Đại biểu Quốc hội: Mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân "quá lạc hậu", cần sớm được sửa đổi

Lê Sáng | 12:51 29/05/2024

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu, cần sửa sớm khi người dân khó khăn vẫn phải đóng thuế.

Đại biểu Quốc hội: Mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân "quá lạc hậu", cần sớm được sửa đổi
Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, sáng 29/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Tại phiên họp sáng 29/5, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 2023, những tháng đầu năm 2024.  Một trong những vấn đề bất cập được đại biểu Quốc hội quan tâm là mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập cá nhân đã không còn phù hợp thực tế.

Hiện, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng, mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng một tháng. Mức này duy trì từ tháng 7/2020 đến nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, cho rằng mức giảm trừ này, nhất là với người phụ thuộc, là quá lạc hậu. "Quốc hội cần xem xét, sửa đổi sớm mà không nên chờ đến 2026, tức hai năm nữa, mới thông qua như dự kiến", bà Thủy nêu quan điểm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, mức giảm trừ với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng một tháng không phù hợp tình hình hiện nay, nhất là các thành phố lớn và gây thiệt hại cho người nộp thuế. Mức này duy trì từ 2020, trong khi vài năm qua hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng và nhiều loại "tăng nhanh hơn thu nhập".

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục thống kê, giáo dục tăng 17%, lương thực tăng 27%, giá xăng tăng 105% so với 2020.

"Gia đình có con nhỏ phải thuê người trông thì riêng tiền trả cho chi phí này không dưới 5 triệu đồng một tháng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Gia đình có con đi học thì tiền học hiện nay cũng chiếm phần lớn chi tiêu gia đình", đại biểu Thủy đánh giá.

Cũng theo bà Thủy, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của cá nhân, gia đình, mức sống thực tế. Do đó, việc phải chờ thêm hai năm nữa mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, theo bà, là quá chậm. Việc này dẫn tới hệ quả, "rất nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân".

Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ cá nhân 11 triệu được cơ quan thuế xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người", còn 4,4 triệu xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng chỉ ra sự bất hợp lý trong rổ hàng hóa tính CPI - tiêu chí dùng để tính mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân khi hiện nay CPI phải biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Trước đó, tại họp báo thường kỳ tháng 3, đại diện Bộ Tài chính cho biết chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vì biến động CPI chưa đến 20%.

Theo bà Thủy, tiêu chí biến động CPI tính trên rổ hàng hóa của hơn 750 mặt hàng là bất hợp lý. Bởi, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp tới chi tiêu của người dân chỉ khoảng 20 mặt hàng. Tức là, để chờ tính mức trung bình của trên 750 mặt hàng thì sẽ rất lâu CPI mới biến động tới mức 20%, có thể 6-7 năm.

"Thời gian này là quá dài, không phản ánh kịp thời biến động trong chi tiêu của người dân, các hộ gia đình, gây thiệt thòi cho người dân", đại biểu Thủy nêu quan điểm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phù hợp với điều kiện của nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, khi phần lớn thu nhập của người dân dành chi cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Bà Thủy nêu ví dụ mức thu nhập 10 triệu đồng một tháng, thì khoản chi cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chiếm tới 70%. Mức này cao hơn gấp rưỡi, hoặc gấp đôi so với các nước có thu nhập cao (30-40%).

Như vậy, giảm trừ gia cảnh quá thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chi cho nhu cầu thiết yếu của người dân.

Liên quan đến kế hoạch tăng lương, đại biểu Nguyễn Thị Thủy lo ngại, lương cán bộ công chức, viên chức tăng từ 1/7, nhưng thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh không điều chỉnh kịp thời "gây âu lo cho người lao động, khi thu nhập tính thuế sẽ điều chỉnh theo lương".

Do đó, đại biểu Thủy kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm nay và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025.

Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.

Cần sớm có điều chỉnh phù hợp

Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thu thuế TNCN năm 2023 trên 155.000 tỷ đồng, trong đó, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công chiếm khoảng 70%, tương đương 108.228 tỷ đồng.

Mặc dù có giảm so với mức 166.733 tỷ đồng của năm 2022 nhưng tổng số thu thuế TNCN của năm 2023 vẫn ở mức cao.

Mức thu của năm 2023 tăng gấp 3,3 lần nếu so với số thu năm 2013 (46.458 tỷ đồng), thời điểm mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng.

Trên thực tế, vấn đề về mức giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN luôn là vấn đề được người dân quan tâm trong những năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính cần tiếp tục nâng mức giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ với người phụ thuộc lên cho phù hợp với bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.

Theo các chuyên gia kinh tế, cách tính thuế TNCN hiện nay có phần “lạc hậu”, không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát,… Hệ quả của việc cách tính thuế TNCN không theo kịp chi phí sinh hoạt trong khi thu nhập của nhiều người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 khiến nhiều người phải thắt chặt chi tiêu, từ đó cầu tiêu dùng ảm đạm, ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

Dưới góc độ người nộp thuế, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, một chuyên gia thuế cho rằng từ năm 2017, Bộ Tài chính đã thừa nhận một số quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân với biểu thuế lũy tiến từng phần có 7 bậc là quá nhiều, khoảng cách giữa bậc 1 và 2 quá dày khiến tăng số thuế phải nộp.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Tú, mức thu nhập vãng lai phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân là từ 2 triệu đồng được quy định từ năm 2013 đã quá lạc hậu, khiến lượng cá nhân phải quyết toán và yêu cầu hoàn thuế tăng cao...

Về tính cần thiết của việc cần sớm sửa Luật Thuế TNCN, Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI, kiến nghị cần phải sửa Luật thuế thu nhập cá nhân cho đúng nguyên tắc, bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập mới phải nộp thuế. Do đó, những chi tiêu của bản thân người nộp thuế và người trong gia đình như tiền học của con, tiền khám chữa bệnh, tiền trả lãi ngân hàng (trong trường hợp mua nhà phải vay ngân hàng), tiền thuê nhà... phải được trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, theo ông Đức, mức thuế suất của bậc 1 phải giảm xuống mức rất thấp để nhiều người nộp thuế nhưng với mức thuế chỉ 1 - 2%. Ngoài ra, cần giảm bậc thuế xuống còn 5 với thuế suất của bậc cao nhất là 20%.

"Không có lý do gì để thuế thu nhập cá nhân ở bậc 7 hiện là 35%, cao gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Đức nói.

Kế hoạch đến 2026 mới có Luật thuế TNCN mới

Mới đây, trả lời cử tri tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 14/5 tại tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.


(0) Bình luận
Đại biểu Quốc hội: Mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân "quá lạc hậu", cần sớm được sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO