"Cuộc đua" tăng vốn của các nhà băng vẫn chưa dừng lại

Hải Sơn | 08:06 10/08/2022

“Cuộc đua” tăng vốn điều lệ của các ngân hàng bắt đầu từ cuối năm 2021, nhưng diễn ra mạnh mẽ vào giữa năm 2022. Điều này một mặt tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng, nhưng mặt khác trở thành một trong những thách thức lớn đối với tăng trưởng trong năm 2022 và những năm tới.

"Cuộc đua" tăng vốn của các nhà băng vẫn chưa dừng lại
Việc tăng vốn điều lệ sẽ diễn ra mạnh mẽ nhằm thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng loạt tăng vốn điều lệ

Có thể nói, không chỉ ngân hàng mà ngay cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, việc tăng vốn điều lệ đa phần sử dụng cho các mục đích mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh.

Các phương án tăng vốn sẽ được hoàn thành thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…

Năm 2022, nhiều ngân hàng TMCP có vốn nhà nước và vốn tư nhân đã triển khai tăng vốn điều lệ; có những ngân đã thực hiện xong việc chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu.

Đơn cử như mới đây, KienlongBank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 578,4 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu. Bên cạnh đó, KienlongBank sẽ tăng vốn từ lợi nhuận sau thuế còn lại của đơn vị năm 2021 sau khi đã trích lập các quỹ.

Như vậy, sau khi hoàn tất các thủ tục tăng vốn theo quy định của pháp luật, mức vốn điều lệ của KienlongBank từ 3.652,8 tỷ đồng sẽ tăng lên 4.231,2 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) phát hành 543,6 triệu cổ phiếu để chia thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu. Qua đó, nâng mức vốn điều lệ lên gần 21.000 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 5.436 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thông qua chốt danh sách cổ đông vào ngày 3/6 để chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. Hiện ACB có 2,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần phát hành mới hơn 675 triệu đơn vị. Sau khi trả cổ tức vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng.

Hay như SeABank chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu từ 16.598 tỷ đồng lên 20.403 tỷ đồng.

Được biết, theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua, SeABank sẽ còn phát hành 59,4 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2022 để tăng vốn điều lệ thêm 59,4 tỷ đồng.

Còn Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB) mặc dù không trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ, nhưng mới đây TCB thông báo phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP, tương đương 0,18% lượng cổ phiếu lưu hành. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian phát hành dự kiến trong tháng 8. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên trên 35.172 tỷ đồng.

Thách thức lớn với các ngân hàng

Việc các ngân hàng tăng vốn điều lệ cũng là nằm trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025".

Theo đó, đến năm 2025, nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Còn nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ-trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Theo đề án Cơ cấu này, giới chuyên gia dự báo, không chỉ trong năm nay, mà thời gian tới kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 36,4% số ngân hàng cho rằng tăng vốn là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng trong năm nay, tăng 8,6% so với năm ngoái. Đồng thời, hơn 54,6% số ngân hàng cho biết tăng vốn điều lệ là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, tăng đáng kể so với mức 44,4% của năm trước.

Thống kê của Fiin Research, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức 11,3% trong năm 2021, khá thấp so với các nước trong khu vực, và có dấu hiệu suy giảm trong quý1/2022. Một số ngân hàng thương mại nhà nước lớn hầu như không đáp ứng được yêu cầu về an toàn vốn của Basel 2.

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ CAR giảm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, một phần là do các tổ chức tín dụng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN tiệm cận Basel II, với yêu cầu tính tài sản có rủi ro chặt chẽ hơn, đồng thời các khoản cho vay chứng khoán, bất động sản… cũng bị áp dụng hệ số rủi ro tín dụng cao hơn. Quy mô vốn chủ sở hữu của 29 ngân hàng được quan sát đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 2019 - 2021, từ mức 21% năm 2019 xuống 10% năm 2021.

“Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng giai đoạn này vẫn duy trì ở mức 13 - 14%, chưa kể tín dụng dự báo sẽ tăng cao hơn theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2022 - 2023. Theo đó, vấn đề tăng vốn sẽ tiếp tục được đặt ra với nhiều tổ chức tín dụng trong trung - dài hạn”, TS. Lực nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc tăng vốn điều lệ sẽ là động lực để các ngân hàng tiếp tục dành lại thị phần trong thời gian tới. Đồng thời góp phần tăng cường năng lực tài chính, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn bị siết chặt theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN.

“Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Cuộc đua" tăng vốn của các nhà băng vẫn chưa dừng lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO