Sau giai đoạn giảm sâu từ giữa tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hồi phục tích cực trong những phiên gần đây. Tuy vậy, liệu thị trường đã thực sự tạo đáy hay đây chỉ là nhịp “bulltrap” là câu hỏi không dễ giải đáp.
Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán BIDV (BSC) đã có những chia sẻ quan điểm về thị trường cũng như những dấu hiệu nhận biết vùng đáy trên thị trường chứng khoán.
BTV Mùi Khánh Ly: Thị trường trong vài tuần trở lại đây đã có sự giảm liên tiếp, xen lẫn với đó là những phiên phục hồi nhưng rồi lại giảm sâu hơn, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán BIDV (BSC)
Thông thường, sau một chu kỳ tăng điểm kéo dài sẽ có những đợt giảm điểm tương đối lớn. Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm trong suốt 9 tháng đầu năm, đặc biệt thời gian từ khoảng tháng 4 đến tháng 9/2023, VN-Index tăng khoảng 16 - 17% và tính từ đầu năm đến thời điểm tháng 9, tăng xấp xỉ khoảng 25%. Tiếp sau, thị trường đã có hơn 1 tháng giảm điểm liên tục. Và thông thường, mặc dù thị trường có những phiên điều chỉnh giảm là điều bình thường, nhưng cũng điều chỉnh chỉ từ 5 - 10%. Trong suốt lịch sử của VN-Index, chúng tôi thấy như đợt giảm điểm quá 15% trong giai đoạn vừa rồi là hiếm có. Tôi nghĩ đó là hệ quả của những lo lắng của nhà đầu tư về những biến động quốc tế, cũng như những chuyển biến về mặt vĩ mô và doanh nghiệp trong nước. Thị trường chứng khoán luôn đi trước một bước nên những diễn biến vừa rồi có lẽ cũng là thời gian thị trường chứng khoán điều chỉnh lại về gần hơn với những diễn biến của nền kinh tế thật.
Những thông tin xấu nhất cũng đã qua đi, thậm chí những thông tin tích cực như kinh tế cải thiện qua các quý, doanh nghiệp báo lãi dần, hoặc cải thiện hơn…Vậy theo ông, điều gì khiến nhà đầu tư đã bán mạnh trong những tuần trước?
Gần đây, VN-Index đang ở một vùng điểm tương đương với tháng 11/2022, thời điểm chứng kiến một đợt giảm điểm rất lớn. So sánh giữa hai thời điểm này với nhau thì những yếu tố vĩ mô và thời điểm hiện tại của chúng ta đang tương đối tốt hơn so với cuối năm 2022. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, mặc dù đang còn những khó khăn, nhưng cũng đã có những dấu hiệu cải thiện nhất định. Đơn cử, như thống kê đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 1.100 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III/2023 và tổng doanh thu khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tổng lợi nhuận khoảng 98 nghìn tỷ, so với cùng thời gian này vào năm ngoái doanh thu của chúng ta đã tăng trưởng nhẹ khoảng 4%. Chúng ta vẫn còn một số những doanh nghiệp lớn đang chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh và chúng tôi dự báo sẽ có những cải thiện nhất định so với năm ngoái, nhất là so với quý II vừa qua. Trên cơ sở đó, trường hợp thị trường đang ở vùng điểm tương đồng với thời điểm đầu tháng 11/2022, rõ ràng nhà đầu tư đã có những bi quan nhất định, nhưng tôi nghĩ đây cũng là một cơ hội cho những nhà đầu tư chưa tham gia nhiều vào thị trường.
Vẫn còn những lo ngại về các biến số trên toàn cầu về lãi suất vẫn ở mức cao và lạm phát có dấu hiệu tăng lại…và nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng thời gian này, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Bên cạnh những yếu tố trong nước khi so sánh các chỉ tiêu cơ bản từ GDP cho đến CPI hay những chỉ tiêu về mặt công nghiệp như PMI thì nhà đầu tư cũng theo dõi các yếu tố liên quan đến chính sách tiền tệ. Một năm trước đây, nền kinh tế toàn cầu đã có những khó khăn nhất định từ xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine và bây giờ chúng ta đang có thêm một điểm nóng nữa giữa khu vực Palestine và Israel. Đồng thời, giá dầu gia tăng, giá lương thực tăng cũng thúc đẩy lạm phát đang tăng trở lại và đấy cũng là sức ép dẫn đến việc chính sách tiền tệ của một số quốc gia đang trong chiều hướng vẫn tiếp tục duy trì thắt chặt và điển hình nhất FED đưa ra thông điệp giữ nguyên lãi suất vào đợt họp tháng 11 này. Mặt bằng lãi suất của tháng 11/2023 và mặt bằng lãi suất của tháng 11 năm ngoái cũng chênh lệch nhau rất nhiều và mức độ khoảng tầm 5,25% là mức cao nhất trong vòng khoảng 22 năm qua, đây là một yếu tố khiến chi phí vốn của toàn bộ nền kinh tế thế giới đang ở mức cao. Do vậy, chúng ta thấy một sức ép nhất định liên quan đến tỷ giá không phải chỉ ở Việt Nam, mà ở tất cả các quốc gia, nhất là những quốc gia mới nổi, qua đó gây áp lực đến nhà đầu tư nước ngoài. Họ không chỉ bán ròng ở Việt Nam, khi theo dõi, họ bán ròng ở hầu hết tất cả các quốc gia Châu Á và đấy cũng là một điều diễn ra bình thường khi lãi suất ở các quốc gia lớn như Hoa Kỳ hay Châu Âu đang ở mức cao cũng kích thích dòng vốn chuyển về các quốc gia này. Và cho đến khi lãi suất có dấu hiệu suy giảm lúc đó dòng tiền mới thực sự đảo chiều trở lại vào các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam.
Sau một thời gian dài giảm mạnh, thị trường cũng đã xuất hiện những phiên phục hồi, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn đang băn khoăn, liệu đã đi qua vùng “đáy” của thị trường hay chưa? Bởi trước đó cũng có những phiên phục hồi nhưng rồi lại nhanh chóng quay đầu giảm sâu hơn, theo ông thì sao?
Tôi nghĩ chưa ai thực sự có thể có một phương án chính xác về đâu là đáy cũng như đâu là đỉnh của thị trường. Chúng ta chỉ có thể quan sát được những yếu tố liên quan đến những đặc điểm khi vùng đáy thị trường diễn ra. Và tôi có thể liệt kê một số yếu tố ra để các nhà đầu tư có thể tham khảo thêm. Khi chúng tôi nghiên cứu lại các khu vực đáy của VN-Index trong vòng 15 - 16 năm vừa qua, với khoảng 7 - 8 lần tạo đáy lớn, thường sẽ có những đặc điểm chính như sau.
Thứ nhất, định giá lúc đấy thường phải rẻ, thông thường sẽ dựa trên hai chỉ số định giá chính là chỉ số P/E và chỉ số P/B, vùng P/E khoảng 10 - 11 lần và vùng P/B khoảng 1,4 – 1,5 lần và thường sẽ phải thấp hơn tương đối so với trung bình 5 năm. Hiện tại chúng ta cũng đã bắt đầu rơi vào vùng định giá tương đối rẻ so với trung bình 5 năm.
Thứ hai, thanh khoản sẽ giảm, do người bán không muốn bán nhiều nữa và người mua mua mua một cách thận trọng. Chúng tôi quan sát thấy trong tất cả những lần tạo đáy trước thanh khoản sẽ thấp hơn khoảng 50% so với thanh khoản ở vùng đỉnh gần nhất, cũng khá giống với thời điểm hiện tại.
Thứ ba, yếu tố liên quan đến chuyển biến của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài được xem như những nhà đầu tư có nền tảng tài chính khá tốt và họ hoạt động rất lý trí khi thị trường đủ rẻ họ sẽ mua vào, chuyển sang trạng thái mua ròng trở lại hoặc ít bán ròng đi.
Một yếu tố nữa tôi nghĩ cũng rất quan trọng đó là những diễn biến của những cổ phiếu dẫn dắt, là những mã có trọng số cao trên thị trường và được nắm giữ bởi rất nhiều những nhà đầu tư. Thông thường thị trường sẽ tạo đáy khi những mã đó có dấu hiệu ổn định trở lại, bao gồm những mã lớn như BIDV, VCB, hay FPT… là những mã sẽ có dấu hiệu tạo đáy trước thị trường và có thể quan sát thêm những mã như HPG hay VNM… là hai mã mà nhà đầu tư nước ngoài thường sẽ có trong danh mục.
Với đợt giảm lần này chúng tôi cũng có quan sát thấy phần lớn những mã nêu trên cũng đã đi vào giao dịch tương đối ổn định và đâu đó tín hiệu tạo đáy là có. Nhưng chúng tôi cũng lưu ý nhà đầu tư thực ra không nên cố gắng để đoán đáy mà nên có những kế hoạch chuẩn bị cho việc liệu thị trường có suy giảm tiếp chúng ta sẽ làm như thế nào? Hay bắt đầu phục hồi từ đây chúng ta sẽ có phương án ra sao?
Nhà đầu tư nên làm gì vào thời điểm này?
Thực ra đoán đáy hay đoán đỉnh là điều khó khăn, mà nhà đầu tư nên có một kế hoạch đánh giá lại danh mục của mình. Đấy là lý do tại sao BSC cũng xây dựng những mô hình liên quan đến việc đánh giá lại danh mục đầu tư của từng nhà đầu tư để so sánh với rủi ro thị trường sẵn có, cho thấy liệu với rủi ro thị trường như hiện tại, danh mục đó có sức chống chịu đến đâu. Nếu kết quả trả ra sự chống chịu tương đương với khả năng tài chính cũng như kế hoạch của nhà đầu tư thì có thể nắm giữ được hoặc thậm chí tìm cơ hội để mua. Nhưng nếu mức đánh giá ra vượt qua khả năng chịu của nhà đầu tư họ sẽ phải cân nhắc như giảm bớt tỷ lệ vay margin nếu họ đang sử dụng đòn bẩy quá nhiều… Khi thị trường giảm điểm cũng là một cơ hội để chúng ta có thể shopping “hàng hiệu”, lúc đó những cổ phiếu “hàng hiệu” cũng sẽ giảm, thậm chí giảm cũng không kém so với những cổ phiếu bình thường, đấy là cơ hội của chúng ta. Còn về nhóm ngành, tôi quan sát thấy những nhóm ngành liên quan đến xuất nhập khẩu cũng đang có những tín hiệu tốt trở lại như dệt may hay thủy sản hay logistics hoặc khu công nghiệp cũng đang có những tín hiệu nhất định, thường thì những ngành này kết quả vào cuối năm sẽ tốt hơn so với 3 quý đầu năm. Thêm vào đó ngành ngân hàng mặc dù cũng có những khó khăn nhất định nhưng kết quả kinh doanh của rất nhiều ngân hàng cũng đang cho thấy tốt hơn so với dự kiến và những rủi ro liên quan đến nợ xấu hay tăng trưởng chậm cũng đang dần dần phản ánh vào và mức định giá khi đang tiến về mức hấp dẫn.