Trng khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, vừa qua, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (gọi tắt là 1 luật sửa 4 luật về đầu tư).
Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) phản ánh bất cập khi các hạng mục được ghi vốn từ kinh phí chi thường xuyên phải thực hiện đấu thầu.
"Tôi tin không ít đại biểu trong Hội trường này đã từng lắc đầu ngao ngán khi lợp lại mái nhà, trám mấy bức tường nứt, thay gạch lát nền của cơ quan, có tổng giá trị trên 100 triệu phải làm thủ tục đấu thầu", đại biểu Trần Hữu Hậu, nguyên Bí thư Thành ủy Tây Ninh, nói tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội.
Hiện theo Luật Đấu thầu, việc mua sắm, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị trên 100 triệu thuộc loại phải đấu thầu. Song đại biểu đánh giá quy định này đã có từ lâu, không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, sự trượt giá của vật tư, nguyên liệu, chi phí nhân công.
"Tổ chức hội thảo chuyên ngành, mua sắm hàng năm giống nhau nhưng kinh phí trên 100 triệu cũng phải đấu thầu. Vừa không thực tế, mất thời gian, công sức mà kinh phí tăng thêm trên chục triệu, rất xót xa", đại biểu Trần Hữu Hậu cho biết trước Quốc hội.
Đại biểu Hậu phân tích với gói thầu xây lắp, mua sắm giá trị trên 100 triệu đồng, sử dụng phương thức "chào hàng cạnh tranh" cũng phải lập - thẩm định - phê duyệt hồ sơ mời thầu. Sau đó, các cơ quan phải đăng tải hồ sơ mời thầu điện tử; đánh giá, lựa chọn nhà thầu rồi thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Cả quy trình mất ít nhất 31 ngày và 11 triệu đồng.
Với gói thầu tư vấn, ông cho biết các đơn vị phải tổ chức đấu thầu với phương thức "một giai đoạn hai túi hồ sơ", thông thường mất ít nhất 48 ngày, do gói thầu tư vấn còn kèm cả bước đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, tài chính; thẩm định kết quả đánh giá.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cũng lo ngại đấu thầu rộng rãi với các gói thầu trên 100 triệu đồng phát sinh thêm nhiều trình tự, thủ tục. Việc này ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân tại dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Theo ông Tuấn, hầu hết dự án này có quy mô nhỏ, thời gian thực hiện ngắn và hoàn thành trong năm. Vì vậy, ông đề nghị sửa theo hướng cho phép áp dụng chỉ định thầu với các dự án dùng vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, tương tự dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công.
"Như vậy sẽ bảo đảm thống nhất pháp lý trong cả nước và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án", ông nói.
Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng với những công việc đơn giản, chi phí vài trăm triệu như trên, mục tiêu lựa chọn nhà thầu có năng lực về kỹ thuật công nghệ, tài chính hay tiết kiệm chi phí "không mấy ý nghĩa". Trái lại, cơ quan nhà nước mất thêm những chi phí không đáng có, nhất là thời gian, công sức của nhiều người, nhiều đơn vị.
"Đây còn là điều kiện để phát sinh tiêu cực. Không ít trường hợp đấu thầu chỉ là hình thức, cho đúng thủ tục, không bị cấp trên và các cơ quan chức năng xem xét, kiểm điểm", đại biểu Trần Hữu Hậu nói.
Theo đó, ông Hậu đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi theo hướng nâng mức phải tổ chức đấu thầu với các công việc sử dụng chi thường xuyên lên bằng với đầu tư công. Theo đó, gói thầu Tư vấn có giá trị trên 500 triệu đồng và gói thầu mua sắm, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn giá trị trên một tỷ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn ĐBQH TP.HCM) nhận định, ngoài đấu thầu còn có hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, đàm phán giá...
Theo đại biểu, thực tế trên thị trường vừa qua xảy ra tình trạng thiếu thuốc không hẳn do Covid-19 hay là đứt gãy chuỗi cung ứng sau xung đột Nga - Ukraine... mà trong đó có cả những quy định bất cập, gây khó khăn cho công tác đấu thầu.
Liên quan đến quy định đấu thầu thuốc của các nhà thuốc trong bệnh viện công, theo đại biểu, mục tiêu số 1 của chúng ta vẫn phải là bảo đảm việc nâng cao sức khỏe của người dân, bảo đảm thuốc chất lượng, nếu quá chuyên chú vào chuyện giảm giá khi đấu thầu sẽ là tiền đề của việc giảm chất lượng.
Bởi vậy, đại biểu đề nghị các nhà thuốc bệnh viện được chủ động trong mua sắm thuốc và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Đấu thầu không phải con đường duy nhất, không phải con đường tốt nhất", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Phản hồi của Bộ trưởng Bộ KHĐT
Thông tin tiếp thu giải trình sau phiên thảo luận của Quốc hội về về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng ý với các đại biểu là phải nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu; đồng thời phải nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, không để 200 triệu đồng hay 300 triệu đồng.
"Chúng tôi nghiên cứu có thể nâng lên nữa để đảm bảo tính ổn định lâu dài, nếu không chúng ta vừa sửa xong lại bất cập, lại sửa tiếp", ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Riêng về đấu thầu thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ bản đồng tình với đại biểu về việc chúng ta nên để cho các nhà thuốc tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Nếu họ có hành vi sai trái, thông đồng hay đẩy giá thì có pháp luật xử lý, không nên bắt họ nhất thiết phải đấu thầu, đấu thầu hay mua sắm thế nào nên để họ tự do lựa chọn.