Theo báo cáo “Cập nhật Ngành - Bán lẻ” vừa được Công Ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) công bố, 5 tháng đầu năm 2023, sức mua của người tiêu dùng đã sụt giảm do tình hình kinh tế không thuận lợi, lãi suất tăng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính tiêu dùng, lo ngại về sự ổn định của thu nhập/việc làm trong bối cảnh kinh tế khó khăn hơn và tình trạng sa thải diễn ra ở nhiều công ty. Các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết đều báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023 và giữ quan điểm thận trọng. Tuy nhiên, triển vọng ngành bán lẻ dược kỳ vọng sẽ cải thiện hơn về cuối năm với dự phóng kinh tế tốt hơn.
“Chi tiêu của người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ cải thiện, nhờ lãi suất đã được điều chỉnh giảm, các hoạt động tài chính tiêu dùng có thể khôi phục , thuế VAT giảm và các biện pháp của chính phủ nhằm giải quyết một số vướng mắc của lĩnh vực bất động sản và tài chính v.v”, nhóm phân tích ACBS đánh giá.
Báo cáo cũng chỉ ra một số xu hướng đang thịnh hành và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành bán lẻ thời gian tới gồm: 1) người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG); 2) kênh thương mại hiện đại đang nở rộ bên cạnh kênh truyền thống; 3) bán lẻ đa kênh (omni - channel) đang trên đà phát triển.
Theo đó, các sản phẩm có tuyên bố liên quan đến ESG đang được quan tâm hơn nhiều hơn và có ảnh hưởng đến hành vi chi tiêu của người Việt Nam. Cụ thể, một khảo sát của PWC trên toàn cầu cho thấy, 96% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm chú ý đến vấn đề phát triển bền vững.
Về sự nổi lên của các kênh thương mại hiện đại, báo cáo cho thấy, số lượng chợ trên cả nước ít biến động trong 10 năm qua, trong khi số lượng các siêu thị, trung tâm thương mại lại tăng trưởng nhanh hơn. Cụ thể, các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2012 số lượng chợ là 8.547 chợ và đến năm 2022 có 8.517 chợ (giảm 30 chợ; giảm 0,35%). Trong khi đó, số lượng siêu thị và trung tâm thương mại ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng 22-23% chỉ trong 5 năm 2018-2022.
Báo cáo cũng đề cập, các hoạt động bán hàng trực tuyến vẫn đang khẳng định được vai trò của mình, bởi người tiêu dùng luôn tìm kiếm sự tiện lợi. Mua sắm online cũng trở nên quen thuộc với nhiều người hơn nhờ sự phổ biến của các thiết bị công nghệ thông minh, xu hướng gia tăng kết nối internet. Tuy nhiên, kênh trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn kênh trực tiếp, thay vào đó là tồn tại song song và bổ trợ kênh offline. Bán lẻ đa kênh đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của các công ty.
Về dài hạn, các chuyên gia ACBS đánh giá, tiêu dùng trong nước sẽ được thúc đẩy bởi nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng, mức sống cao hơn và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Ngoài ra, sự phục hồi của khách du lịch quốc tế có thể sẽ đóng góp vào tăng trưởng của ngành bán lẻ.