Mới đây, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) đã công bố BCTC quý 2/2023 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.291 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm song chi phí giá vốn lại tăng 7% khiến lãi gộp của Đạm Cà Mau giảm tới 72% xuống còn hơn 370 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 33% xuống còn 11%.
Điểm sáng là doanh thu tài chính tăng 116% đạt trên 145 tỷ đồng so với cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi gia tăng gấp đôi. Chi phí tài chính trong kỳ cải thiện đáng kể, ghi nhận âm hơn 400 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm trước đạt hơn 13 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí khác, DCM lãi sau thuế 290 tỷ đồng, giảm 72% so với mức lãi cao cùng kỳ 2022. Dù vậy, nếu so sánh với mức lãi đạt được quý đầu năm, con số lợi nhuận ghi nhận được trong quý 2 đã cải thiện 26%. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 289 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.026 tỷ đồng, giảm 26% cùng kỳ. Trong cơ cấu tổng doanh thu, mảng bán ure sụt giảm gần 35%, doanh thu đem lại 4.272 tỷ đồng, chiếm 68%. Các mảng hoạt động khác như bán thành phẩm NPK, bán hàng hóa phân bón và bao bì, doanh thu dịch vụ lại có sự tăng trưởng lần lượt 29%, 5% và 350%. DCM báo lãi sau thuế nửa đầu năm đạt gần 520 tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do doanh thu bán hàng của công ty mẹ giảm hơn 17%, nguyên nhân bởi giá phân bón giảm mạnh. Cụ thể, giá bán bình quân sản phẩm Ure quý 2/2023 giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2022.
Bước sang năm 2023, DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 13.458 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.383 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 18% và giảm 70% so với năm 2022. Với kế hoạch này, doanh nghiệp đã hoàn thành được gần 47% mục tiêu doanh thu và gần 38% mục tiêu về lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của DCM tăng hơn 1.400 tỷ đồng lên 15.599 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm trên 85%. Khoản tiền và tương đương tiền tăng nhẹ 15 tỷ so với đầu năm lên 2.141 tỷ đồng, bao gồm phát sinh thêm 30 tỷ tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng. Ngoài ra, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 1 năm tăng thêm 1.560 tỷ đồng so với đầu năm, giá trị cuối quý 2 ghi nhận 8.372 tỷ đồng.