“Đại gia” hàng không đau đầu vì tỷ giá, nghìn tỷ lợi nhuận "bốc hơi" trong nửa đầu năm

Hà Linh | 09:51 01/07/2025

Năm 2025, “đại gia” hàng không này giả định tỷ giá JPY/VND tăng 20%, tương ứng lỗ tỷ giá cả năm khoảng 1.700 tỷ đồng.

“Đại gia” hàng không đau đầu vì tỷ giá, nghìn tỷ lợi nhuận "bốc hơi" trong nửa đầu năm

Vietcap vừa có báo cáo cập nhật ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV). Theo đó, KQKD sơ bộ 6 tháng đầu năm 2025 (loại trừ phí cất cánh & hạ cánh) ước doanh thu đạt 11.700 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2024.

Lợi nhuận trước thuế (LNTT) 6 tháng đầu năm ước đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ 2024. Riêng trong quý 2, LNTT của ACV ước đạt 2.600 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Vietcap, LNTT 6 tháng đầu năm yếu hơn so với cùng kỳ 2024 chủ yếu do lỗ tỷ giá 1.000 tỷ đồng (so với lãi tỷ giá thuần 524 tỷ đồng cùng kỳ 2024). Từ đầu năm 2025, tỷ giá JPY/VND đã tăng khoảng 13% và đang ở vùng đỉnh 3 năm.

Đối với kế hoạch năm 2025, ACV giả định JPY/VND tăng 20%, tương ứng lỗ tỷ giá cả năm là 1.700 tỷ đồng (so với lãi tỷ giá thuần 391 tỷ đồng vào năm 2024). Mặc dù HĐKD cốt lõi vẫn đang phù hợp dự báo, nhưng Vietcap cho rằng việc lỗ tỷ giá tăng cao cần thêm đánh giá chi tiết.

Năm 2025, ACV lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến 22.200 tỷ đồng (bao gồm thu nhập tài chính & khác), trong đó doanh thu cốt lõi (không bao gồm doanh thu cất & hạ cánh) là 21.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 8,6% so với cùng kỳ. LNTT (không bao gồm cất & hạ cánh): 10.500 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2024.

Trong năm 2025, lượng hành khách dự kiến đạt 119 triệu, tăng 8% so với cùng kỳ 2024, với hành khách quốc tế đạt 45 triệu, tăng 9% so với năm ngoái và hành khách nội địa đạt 74 triệu, tăng 7% so với cùng kỳ 2024.

Bên cạnh đó, ACV đã cập nhật tiến độ một số dự án trọng điểm. Theo đó, sân bay Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu hoạt động thương mại trong nửa đầu năm 2026. Việc xây dựng nhà ga T2 Nội Bài mở rộng đang đi đúng tiến độ, dự kiến bắt đầu vận hành vào năm 2026.

Về quản lý tài sản đường băng, Quyết định 2007/QĐ-TTg, giao cho ACV quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư trong giai đoạn 2021–2025, dự kiến sẽ được gia hạn đến hết năm 2026, theo ban lãnh đạo. ACV đã hoàn tất rà soát phân loại tài sản và có kế hoạch trình các cơ quan liên quan đề xuất về việc sử dụng tài sản đường băng để tăng vốn nhà nước trong ACV, với mục tiêu hoàn tất quy trình vào cuối năm 2026.

Về chuyển giao mảng an ninh hàng không cho Bộ Công an, Mặc dù mảng an ninh chiếm 7% doanh thu trong năm 2024, nhưng các khoản này chiếm đến 20% chi phí hoạt động. Do đó, việc chuyển giao cho Bộ Công an không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tổng thể của ACV, theo ban lãnh đạo. ACV và Bộ Công an vẫn đang phối hợp để xây dựng một kế hoạch chuyển đổi phù hợp.

Về vấn đề nợ xấu, các khoản phải thu sau đại dịch hiện được thu tự động thông qua các giao dịch ngân hàng hàng ngày, hạn chế nợ xấu mới. Các khoản phải thu tồn đọng chủ yếu phát sinh từ COVID-19. ACV lưu ý rằng các hãng hàng không như HVN và VJC đang có kế hoạch trả nợ, với mục tiêu cơ bản giải quyết được các khoản nợ vào năm 2025.

Về phân phối lợi nhuận, ACV sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu 65% từ lợi nhuận giữ lại giai đoạn 2019-2023, với việc phân phối dự kiến hoàn tất trong nửa cuối năm 2025. Theo đó, vốn điều lệ của ACV sẽ tăng 65% từ 21.800 tỷ đồng lên 35.800 tỷ đồng. Ngoài ra, ACV đang chờ ý kiến của Cơ quan Nhà nước về phương án phân phối lợi nhuận 2024 và sẽ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc ĐHCĐ bất thường sau đó.


(0) Bình luận
“Đại gia” hàng không đau đầu vì tỷ giá, nghìn tỷ lợi nhuận "bốc hơi" trong nửa đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO