Dòng tiền đổ về thủ phủ công nghiệp sát vách Hà Nội khi bất động sản đón sóng sáp nhập tỉnh

Phan Nam | 06:26 09/04/2025

Với vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng phát triển và chính sách thu hút đầu tư cởi mở, Hưng Yên không chỉ trở thành “điểm hẹn” của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước mà còn là điểm đến đầu tư cho giới bất động sản sành sỏi trong làn sóng đầu tư đón đầu quy hoạch sáp nhập tỉnh.

Dòng tiền đổ về thủ phủ công nghiệp sát vách Hà Nội khi bất động sản đón sóng sáp nhập tỉnh

Hưng Yên “thủ phủ” công nghiệp miền Bắc

Hưng Yên sở hữu vị trí đắc địa khi nằm gần thủ đô Hà Nội, chỉ cách khoảng 30-50 km tùy khu vực, và là cầu nối quan trọng giữa Hà Nội với các trung tâm kinh tế lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh. Các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 5A, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 39 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và kết nối vùng.

Chính lợi thế này, Hưng Yên hiện là một trong những tỉnh dẫn đầu miền Bắc về phát triển khu công nghiệp (KCN). Với 9 KCN đã đi vào hoạt động và kế hoạch mở rộng lên 17 KCN vào năm 2030, tỉnh này đã trở thành “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các KCN như Thăng Long II, Yên Mỹ I-II, Phố Nối A là nơi quy tụ những tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất và logistics như Sumitomo (Nhật Bản), LG (Hàn Quốc) hay COT Group (Singapore) chọn Hưng Yên làm điểm đến đầu tư.

Trong đó, Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư vào KCN Thăng Long II với tổng vốn hơn 3,5 tỷ USD, tập trung vào sản xuất linh kiện điện tử và ô tô. Đây là một trong những dự án FDI lớn nhất tại Hưng Yên, thu hút gần 110 doanh nghiệp vệ tinh. LG Electronics (Hàn Quốc) có nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại KCN Phố Nối, LG không chỉ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động mà còn khẳng định Hưng Yên là trung tâm sản xuất công nghệ cao.

COT Group (Singapore) đầu tư dự án đầu tư 500-800 triệu USD vào KCN Thăng Long II để sản xuất sản phẩm điện tử, quang điện và thực tế ảo, đánh dấu bước tiến của Hưng Yên trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, các “ông lớn” khác như Nitto Vietnam, Hyundai Aluminium, Acecook Vietnam cũng chọn Hưng Yên để xây dựng nhà máy, tận dụng nguồn lao động dồi dào và hạ tầng hiện đại.

Tại Hưng Yên, Yên Mỹ được xem là thủ phủ công nghiệp của Hưng Yên với 9 khu công nghiệp (KCN), 11 cụm công nghiệp (CCN). Trong đó, 5 KCN đã đi vào hoạt động gồm: Phố Nối A, Dệt may Phố Nối, Thăng Long II, Yên Mỹ II, Yên Mỹ. Còn lại 11 CCN đang được quy hoạch với tổng diện tích là 257,67ha; có 05 Cụm Công nghiệp được UBND tỉnh Quyết định thành lập, với tổng diện tích là 202,6 ha. Đến nay, nhiều khu, CCN tại Yên Mỹ đã đi vào hoạt động thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tới đầu tư, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 74.000 lao động.

Bất động sản Hưng Yên sôi động, lượng người tìm kiếm tăng vọt

Sự phát triển của các KCN, CNN tại Hưng Yên đã kéo theo nhu cầu nhà ở, thương mại và dịch vụ, tạo cơ hội cho những “ông lớn” trong ngành địa ốc. Có thể kể đến như Vinhomes với đại dự án Vinhomes Ocean Park 2-3, Ecopark với Khu đô thị xanh Ecopark quy mô lên đến 500ha tại Văn Giang. T&T Group với các dự án khu đô thị và shophouse tại Phố Nối. Hay mới đây nhất, loạt dự án cũng đang đổ bộ ra thị trường như Khu đô thị Nhà vườn sinh thái trên địa bàn thị trấn Văn Giang của Tập đoàn Xuân Cầu hay Dự án Sông Hồng….

Trong báo cáo thị trường mới đây nhất của kênh Batdongsan, bất động sản Hưng Yên nằm trong top các khu vực có lượng người tìm kiếm nhiều nhất trên nền tảng bất động sản này. Khảo sát giá của đất nền Hưng Yên trong khoảng 5 năm qua cho thấy đất nền tại thành phố Hưng Yên đã thiết lập mặt bằng giá mới. Đất kinh doanh tại các tuyến đường Lương Định Của, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng thuộc phường An Tảo đã tăng từ 18 - 25 triệu đồng/m2 lên 30 - 35 triệu đồng/m2.

Văn Giang là nơi tập trung nhiều dự án quy mô lớn cũng là nơi đất nền có mức giá đắt đỏ bậc nhất Hưng Yên, cao hơn cả giá đất khu vực thành phố. Những lô đất thuộc khu vực vòng xuyến (bùng binh) Văn Giang, thường được sử dụng để kinh doanh nhà hàng, khách sạn, ngân hàng… vào năm 2020 có giá dao động từ 55 - 60 triệu đồng/m2. Đến nay, mức giá đã tăng mạnh lên 125 - 150 triệu đồng/m2.

Cùng với đất dự án và dân cư hiện hữu, thị trường bất động sản Hưng Yên đang thu hút nhiều sự quan tâm với các phiên đấu giá đất thời điểm đầu năm. Theo đó, ngày 15.3, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng 100 thửa đất tại thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Cuộc đấu giá được diễn ra với 2.000 hồ sơ đăng ký đấu giá và có 500 khách hàng tham gia. Kết thúc phiên, thửa trúng cao nhất được định giá 56,2 triệu đồng/m2. Các thửa có vị trí đẹp nằm xung quanh có giá trúng dao động 52 - 56 triệu đồng/m2. Mặt bằng chung các thửa trúng đấu giá ở ngưỡng 2,9-3,7 tỉ đồng. Lô trúng thấp nhất có tổng giá trị gần 2,7 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 5.3, UBND xã Dân Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam tổ chức đấu giá quyền sử dụng 41 lô đất. Phiên đấu giá tạo sức hút lớn trên thị trường khi thu hút 1.200 hồ sơ tham gia và hàng trăm người tham gia đấu giá trực tiếp. Kết thúc phiên đấu giá, mức giá trúng cao nhất lên tới hơn 158 triệu đồng/m2, mức giá trung bình thấp nhất là 66 triệu đồng/m2. Cả hai mức trúng này đều bỏ xa giá khởi điểm.

Anh Hoàng Tùng, một môi giới bất động sản tại Hưng Yên, chia sẻ, từ sau Tết, nhu cầu tìm mua đất nền tại khu vực này tăng đáng kể. Mỗi cuối tuần, anh đều dẫn khách đi xem đất từ 3 đến 4 lượt, với tỉ lệ giao dịch thành công tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối năm trước. “Nhà đầu tư Hà Nội và các tỉnh lân cận đang đổ về Hưng Yên, đặc biệt các thị trường BĐS tập trung nhiều khu công nghiệp như Yên Mỹ rất nhiều”, anh tùng cho biết.

Có thể nói, với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị vệ tinh của Hà Nội, với trọng tâm là công nghệ cao, năng lượng tái tạo và dịch vụ chất lượng cao… hội tụ của các tập đoàn lớn không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn tạo động lực để Hưng Yên vươn lên, trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu miền Bắc.

Hưng Yên đang chứng minh mình là vùng đất hội tụ những “ông lớn” với sức hút không thể cưỡng lại. Từ các tập đoàn công nghiệp quốc tế như Sumitomo, LG, đến các “đại gia” bất động sản như Vinhomes, Ecopark, Xuân Cầu…đã và đang tạo nên một hệ sinh thái kinh tế đa dạng, hiện đại.


(0) Bình luận
Dòng tiền đổ về thủ phủ công nghiệp sát vách Hà Nội khi bất động sản đón sóng sáp nhập tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO