Tờ New York Times (NYT) cho hay việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế quan cao với nhiều nước đã khiến cả thế giới sửng sốt, các chuyên gia kinh tế thì bối rối.
Theo NYT, không có sự dẫn chứng hợp lý về kinh tế nào để giải thích những đòn thuế quan này sẽ mở ra kỷ nguyên thịnh vượng mới cho nước Mỹ.
Tuy nhiên nếu xem xét trên góc độ tiền tệ, đằng sau sự hỗn loạn là một chiến lược hoàn toàn khác.
Tờ Financial Times (FT) nhận định thuế đối ứng của Mỹ hiện nay không thực sự liên quan đến thuế quan mà chúng có thể là nước cờ mở đầu cho một kế hoạch đầy tham vọng hơn nhằm phá vỡ trật tự kinh tế và địa chính trị của thế giới, qua đó thay thế bằng thứ gì đó phục vụ tốt hơn cho lợi ích của người Mỹ.
Hãng tin Reuters gọi kế hoạch này là "Hiệp định Mar-a-Lago" (Mar-a-Lago Accord), làm giảm giá đồng USD để thu hẹp thâm hụt thương mại, gia tăng ưu thế cho hàng xuất khẩu Mỹ đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư trở lại đất nước nhờ lãi suất cao (đồng tiền giảm giá là do thuế quan chứ không phải giảm lãi suất).

Theo NYT, Tổng thống Donald Trump cùng 2 cố vấn kinh tế hàng đầu là Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Stephen Miran đã cố gắng cải thiện vị thế thương mại toàn cầu của Mỹ bằng cách sử dụng thuế quan và các chiến thuật mạnh tay khác để buộc thế giới phải thực hiện một bước đi quyết liệt, đó là làm suy yếu đồng đô la thông qua các thỏa thuận tiền tệ.
Về lý thuyết, sự phá giá đồng USD này sẽ khiến hàng Mỹ cạnh tranh hơn, đồng thời khiến các nước tích trữ đồng USD làm dự trữ ngoại hối bị suy yếu vị thế, nhưng câu chuyện thực tế không đơn giản như vậy.
Nếu Mỹ phá giá đồng USD, các nước khác cũng có thể làm điều tương tự, thậm chí tốt hơn. Tiếp nữa, đồng USD mất giá sẽ khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, làm gia tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu của các nhà máy tại Mỹ và thúc đẩy lạm phát đi lên.
Tệ hơn nữa, đồng USD không chỉ là một loại tài sản mà còn là niềm tin của người dân vào nền kinh tế số 1 thế giới. Việc phá giá đồng tiền này sẽ kích thích sự hoảng loạn khi nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn tài sản, người dân mất niềm tin vào nền kinh tế trong khi các nước đua nhau hạ giá đồng tiền để chạy đua thương mại.
Lịch sử lặp lại
Tờ FT cho hay đây không phải lần đầu tiên Mỹ dùng chiến lược tiền tệ để thao túng nền kinh tế.
Vào năm 1985, Hiệp định Plaza đã được ký kết giữa các quốc gia G5 tại Khách sạn Plaza-New York nhằm phá giá đồng USD.
Theo đó các quốc gia thành viên G5 như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp cam kết sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối để làm yếu đồng đô la Mỹ.
Đồng thời thỏa thuận này cũng làm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ, qua đó tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu đến từ nền kinh tế này.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh sụp đổ của hệ thống tiền tệ quốc tế hậu Thế chiến II thập niên 1970, đặc biệt là việc hệ thống Bretton Woods vốn neo giá các đồng tiền vào lượng vàng dự trữ của các quốc gia bị đổ vỡ.
Hậu quả của sự sụp đổ này là đồng USD bị thả nổi trên một thị trường tiền tệ không được quản lý, có thể gây nguy hại cho nền kinh tế Mỹ.
Tiếp đó vào thập niên 1980, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Paul Volcker áp dụng lãi suất cao để chống lạm phát, khiến đồng USD hấp dẫn hơn trong mắt chính phủ nước ngoài và giới đầu cơ khiến chúng tăng giá.
Dòng vốn nước ngoài bắt đầu đổ vào Mỹ khi lãi suất cao khiến việc đầu tư tại Mỹ có lời hơn, chưa kể nền kinh tế số 1 thế giới tạo cho nhà đầu tư niềm tin hơn các nền kinh tế khác.

Hậu quả là đồng USD trở nên quá mạnh. Hàng hóa sản xuất tại Mỹ trở nên đắt đỏ nhất thế giới và tạo ra thâm hụt thương mại lớn, đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất khỏi nền kinh tế này.
Bởi vậy Hiệp định Plaza đã ra đời nhằm làm giảm thâm hụt thương mại.
Dẫu vậy, sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ khiến đồng USD không hề bị mất giá. Suốt vài thập niên trôi qua nhưng đồng USD vẫn là một trong những đồng tiền dự trữ ngoại hối chính của thế giới.
Hàng loạt sản phẩm như vàng hay dầu đều được định giá bằng USD trong khi nhiều quốc gia nước ngoài nắm giữ lượng lớn trái phiếu Mỹ như một loại tài sản.
Theo NYT, đồng USD mạnh đã đem lại cho Mỹ "siêu quyền lợi" khi định hình cả nền kinh tế toàn cầu cũng như lợi thế trên bàn đàm phán ngoại giao.
Thế nhưng theo Tổng thống Donald Trump, đồng USD mạnh đang khiến ngành sản xuất dịch chuyển khỏi Mỹ và nền kinh tế đang phải gánh khoản nợ công ngày một lớn.
*Nguồn: FT, NYT, Reuters