42 cái tên lớn nhất HOSE chiếm 5,2 triệu tỷ vốn hóa: Loạt ngân hàng nô nức vượt đỉnh, Hòa Phát, PV Gas, Vinamilk... chưa về 'hoàng kim', riêng Novaland chỉ bằng 1/5 đỉnh cũ

Ngọc Điệp | 22:41 27/07/2025

Ngành ngân hàng đặc biệt ghi nhận nhiều cổ phiếu đang thiết lập các kỷ lục mới về giá, như các cổ phiếu TCB, CTG, VPB, MBB, LPB, HDB, STB,... hiện đều đang ở trong vùng giá cao nhất lịch sử.

42 cái tên lớn nhất HOSE chiếm 5,2 triệu tỷ vốn hóa: Loạt ngân hàng nô nức vượt đỉnh, Hòa Phát, PV Gas, Vinamilk... chưa về 'hoàng kim', riêng Novaland chỉ bằng 1/5 đỉnh cũ

Ngày 25/7, chỉ số VN-Index 10,11 điểm đóng cửa ở mức 1.531,13 điểm, vượt qua đỉnh lịch sử trước đó vào ngày 6/1/2022 với 1.528,57 điểm.

Đóng góp lớn vào tăng trưởng của chỉ số VN-Index là những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE. Tổng vốn hóa thị trường sàn HoSE ngày 25/7 là hơn 6,6 triệu tỷ đồng thì tổng vốn hóa của 42 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn là gần 5,2 triệu tỷ đồng.

Trong số 42 doanh nghiệp này, phần lớn doanh nghiệp đều ghi nhận giá cổ phiếu hiện tại cao hơn so với giá ngày 6/1/2022 (sau điều chỉnh).

Trong đó, giá cổ phiếu VCB tăng hơn 38%, vốn hóa thị trường tăng tới gần 225.000 tỷ đồng. Trong năm 2025, VCB đã thiết lập mức đỉnh lịch sử mới vào ngày 17/3 với mức giá 67.300 đồng/cp.

Ngành ngân hàng đặc biệt ghi nhận nhiều cổ phiếu đang thiết lập các kỷ lục mới về giá, như các cổ phiếu TCB, CTG, VPB, MBB, LPB, HDB, STB,... hiện đều đang ở trong vùng giá cao nhất lịch sử. Góp phần đưa chỉ số VN-Index vượt đỉnh.

Ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng khác có mức giá và vốn hóa thấp hơn so với hồi đầu năm 2022 như SSB, VIB, TPB, MSB. Trong đó, hồi đầu năm 2022 là vùng đỉnh lịch sử của TPB và MSB.

So với giá thời điểm đó là 22.050 đồng/cp (đã điều chỉnh), cổ phiếu TPB hiện đang thấp hơn khoảng 29%. Và giá thời điểm 6/1/2022 của MSB là 16.360 đồng/cp (đã điều chỉnh), giá cổ phiếu MSB hiện tại thấp hơn khoảng 14%.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang có vốn hóa thấp hơn so với thời điểm đỉnh cũ của VN-Index như Hòa Phát, PV Gas, Vinamilk, GVR, Masan, Sabeco,...

Trong đó, đặc biệt giảm mạnh phải kể đến Novaland (NVL), hiện nay giá Novaland chỉ bằng khoảng 1/5 so với hồi đầu tháng 1/2022 (khoảng 90.000 đồng/cp sau điều chỉnh) và vốn hóa giảm tới 137.000 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ "cú trượt dài" với chuỗi 17 phiên giảm điểm liên tiếp của cổ phiếu này vào cuối tháng 10/2022 và chưa thể quay lại đỉnh cũ.

Nguyên nhân lớn nhất cho sự đi xuống của cổ phiếu NVL vẫn đến từ việc nội tại của Novaland. 

Trong giai đoạn bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2020-2021 thì Novaland cũng là một trong những công ty tích cực phát hành nhất với hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm khi hàng loạt lô trái phiếu bắt đầu đáo hạn thì thị trường bất động sản lại "đóng băng", khiến các dự án của doanh nghiệp bất động sản này bị đình trệ, việc trả nợ trái phiếu hay nợ vay trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, một loạt dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư hàng tỷ USD của công ty bị chậm tiến độ hay gặp vấn đề về pháp lý. 

Trong số họ nhà Vin, cổ phiếu VHM đang ở trong vùng giá cao nhất lịch sử, cổ phiếu VIC cao hơn so với hồi đầu năm 2022 nhưng vẫn còn kém một chút so với vùng đỉnh lịch sử năm 2021, cổ phiếu VPL lên sàn HoSE trong năm nay cũng đóng góp lớn vào vốn hóa của HoSE. Còn cổ phiếu VRE vẫn đang cách đỉnh cũ năm 2018 khá xa (khoảng 48.000 đồng/cp sau điều chỉnh).

Bên cạnh VPL, trong năm nay cũng có 1 ông lớn lên sàn HoSE là BSR và tháng 8/2024 có GEE góp phần vào vốn hóa của sàn.

vnindexath.png


(0) Bình luận
42 cái tên lớn nhất HOSE chiếm 5,2 triệu tỷ vốn hóa: Loạt ngân hàng nô nức vượt đỉnh, Hòa Phát, PV Gas, Vinamilk... chưa về 'hoàng kim', riêng Novaland chỉ bằng 1/5 đỉnh cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO