Có 3 cách để Nvidia vượt qua
Thuế quan mới của Mỹ đặt ra câu hỏi về tương lai của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, bao gồm Nvidia.
Bộ xử lý đồ họa hay GPU của Nvidia là công cụ mạnh mẽ nhất được sử dụng để đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo. Sức mạnh tính toán khổng lồ của các con chip đã khiến chúng trở thành mục tiêu kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nhằm ngăn chặn sự tiến bộ của AI của các quốc gia bên ngoài.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu của Nvidia đang ngày càng bấp bênh. Đài Loan (Trung Quốc), nơi sản xuất hầu hết các loại chip hàng đầu của hãng, đang phải đối mặt với các rủi ro mới. Sự hỗn loạn của thị trường đã xóa sổ hơn 200 tỷ USD giá trị của Nvidia.
Trước khó khăn bủa vây, câu hỏi đặt ra là tỷ phú Jensen Huang sẽ ứng phó thế nào để lèo lái con thuyền Nvidia?
"Jensen có lẽ là nhân vật công nghệ quyền lực nhất ở Mỹ khi không tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Nhưng giờ đây, ông ấy phải giải quyết vấn đề liên quan đến quyết định của nhà lãnh đạo nước Mỹ. Trắc trở đối với hoạt động kinh doanh hiện giờ quá nghiêm trọng", nhà báo Stephen Witt, tác giả cuốn sách The Thinking Machine: Jensen Huang, Nvidia, and the World's Most Coveted Microchip, nhận định.
Nvidia từ lâu đã được hưởng lợi từ việc không sản xuất tại Mỹ. Sản phẩm của công ty được gia công hoàn toàn, chủ yếu là ở Đài Loan. Theo Witt, Nvidia hiện có 3 lựa chọn để vượt qua cơn bão thuế quan hiện nay.
Đầu tiên là chấp nhận mức thuế quan.
"Nvidia dường như có đủ khả năng, và gần như là công ty duy nhất có thể chịu được mức thuế quan này, nhờ biên lợi nhuận cao. Nhưng vấn đề ở chỗ, khi lợi nhuận giảm, giá cổ phiếu của họ cũng sẽ giảm xuống", tác giả nhấn mạnh.
"Thứ hai là thiết lập sản xuất mới, có thể là ở chính nước Mỹ nhưng đây là quyết định khó thành sự thật đối với Nvidia. Vậy lựa chọn thứ ba sẽ chỉ là tăng giá các con chip".
Jensen Huang đã nhìn xa trông rộng
Trước đó, Nvidia từng phản đối nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Sau khi những con chip mạnh nhất bị cấm, công ty đã tùy biến lại để có thể tiếp tục bán chip cho các công ty công nghệ Trung Quốc mà không vi phạm lệnh áp đặt.

"Jensen nhìn trước Trung Quốc chỉ cần đổi mới là có thể giải quyết được vấn đề này. Ông ấy đã nói như vậy cách đây vài năm, và sau đó DeepSeek xuất hiện, chứng minh đó là sự thật", nhà báo Stephen Witt chỉ ra.
"Quan điểm của Jensen đơn giản là nếu Mỹ cấm những thứ này, Trung Quốc sẽ tự làm ra chúng tốt hơn và rẻ hơn. Trên thực tế, việc tiếp tục bán chip sẽ là lợi thế cạnh tranh và chiến lược dài hạn của Mỹ vì khi đó Trung Quốc sẽ không sinh ra đối thủ cạnh tranh trong nước".
Giải thích về lý do vì sao Nvidia đang đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu và cơ sở hạ tầng dữ liệu ở các nước đang phát triển, nhà báo Stephen Witt cho rằng Nvidia có thể không sản xuất, nhưng họ đang bán phần cứng, vì vậy họ cần thực sự hiểu các chuỗi cung ứng và có mối quan hệ rất mật thiết với các bên liên quan.
"Một số chính phủ muốn xây dựng ngành sản xuất chất bán dẫn của riêng họ. Jensen khuyến khích những sáng kiến này. Chính phủ cũng là khách hàng tiềm năng của ông. Người ta thường nói về nguồn nhân tài kỹ thuật đến từ Ấn Độ và Trung Quốc. Vậy tại sao không phải là từ Việt Nam, Malaysia và Indonesia?", Witt đặt câu hỏi.
Đã có những tranh cãi về sự độc quyền trong công nghệ mang đến những tác hại lớn và sự độc quyền của Nvidia đối với chip cao cấp có thể gây ra nhiều rủi ro. Tuy nhiên, tác giả cho rằng điều này là không đúng.
"Riêng trong ngành bán dẫn, bạn vứt bỏ sản phẩm của mình sau mỗi hai năm và phát minh lại chúng. Mặc dù Nvidia tạm thời có được thế độc quyền này, họ không thể đứng yên. Một lúc nào đó, có thể họ sẽ không còn độc quyền nữa. Đối thủ cạnh tranh sẽ đưa ra sản phẩm sáng tạo. Không giống như thế độc quyền cổ điển kìm hãm sự đổi mới và tăng giá, Nvidia không đủ khả năng để làm điều đó".