Chuyên gia đánh giá Thomas Deehan của Tech Radar đã đổi từ iPhone sang Honor 400 để nhận ra điện thoại tầm trung ngày nay đáng kinh ngạc đến nhường nào.
Honor 400 mang lại trải nghiệm thiết kế và một số tính năng phần mềm giống như iPhone ở mức giá thấp hơn đáng kể, đồng thời có các giá trị thêm vào đáng giá.
Khi tầm trung vượt ngưỡng mong đợi
Trong suốt thời gian trải nghiệm Honor 400, một điều khiến tôi không khỏi kinh ngạc là những bước tiến vượt bậc của thị trường smartphone tầm trung.

Thông thường, khi thử nghiệm các mẫu máy ở phân khúc này, tôi luôn lường trước sẽ có một điểm yếu chí mạng nào đó khiến chiếc điện thoại không thể chạm tới sự hoàn hảo.
Điều đó cũng dễ hiểu, bởi có như thế thì người ta mới chịu bỏ tiền nâng cấp lên những flagship hàng đầu như iPhone 16 Pro hay Samsung Galaxy S25 Ultra. Tuy nhiên, với Honor 400, định kiến này dường như không còn đúng nữa.
Với mức giá phải chăng 399,99 bảng Anh (ở Việt Nam khoảng 13 triệu), Honor 400 có giá cạnh tranh trong phân khúc tầm trung, biến đây trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho những ai có ngân sách eo hẹp.
Tôi đã dùng qua rất nhiều điện thoại, nhưng phải công nhận Honor thực sự biết cách tạo ra một màn hình tầm trung có sức hút tức thì. Màn hình này rực rỡ, hiển thị tốt ngoài trời và là một công cụ tuyệt vời để thưởng thức phim ảnh.
Camera chính 200MP mới cho ra những bức ảnh tốt, đặc biệt dưới điều kiện đủ sáng. Nếu là người thích chụp ảnh bạn bè, gia đình hơn là chụp ảnh món ăn, bạn chắc chắn sẽ hài lòng với những gì Honor 400 mang lại.

Màn hình rất đẹp
Không khó để nhận ra nguồn cảm hứng của Honor đến từ đâu. Các cạnh viền phẳng, cùng cụm camera xếp dọc, đều mang hơi hướng của iPhone 16. Đây không phải là điều gì xấu, nhất là khi Honor 400 có giá chưa bằng một nửa chiếc điện thoại của Apple.
Cảm giác cầm nắm trên tay rất cao cấp, và dù chỉ có khung máy bằng nhựa, tôi tin nhiều người sẽ phải ngạc nhiên khi biết mức giá thực sự của Honor 400 lúc thanh toán, nếu chỉ dựa vào vẻ bề ngoài.
Một điểm cộng lớn là máy đã có chuẩn kháng nước, kháng bụi IP65, giúp người dùng yên tâm hơn trước các hạt bụi hay tia nước bắn trong quá trình sử dụng lâu dài.
Dù sẽ không khiến ai phải trầm trồ, tôi cảm thấy đây là chiếc smartphone tầm trung có thiết kế tự tin và hoàn thiện nhất mà Honor từng ra mắt, và tôi phải dành lời khen cho điều đó.
Nếu có một lĩnh vực mà Honor dễ dàng vượt mặt các đối thủ trong phân khúc tầm trung, đó chính là chất lượng màn hình.
Điểm sáng đầu tiên là tấm nền AMOLED 6,55 inch này trông đẹp đến ngỡ ngàng. Độ sáng tối đa cực kỳ ấn tượng, lên đến 5000 nits, giúp tôi không phải nheo mắt để nhìn nội dung khi sử dụng ngoài trời dưới nắng gắt.
Độ phân giải sắc nét 2736 x 1264 cũng biến chiếc điện thoại thành một thiết bị tuyệt vời để "cày" Netflix hay bất kỳ dịch vụ streaming nào bạn yêu thích. Khi dùng Honor 400 tại phòng gym, tôi đã hoàn toàn đắm chìm vào vài tập phim Invincible trên Prime Video khi đang chạy bộ, và máy đã tái tạo dải màu sống động của bộ phim một cách xuất sắc.
Tần số quét có thể được thiết lập cố định ở 120Hz, nhưng mặc định máy sẽ ở chế độ thích ứng, tự điều chỉnh tùy theo tác vụ để tiết kiệm pin. Dù đây là tính năng đã có từ lâu trên các dòng điện thoại Android cao cấp, việc nó trở thành tiêu chuẩn trên phân khúc tầm trung/giá rẻ vẫn khiến tôi kinh ngạc.
Các tính năng bảo vệ mắt và làm mờ của Honor cũng quay trở lại như "3840Hz Risk-Free Dimming". Honor 400 là một trong số ít những máy không khiến tôi bị mỏi mắt đáng kể sau khi lướt web nhanh trước khi ngủ, đặc biệt khi bật chế độ "eBook" tuyệt vời.

Hiệu năng mượt mà
Honor 400 nổi bật với camera chính 200MP xuất sắc cho khả năng cắt và zoom ảnh không suy giảm chất lượng, đặc biệt hiệu quả trong điều kiện ánh sáng tốt. Camera góc siêu rộng 12MP cũng chi tiết, có thể dùng chụp macro. Máy trang bị AI Superzoom 30x nhưng kết quả đôi khi không ổn định.
Các tính năng AI như cắt ảnh và mở rộng ảnh hoạt động tốt. Đặc biệt, bộ lọc chân dung Harcourt độc quyền đã trở lại và cải thiện, cùng camera selfie 50MP và chế độ ban đêm đều cho chất lượng ảnh ấn tượng.
Điều tuyệt vời nhất tôi có thể nói về hiệu năng của Honor 400 là nó hoạt động mượt mà đến mức tôi gần như quên mất mình đang đánh giá nó.
Tất nhiên, tôi không nói nó vượt qua được những chiếc iPhone tốt nhất – còn lâu mới được như vậy – nhưng dù sử dụng cùng chipset Snapdragon 7 Gen 3 như năm ngoái, nó cho thấy thị trường tầm trung đã tiến xa đến đâu.
Giờ đây bạn có thể mong đợi một hiệu suất ổn định hàng ngày mà không cần phải chi quá nhiều tiền.
Trong suốt thời gian sử dụng Honor 400, tôi chưa gặp phải tình trạng ứng dụng không tải được hay bị treo, và việc chuyển đổi giữa các ứng dụng diễn ra mà không có độ trễ đáng kể. Ngay cả khi dùng điện thoại làm điểm phát sóng Wi-Fi cho iPad để xem video, tôi vẫn có thể lướt Google Chrome trên Honor 400 mà không thấy máy chậm đi rõ rệt.
Về game, máy xử lý mượt mà một vòng đua trong Asphalt Legends Unite cùng nhịp độ điên cuồng của trò chơi. Đồ họa hiển thị sắc nét và hấp dẫn trên màn hình, và hiện tượng giật hình (nếu có) cũng rất ngắn và không thường xuyên.
Tuy nhiên, tôi phải nói rằng khi chơi cả hai game (và những lúc tôi thực sự đẩy hiệu năng của máy lên cao), tôi cảm thấy Honor 400 tỏa ra một lượng nhiệt nhất định. Nó chưa bao giờ nóng đến mức khó chịu khi cầm, nhưng cũng đủ để tôi phải cẩn thận không đẩy máy đi quá giới hạn.

MagicOS đã tốt hơn
Giống như các công ty công nghệ khác, Honor đặt cược lớn vào Trí tuệ nhân tạo (AI) trên Honor 400, dù trải nghiệm vẫn còn "hên xui". Tính năng Magic Portal là điểm sáng, cho phép khoanh vùng và chia sẻ nhanh chóng nội dung, hoạt động nhanh và tiện lợi để lưu văn bản.
Các tính năng như Phụ đề AI và Dịch thuật AI còn cần cải thiện. Phụ đề AI nhanh nhưng đôi khi tạo ra văn bản vô nghĩa, còn Dịch thuật AI dù phản hồi nhanh nhưng không đa dạng ngôn ngữ như đối thủ. Gợi ý AI thì không mới lạ, và Phát hiện Deepfake AI còn hạn chế, chỉ hoạt động trong cuộc gọi video thay vì nhận diện hình ảnh/video giả mạo trực tuyến.
Các tính năng này chạy trên MagicOS 9.0 (dựa trên Android 15), một hệ điều hành đã cải thiện đáng kể so với phiên bản trước, bớt cồng kềnh hơn. Giao diện có thẩm mỹ riêng, học hỏi từ iOS với "Dynamic Island" và các thao tác vuốt tiện lợi. Tuy nhiên, MagicOS vẫn có nhược điểm lớn là lượng "bloatware" đáng kể (TikTok, Temu và các ứng dụng riêng của Honor) cần gỡ bỏ khi thiết lập máy.
Một điểm cộng lớn là Honor 400 cam kết cập nhật phần mềm trong 6 năm, hỗ trợ chính thức đến ít nhất năm 2031. Đây là sự thay đổi đáng kể so với chính sách hỗ trợ trước đây của Honor, biến Honor 400 thành lựa chọn bền vững hơn cho tương lai.

Honor 400: Thời lượng pin
Mặc dù có kích thước nhỏ hơn, Honor 400 lại sở hữu viên pin có dung lượng lớn hơn một chút so với Honor 200, từ 5.200mAh lên 5.300mAh. Honor không đưa ra con số cụ thể về thời gian sử dụng, chỉ tuyên bố máy có "thời lượng pin cả ngày". May mắn thay, đây là một nhận định có phần khiêm tốn.
Tôi đã thử thách Honor 400 với một ngày sử dụng cường độ cao, bắt đầu từ 8:30 sáng. Máy có hơn 4 giờ sáng màn hình (bao gồm 40 phút Instagram, 25 phút Prime Video), cùng 33 phút nghe nhạc trên Spotify và 1 giờ 39 phút phát hotspot cho iPad. Sau 14 tiếng, đến 10:30 tối, máy vẫn còn 30% pin.
Đối với tôi, con số này là quá đủ để xua tan mọi nỗi lo về pin. Bạn cũng có thể bật một trong hai chế độ tiết kiệm năng lượng để kéo dài thời gian sử dụng. Tuy nhiên, trong hầu hết các ngày, tôi chỉ cần sạc lại Honor 400 vào khoảng giữa ngày hôm sau.
Khi cần nạp lại năng lượng, bạn sẽ không phải đợi lâu vì Honor 400 hỗ trợ sạc nhanh 66W. Khi sạc với củ sạc 65W có sẵn, máy mất khoảng 30 phút để sạc từ 20% lên 69%, và tổng cộng 54 phút để đầy 100%.
Đáng tiếc, máy không hỗ trợ sạc không dây, đây là một điểm trừ khi tính năng này đang dần phổ biến trong phân khúc tầm trung.
Có nên mua Honor 400 không? Hãy mua nếu bạn muốn một chiếc điện thoại tầm trung có màn hình xuất sắc. Bạn cần một thiết bị đáng tin cậy với hiệu năng ổn định hoặc tìm kiếm một chiếc smartphone có thiết kế cao cấp mà không tốn quá nhiều tiền.