Dấu hỏi lớn đằng sau cơn ‘lạm phát trứng’ tại Mỹ: Cổ phiếu một công ty tăng 17%, doanh thu tăng 110% khi trứng khan hiếm

Thiên Di | 13:34 18/03/2023

Vào tháng 2/2023, giá trứng đã giảm, nhưng vẫn cao gấp đôi so với năm ngoái.

Dấu hỏi lớn đằng sau cơn ‘lạm phát trứng’ tại Mỹ: Cổ phiếu một công ty tăng 17%, doanh thu tăng 110% khi trứng khan hiếm

Khi nhu cầu sử dụng trứng gà để làm bánh trong các kỳ nghỉ lễ qua đi, nhiều người nghĩ rằng giá của chúng sẽ giảm. Tính đến tháng 12/2022, giá của một tá trứng gà tăng cao hơn tất cả các mặt hàng trong siêu thị, tăng từ 1,79 USD lên 4,25 USD.

Liệu trứng gà tại Mỹ có còn đắt hơn nữa không? Điều này là có thể xảy ra. Khi tháng 1/2023 sắp kết thúc, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với người dân rằng lạm phát lương thực đang hạ nhiệt. Nhưng giá trứng lại tăng thêm 13,5%.

Bộ Nông nghiệp cho rằng giá trứng tăng đột biến vào năm 2022 là do dịch cúm gia cầm khiến 43 triệu con gà chết. Nhiều người trong ngành thì giải thích rằng chi phí thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và tiền lương tăng cao đã đẩy giá trứng tăng.

Những vấn đề như vậy có xu hướng dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hoá. Nhưng nhà sản xuất trứng tươi Cal-Maine Foods trong năm 2022 lại bán được nhiều trứng hơn năm 2021. Cal-Maine Foods là nhà sản xuất trứng lớn nhất nước Mỹ và sản lượng của họ chiếm 20% thị trường.

Cuối cùng, lạm phát và dịch cúm gia cầm mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất trứng lớn tại Mỹ (Big Egg). Trong khi S&P 500 giảm 9% vào năm ngoái, cổ phiếu của Cal-Maine tăng 17%. Công ty đạt doanh thu 800 triệu USD trong quý cuối năm 2022, tăng 110% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng gấp 7 lần.

Nhóm Farm Action chuyên hỗ trợ các nông dân đã cáo buộc Cal-Maine và hai công ty sản xuất trứng lớn khác đã tự tăng giá. Họ lập luận rằng đại dịch, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát không thể nào khiến cho giá trứng tăng cao đến thế.

Tổ chức Farm Aid gửi một bức thư cho Ủy ban Thương mại Liên bang rằng các công ty sản xuất trứng đã viện dẫn những lý do trên để che giấu cho việc tăng giá trứng một cách phi lý. Cả doanh nghiệp nói trên sản xuất lượng trứng gà chiếm gần 40% tổng số trứng bán ở Mỹ. Đây thực sự là một con số ấn tượng, cũng là một mối lo ngại lớn.

Cal-Maine Foods đã bác bỏ những cáo buộc mà Farm Action đưa ra. Công ty cho biết: “Bất kể điều kiện thị trường ra sao, Cal-Maine bán trứng gà dựa trên giá đã thương lượng với từng khách hàng. Công ty đã thực hiện nhất quán như vậy từ khi được thành lập đến nay, cho dù lãi hay lỗ”.

Nếu lợi nhuận từ trứng gà tăng vọt phản ánh sức mạnh của thị trường, thì các công ty thực phẩm khác cũng phải hưởng lợi tương tự như Cal-Maine. Nhưng không có công ty nào khác trong ngành công nghiệp chế biến thịt được như vậy. Ngành này cũng có những ông lớn điều hành và thường bị nông dân cáo buộc là chuyên hành động độc quyền.

Công ty đóng gói thịt lớn nhất nước Mỹ Tyson Foods ghi nhận lợi nhuận trước thuế đối với thịt bò, thịt lợn và thực phẩm chế biến sẵn giảm trong quý IV/2022. Các công ty thức ăn nhanh cũng không khá khẩm hơn. Lợi nhuận ròng tại công ty bán đồ ăn nhẹ và đồ uống có đường PepsiCo chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Đến tháng 2/2023, giá trứng đã giảm. Những người thợ làm bánh thở phào nhẹ nhõm. Giá một tá trứng giảm 12,7% xuống còn 4,21 USD. Nhưng mức giá này vẫn cao gấp đôi năm ngoái. Nếu giá trứng không giảm trong những tháng tới, các Big Egg có thể yêu cầu các cơ quan liên bang phụ trách nông nghiệp chế ngự đà tăng giá.

Tham khảo: The Economist


(0) Bình luận
Dấu hỏi lớn đằng sau cơn ‘lạm phát trứng’ tại Mỹ: Cổ phiếu một công ty tăng 17%, doanh thu tăng 110% khi trứng khan hiếm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO