Thời điểm cận Tết Nguyên đán cổ truyền, cùng với những thông tin rao bán “cắt lỗ”, câu chuyện bất động sản đã chạm “đáy” chưa và nên “bắt đáy” bất động sản vào thời điểm nào nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư bất động sản cũng như người mua nhà để ở.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), Cuối năm 2022, ảnh hưởng từ các chính sách tiền tệ thắt chặt và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế cũng như các vấn đề nội tại thị trường chưa được giải quyết đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường bất động sản phải rơi vào trạng thái khó khăn.
The đó, dữ liệu của VARS cho thấy, giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền được điều chỉnh giảm mạnh, gần như trở lại mức giá thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn sốt đất. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở, đặc biệt là căn hộ chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Như vậy, có thể nói, việc cắt lỗ thời gian vừa rồi chỉ xảy ra với các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc đối với các sản phẩm đầu tư, không phục vụ nhu cầu thực.
Cũng theo đội ngũ nghiên cứu của VARS dự báo, quý I năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ít biến động và rất khó xảy ra các tình huống mang tính “đột biến”, lượng giao dịch kỳ vọng tương đương với cùng kỳ năm 2022. Tháng 1/2023, mặt bằng giá gần như đi ngang, nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã bắt đầu rục rịch xuống tiền với tâm thế sẵn sàng chờ “bắt đáy” bất động sản.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà đầu tư cũng đang đặt ra câu hỏi, thị trường bất động sản đã chạm “đáy" hay có thể hiểu là mức giá thấp nhất mà chúng ta có thể mua được.
Dù không có một thước đo nào để có thể xác định được đâu là “đáy" của bất động sản, tuy nhiên theo VARs, để không bỏ lỡ cơ hội, mỗi nhà đầu tư cần làm rõ định nghĩa “bắt đáy" cho riêng mình.
Để trả lời được câu hỏi có nên “bắt đáy" thời điểm này hay không, theo VARs, mỗi nhà đầu tư, khách hàng có nhu cầu mua bất động sản để ở, tích trữ tài sản hay để đầu tư đều cần phải tự làm rõ các vấn đề: hiện trạng tài chính của bản thân, nhu cầu - mục đích - thời hạn đầu tư, bối cảnh tại khu vực dự định đầu tư.
Về bối cảnh thị trường hiện nay, nhóm nghiên cứu tại VARs nhận định, sau 2 năm phát triển như vũ bão, đây là giai đoạn thích hợp, là cơ hội “có một không hai” để các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, nắm bắt thông tin thị trường hoặc có tiềm lực tài chính mạnh, dòng tiền nhàn rỗi, sẵn sàng đầu tư 3-5 năm trở lên với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng có thể “gom hàng" do giá bán đã dần ổn định và có nhiều lựa chọn, đặc biệt là ở thị trường thứ cấp.
Đối với những người dân có nhu cầu ở thực, nhóm nghiên cứu tại VARs cho rằng đây là cơ hội để "an cư" bởi giai đoạn này chính là thời điểm mà doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu, điều chỉnh giá bán ở điểm cân bằng nói trên để“sinh tồn".
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khả quan, nhóm nghiên cứu tại VARs cho rằng bất động sản chắc chắn sẽ tăng giá nhanh hơn so với tốc độ tăng thu nhập của xã hội.
Theo đó, nếu khách hàng đã tích lũy đủ tiền mặt, muốn mua các sản phẩm đã hoàn thành hoặc các sản phẩm nhà ở trong tương lai có tiến độ xây dựng và tình trạng pháp lý tốt phù hợp với nhu cầu để ở hay tích lũy tài sản thì không cần quan tâm đến giá của căn nhà đó có đã ở "đáy" hay chưa, ngay khi thấy có sự điều chỉnh, có thể lập tức mua vào.
Tuy nhiên, nhóm nhóm nghiên cứu tại VARs cũng đưa ra khuyến cáo về việc tại thị trường mới nổi như Việt Nam, sự thiếu minh bạch và chuẩn mực trong giao dịch, đặc biệt là ở các sản phẩm hình thành trong tương lai là một trong những rủi ro lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.