Dầu thô tăng hơn 6% sau động thái của OPEC+

Lê Hà | 15:02 04/04/2023

Hôm nay (4/4), giá dầu thô WTI của Mỹ ghi nhận giao dịch ở mức 80,59 USD/thùng trong khi dầu Brent là 85,07 USD/thùng.

Dầu thô tăng hơn 6% sau động thái của OPEC+
Dầu thô tăng mạnh hơn 6% (Ảnh minh họa: Int)

Phiên sáng nay, dầu WTI tăng 0,17 USD/thùng lên mức 80,59 USD/thùng; dầu Brent tăng 0,14 USD/thùng lên mức 85,07 USD/thùng.

Kết thúc phiên 3/4, giá dầu thô WTI tăng 6,28% lên 80,42 USD/thùng, Brent tăng 6,31% lên 84,93 USD/thùng.

Giá dầu bắt đầu chuỗi tăng sau khi OPEC+ cam kết sẽ nâng tổng khối lượng cắt giảm kể từ tháng 11 lên 3,66 triệu thùng/ngày, bao gồm cả việc cắt giảm 2 triệu thùng vào tháng 10 năm ngoái, tương đương khoảng 3,7% nhu cầu toàn cầu.

Theo đó, động thái này đã khiến cho những lo ngại về nguồn cung gia tăng, và ngay cả Mỹ cũng khó có thể đẩy nhanh tốc độ sản xuất để bù đắp khoảng trống mà OPEC+ để lại.

Hiện sản lượng dầu của Mỹ là 12,2 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn khoảng 500,000 thùng/ngày so với mức trước đại dịch.

Trang tin Bloomberg chia sẻ, đợt cắt giảm này sẽ xóa sạch thặng dư nguồn cung hiện tại và đẩy thị trường dầu mỏ vào tình trạng thâm hụt sâu hơn kể từ quý III của năm nay.

Ước tính của Bloomberg cũng cho thấy, mức thâm hụt trong quý IV sẽ tăng lên 1,87 triệu thùng/ngày, cao hơn gần 60% so với mức 1,18 triệu thùng trong kịch bản OPEC+ không cắt giảm.

Hiện nhiều tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ cán mốc 95 USD/thùng vào tháng 12, và Ngân hàng UBS nâng ước tính giá dầu lên 100 USD/thùng vào tháng 6.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích còn dự báo giá dầu Brent tăng có thể thúc đẩy giá dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga lên mức cao hơn mức giới hạn do G7 đặt ra.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho biết việc cắt giảm có nguy cơ làm trầm trọng thêm một thị trường căng thẳng và đẩy giá dầu lên cao trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là châu Âu.

Giá năng lượng leo thang trở lại sẽ gây áp lực lên các Ngân hàng Trung ương trên thế giới trong việc điều hành các chính sách tiền tệ.

Công cụ theo dõi của CME cho thấy, kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5 đang áp đảo so với kịch bản giữ nguyên. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nếu tình trạng lạm phát không bớt nóng.

Nền kinh tế trên toàn cầu vốn đang tăng trưởng chậm lại, thì nay nguy cơ suy thoái lại tăng lên. Các chuyên gia dự báo, giá dầu có thể giảm trở lại trong trung và dài hạn, nếu nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại do áp lực từ chính sách tiền tệ khiến nhu cầu tiêu thụ suy yếu mạnh hơn nguồn cung.

Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 3/4 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:

Cụ thể, xăng E5RON92: không cao hơn 22.082 đồng/lít (tăng 60 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.043 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 23.125 đồng/lít (tăng 87 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 19.430 đồng/lít (tăng 128 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); dầu hỏa không cao hơn 19.037 đồng/lít (giảm 425 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.429 đồng/kg (giảm 50 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Tại kỳ điều hành này, Liên bộ thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít; dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.

Liên bộ cũng quyết định không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dầu thô tăng hơn 6% sau động thái của OPEC+
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO