Sau 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử mang tên nâng hạng. Từ thị trường cận biên lên nhóm mới nổi là một trong những mục tiêu quan trọng, thể hiện vai trò của TTCK trong “Kỷ nguyên vươn mình” của đất nước, đồng thời khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu.
Rất nhiều khó khăn, thách thức trên hành trình chuẩn bị cho bước ngoặt này. Nhưng sau tất cả, nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý và thành viên thị trường đã đưa chứng khoán Việt Nam đến gần hơn với thị trường mới nổi hơn bao giờ hết.

Cột mốc đầu tiên đánh dấu việc Việt Nam chính thức được các tổ chức xếp hạng quốc tế quan tâm là vào tháng 09/2018, khi FTSE Russell lần đầu tiên đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp. Đến năm 2019, MSCI - tổ chức xếp hạng có ảnh hưởng lớn nhất đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, cũng nhắc đến Việt Nam trong báo cáo đánh giá thị trường.
Từ đó đến nay, các nhà quản lý thị trường Việt Nam đã liên tục đối thoại, lắng nghe ý kiến từ FTSE Russell và MSCI, qua đó tiến đến hoàn thiện các tiêu chí nâng hạng. Bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu Dragon Capital đánh giá các nỗ lực cải cách về mặt kỹ thuật và pháp lý trong những năm gần đây được triển khai một cách bài bản và có tính hệ thống cao.
Việc đưa vào vận hành hệ thống mới (KRX) đã cho phép giao dịch T+0, xử lý lệnh với tốc độ cao gấp 20 lần hệ thống cũ và đồng thời tạo nền tảng để triển khai các sản phẩm mới như bán khống, giao dịch lô lẻ, hoặc chứng quyền có bảo đảm phiên bản mới. Bên cạnh đó, việc ban hành Thông tư 68/2024 quy định về cơ chế Non-Prefunding Solution (NPS - Giải pháp không cấp vốn trước) đã xóa bỏ một trong những rào cản lớn nhất từng làm chậm quá trình nâng hạng của thị trường.

Về bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội hiện nay, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi với vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP được dự báo ở mức cao trong khi lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Đáng chú ý, loạt nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị như NQ57 (về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia), NQ59 (về hội nhập quốc tế trong tình hình mới), NQ66 (về xây dựng và thực thi pháp luật) và NQ68 (về phát triển kinh tế tư nhân) được cho là sẽ làm thay đổi Việt Nam, tạo ra động lực, bứt phá mới trong 10-20 năm tới.
Theo chuyên gia Dragon Capital, khả năng thị trường Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9 năm nay là rất khả quan. Bởi đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí của FTSE Russell. Với nền tảng hiện có và tiến độ cải cách nhanh chóng, khả năng Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong kỳ rà soát sắp tới là rất cao.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Thu - Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng, chúng ta đã ở khá gần với quyết định nâng hạng từ FTSE Russell. Vấn đề còn lại là FTSE Russell sẽ cần lấy ý kiến từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đang giao dịch tại Việt Nam. Nếu các nhà đầu tư thấy không còn trở ngại gì lớn cho việc giao dịch, nhất là đối với việc không cần ký quỹ tiền mặt trước khi mua chứng khoán, TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng.

Tác động tích cực dễ dàng nhận thấy từ việc nâng hạng là dòng vốn ngoại. Theo ước tính của VinaCapital, nếu Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng, các quỹ bị động đầu tư theo chỉ số có thể sẽ rót khoảng 1 tỷ USD vào TTCK. Các quỹ chủ động đầu tư vào thị trường mới nổi sẽ phân bổ tùy theo chiến lược của quỹ, nhưng con số ước tính cũng có thể lên tới vài tỷ USD.
Bên cạnh đó, chuyên gia VinaCapital còn cho rằng, việc nâng hạng thị trường còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho TTCK Việt Nam, khắc phục tình trạng các nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ lệ giao dịch khoảng 90% toàn thị trường, thông qua việc tăng hút dòng vốn ngoại, có tính ổn định cao, vào thị trường.
Việc nâng hạng không chỉ tác động đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài mà còn góp phần gia tăng niềm tin của nhà đầu tư trong nước, thúc đẩy tính minh bạch, chuẩn hóa thị trường, và từ đó tạo ra môi trường đầu tư bền vững hơn. Những yếu tố này về dài hạn sẽ hấp dẫn cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế.
Thị trường vốn Việt Nam đang trong quá trình cải cách mạnh mẽ để hướng tới chuẩn mực quốc tế. Do đó, bất kỳ sự điều chỉnh ngắn hạn nào của dòng vốn cũng nên được nhìn nhận trong bức tranh tổng thể dài hạn, nơi mà tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam và sức hấp dẫn của thị trường sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư mới, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược.
.png)
Đồng quan điểm, bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu Dragon Capital đánh giá tác động tích cực lên dòng vốn là không thể phủ nhận. Các ước tính cho thấy dòng tiền từ các quỹ ETF từ FTSE và sau đó là MSCI có thể đổ vào thị trường Việt Nam lên tới 3-5 tỷ USD trong vòng hai năm đầu tiên sau khi nâng hạng.
Bên cạnh đó là sự gia nhập của các quỹ chủ động có chiến lược đầu tư trung và dài hạn, với kỳ vọng lợi suất cao hơn các thị trường đã phát triển. Điều này không chỉ giúp tăng thanh khoản mà còn thay đổi cách định giá thị trường, giảm hệ số rủi ro quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trong quá trình tiếp cận nguồn vốn quốc tế.
Về rủi ro dòng vốn cận biên sẽ rút đi sau nâng hạng, chuyên gia Dragon Capital cho rằng điều này là không đáng lo ngại. Trên thực tế, quy mô dòng vốn từ các quỹ thị trường cận biên vào Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 2,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với dòng tiền tiềm năng từ các quỹ thị trường mới nổi. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Kuwait hay UAE cho thấy, mặc dù có sự chuyển dịch, nhưng dòng vốn từ thị trường mới nổi sẽ thay thế nhanh chóng và thậm chí vượt xa dòng vốn cũ.

Mặc dù việc nâng hạng mang lại nhiều cơ hội thu hút vốn quốc tế, Việt Nam vẫn đối mặt với một số hạn chế nhất định trong việc tận dụng dòng vốn này một cách hiệu quả. Theo chuyên gia Dragon Capital, giới hạn sở hữu nước ngoài tại một số ngành, trong khi các sản phẩm thay thế như chứng chỉ lưu ký (NVDR) chưa được triển khai, là một rào cản. Điều này khiến nhà đầu tư ngoại khó tiếp cận một số cổ phiếu hấp dẫn nhưng đã kín room.
Bên cạnh đó, thanh khoản trên thị trường vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu VN30, trong khi phần lớn các mã còn lại chưa đạt ngưỡng thanh khoản tối thiểu (1 triệu USD/phiên) để đáp ứng yêu cầu của các quỹ lớn. Ngoài ra, tiêu chuẩn minh bạch và quản trị doanh nghiệp cần được cải thiện. Hiện chỉ khoảng 26% doanh nghiệp niêm yết có báo cáo liên quan đến ESG và chỉ số quản trị doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn thấp khi so sánh với các thị trường cùng nhóm hoặc đang chuẩn bị nâng hạng.

Một rào cản khác là cơ cấu ngành niêm yết trên thị trường hiện còn mất cân đối nghiêm trọng. Nhóm ngân hàng và bất động sản đang chiếm hơn 50% vốn hóa toàn thị trường, trong khi các ngành có tiềm năng tăng trưởng bền vững như công nghệ, y tế, năng lượng tái tạo lại chiếm tỷ trọng rất thấp. Điều này khiến cho các dòng vốn lớn khó đa dạng hóa danh mục, hạn chế sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư chiến lược.
Bổ sung về vấn đề này, chuyên gia VinaCapital cho rằng hạ tầng thị trường cũng là một nút thắt, đặc biệt là mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) vẫn đang trong quá trình triển khai. Mô hình CCP là chuẩn mực quốc tế trong giao dịch chứng khoán, được áp dụng ở hầu hết các TTCK trên thế giới.
Theo chuyên gia VinaCapital, việc triển khai mô hình này sẽ giúp nâng cao khả năng tham gia thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài, vốn coi trọng tiêu chuẩn vận hành cao và yêu cầu đồng bộ hóa về quy trình giao dịch giữa các thị trường mà họ tham gia đầu tư cũng như hạn chế tối đa rủi ro phát sinh khi giao dịch.

Nâng hạng là mục tiêu nhưng không phải đích đến cuối cùng của TTCK Việt Nam. Duy trì được vị trí trong nhóm mới nổi, đồng thời tận dụng tối đa những lợi ích từ việc nâng hạng để thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, mới là điều quan trọng nhất. Để làm được điều này cần gia tăng giá trị nội tại của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, điển hình là việc cải thiện chất lượng doanh nghiệp niêm yết.
Với định giá hấp dẫn, nhu cầu đầu tư lớn và cơ chế vận hành hiện đại, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến của các doanh nghiệp quy mô lớn đang chờ niêm yết như Viettel, Mobifone, Bách Hóa Xanh, Long Châu, Thaco,... Đây sẽ là điều kiện cần để đa dạng hóa cơ cấu ngành, cải thiện tính đại diện và củng cố vị thế Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu.
Chuyên gia Dragon Capital cho rằng, nếu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trên 7%/năm và với chính sách khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp mới nổi và các doanh nghiệp đầu ngành sẽ niêm yết trong giai đoạn 2026 - 2030. Khi đó, thị trường sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, cả về thanh khoản lẫn chất lượng cổ phiếu.

Đồng quan điểm, chuyên gia VinaCapital đánh giá nâng hạng thị trường chắc chắn sẽ là một chất xúc tác quan trọng. Khi được nâng hạng, thị trường Việt Nam sẽ được các quỹ đầu tư toàn cầu theo dõi sát sao hơn. Điều đó không chỉ giúp cải thiện thanh khoản và khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp niêm yết hiện hữu, mà còn tạo ra áp lực tích cực buộc các doanh nghiệp chưa niêm yết cân nhắc tham gia thị trường như một kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy làn sóng doanh nghiệp IPO và niêm yết lên sàn chứng khoán. Để thực sự tạo ra một làn sóng doanh nghiệp IPO và niêm yết có chất lượng, thực sự là những cơ hội đầu tư, thị trường cần nhiều hơn một chất xúc tác.
“Chúng ta cần có một hệ thống định giá hợp lý, minh bạch, cần cải thiện niềm tin của nhà đầu tư. Đối với các doanh nghiệp nhà nước hoặc nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, cần có một lộ trình và cơ chế cổ phần hóa, giảm vốn doanh nghiệp nhà nước rõ ràng và khả thi, bởi nhiều thương vụ IPO lớn và các cơ hội đầu tư chất lượng sẽ đến từ khu vực này”, chuyên gia VinaCapital nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc nâng hạng cũng sẽ nâng chuẩn thị trường, nghĩa là các doanh nghiệp muốn IPO thành công sẽ phải cải thiện quản trị, công bố thông tin và vận hành theo chuẩn quốc tế. Đây là yếu tố giúp thị trường phát triển bền vững về lâu dài và cũng sẽ là một “bộ lọc” vì không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng cho việc nâng cao các tiêu chuẩn quản trị.
Nhìn chung, Việt Nam đang bước vào “Kỷ nguyên vươn mình” và TTCK đã sẵn cho giai đoạn phát triển mới, bền vững hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn. Dịp kỷ niệm 25 năm không chỉ là cột mốc để nhìn lại chặng đường đã qua, mà còn là thời điểm khởi đầu cho một chu kỳ phát triển chất lượng cao, với TTCK đóng vai trò động lực then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.