 20% dân số, 12% diện tích cả nước, đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp 15,4% GDP của cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nhiều khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch tập trung, với quy mô ngày một lớn; đã trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, đó là các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là chính quá trình hoạch định và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều bất cập. Điều đó đã và đang gây sức ép ngày càng lớn lên hệ thống hạ tầng, các đô thị và không gian sống của người dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, làm gia tăng nguy cơ thảm họa thiên nhiên trong hiện tại và tương lai.

Trước những thách thức trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, đặt ra nhiệm vụ xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp, đa ngành mà Luật Quy hoạch quy định là việc làm tiên quyết.

Luật cũng giao các cơ quan của Chính phủ huy động nguồn lực tăng thêm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2 tỷ USD để thực hiện các công trình trọng điểm, liên vùng, có sức lan tỏa cao để thực hiện được quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đề ra và nhằm mục tiêu tạo động lực tăng trưởng mới cho vùng.

Dự thảo Quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó, môi trường và xã hội là nền tảng.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển theo nguyên lý thuận thiên có kiểm soát, coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi và lấy con người làm trung tâm, tận dụng những điều kiện tự nhiên phong phú để phát triển đa dạng nhưng hạn chế can thiệp thô bạo vào hệ thống tự nhiên.

Phát triển kết cấu hạ tầng được coi là chiến lược quan trọng nhất của quy hoạch vùng để hướng tới những mục tiêu phát triển nói trên. Đặc biệt quan trọng là các hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng.

Dự thảo quy hoạch cũng đặt ra, giai đoạn 2021-2030 phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức trung bình cả nước khoảng 7%/năm.

Đến năm 2030, tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP khoảng 20%; công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 32%; dịch vụ là 46%. Kinh tế nông nghiệp tập trung phát triển theo hướng kinh tế sinh học toàn diện với ba trọng tâm: Thủy sản - cây ăn quả - lúa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO