Cuộc đời huyền thoại của người đàn ông “phổi sắt”: Chỉ đầu có thể hoạt động, nằm 1 chỗ suốt 71 năm vẫn trở thành luật sư, nỗ lực sống khiến ai cũng ngỡ ngàng

Lưu Ly | 09:12 17/01/2024

Paul là một người thông minh tài giỏi nhưng lại không có một cơ thể khỏe mạnh, mặc dù mọi hoạt động đều bị hạn chế nhưng ông vẫn không từ bỏ hy vọng sống một cuộc đời ý nghĩa...

Cuộc đời huyền thoại của người đàn ông “phổi sắt”: Chỉ đầu có thể hoạt động, nằm 1 chỗ suốt 71 năm vẫn trở thành luật sư, nỗ lực sống khiến ai cũng ngỡ ngàng

Paul Alexander là một người đàn ông nghèo bị mắc căn bệnh bại liệt và thậm chí còn không thể tự thở được. Cuộc sống của ông là điều không thể tưởng tượng được đối với những người bình thường. Ông chỉ có thể dựa vào thiết bị máy móc để duy trì sự sống của mình. Một khi mất điện, điều chờ đợi ông chính là cái chết…

Ông đã ở trong “thùng sắt” ròng rã 71 năm, những năm tháng ấy ông đã phải trải qua như thế nào?

"Tôi không muốn chết, tôi muốn sống"

Đối với Paul, chất lượng cuộc sống là điều mà ông không dám đòi hỏi, nếu không có một khát vọng sống mãnh liệt và thái độ tích cực, lạc quan phi thường thì có lẽ ông đã rời bỏ cuộc sống vào một ngày nào đó trong những khoảng thời gian đầu của căn bệnh.

Người ta thường nói, khi rơi vào cảnh cận kề cái chết thì con người ta càng sợ hãi nó. Điều mà những người khỏe mạnh như chúng ta không thể tưởng tượng không chỉ là Paul đã phải chịu đựng cơn đau của bệnh tật như thế nào, mà còn là lý do tại sao cho dù đau đớn đến thế, phải dùng những phương pháp trị liệu nặng nề đến thế, nhưng Paul vẫn kiên trì không từ bỏ khát vọng sống. Khi có người hỏi ông điều này, ông chỉ trả lời họ: "Tôi không muốn chết, tôi muốn sống".

Khi mới 6 tuổi, Paul đã là một trong những đứa trẻ kém may mắn nhất thế giới. Trong khi những đứa trẻ khác đang chạy nhảy và vui đùa dưới nắng thì ông ấy bị bại liệt do một căn bệnh.

Mọi chuyện đối với ông giống như ngày hôm trước vẫn còn khỏe mạnh nô đùa, ngày hôm sau đã chỉ có thể dựa vào thiết bị "lá phổi sắt" hay còn gọi là "máy thở áp lực âm" này để tồn tại. Không những không thể di chuyển được mà cho dù xoay người, hay động tay cũng vô cùng khó khăn.

Đây mới chỉ là triệu chứng ban đầu của bệnh, biểu hiện đầu tiên của loại bệnh bại liệt này là cơ thể dần mất tự chủ, chỉ có thể nằm liệt trên giường. Giai đoạn tiếp theo sẽ không thể thực hiện được những hành động tinh vi hơn, cơ bắp teo dần, cuối cùng không thể thực hiện chức năng hô hấp, chỉ có thể dựa hoàn toàn vào máy móc và trở thành người thực vật.

Đối với Paul mà nói, đây không phải là mối đe dọa lớn nhất. Cho dù không thể cử động nhưng ông vẫn có khả năng suy nghĩ và cảm nhận những điều tuyệt đẹp của thế giới.

Nhưng dù sao thì máy móc vẫn phải cần có nguồn điện liên tục để hoạt động 24/24, nếu gặp trường hợp bất khả kháng như mất điện toàn thành phố, chập điện dây cáp..., Paul sẽ không thể thở được mà chết ngạt.

Nỗi lo lắng đó là hoàn toàn có cơ sở, vì ông đã từng phải trải qua cảm giác cận kề cái chết - đó là một sự cố mất điện ngoài ý muốn. Khi ấy, Paul tưởng chừng như cổ họng bị trói chặt, không thể thở được, ông có thể tự cảm nhận được sự sống đang từng chút một rời khỏi cơ thể mình. May thay, lúc đó có người kịp thời cấp cứu và tìm cách khôi phục lại nguồn điện mới có thể cứu ông trước cửa tử.

Nhưng cảm giác mà cuộc sống phải hoàn toàn dựa vào những yếu tố bên ngoài rất khó chịu, Paul đã nhiều lần gặp ác mộng vì chuyện đó.

Nỗ lực sống một cuộc sống đáng sống

Để đối phó với tình trạng mất điện khẩn cấp và tạo điều kiện cho lực lượng cấp cứu, Paul đã cố gắng học cách tự thở trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy không thể kéo dài được lâu nhưng cuối cùng ông cũng có thể tự hô hấp và tăng khả năng sống sót cho mình.

Sống không phải là mục tiêu duy nhất mà Paul theo đuổi. Như những người khác đã nói, nếu như phải nằm trong thùng sắt và không thể làm gì giống như ông, có lẽ họ đã từ bỏ từ sớm rồi.

Nếu như Helen Keller có thể thành công với tinh thần mạnh mẽ cho dù cơ thể bị khuyết tật, thì Paul cũng muốn được học hỏi kiến ​​thức và trở thành một người “có giá trị”. Khi có khả năng tự hô hấp được, ông bắt đầu nghĩ đến việc đến trường đi học để hoàn thiện bản thân, tuy nhiên điều này cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Ngay cả ở những trường được mở đặc biệt dành cho người khuyết tật cũng chưa từng có tiền lệ nhận những học sinh chỉ có thể cử động mỗi đầu.

Nhưng Paul và bố mẹ không nản lòng, cuối cùng đã tìm được một ngôi trường sẵn sàng nhận Paul và chiếc “thùng sắt” của ông, ở đó Paul chỉ có thể viết bằng việc ngậm chiếc bút trong miệng, chậm hơn rất nhiều so với những đứa trẻ bình thường.

Nhưng cần cù bù thông minh, bộ não của Paul không những không bị ảnh hưởng bởi bệnh tật mà còn rất linh hoạt và thông minh, điểm số của ông luôn thuộc hàng cao nhất trong lớp.

Tưởng rằng việc học là kỳ tích lớn nhất mà Paul đã làm được nhưng điều bất ngờ mà ông dành cho mọi người vẫn còn hơn thế nữa. Ông đã thi đại học như bình thường, học chuyên ngành luật và thậm chí còn lấy được bằng luật sư sau nhiều vòng xét tuyển - điều này đã chứng thực được ông đã trở thành một luật sư thực thụ, một luật sư giống như bao người khác.

Vào thời điểm này, với sự phát triển và tiến bộ của y học, Paul đã có thể sử dụng xe lăn để thực hiện các hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng ông vẫn không thể rời khỏi “thùng sắt”.

Đến thời điểm này, hầu hết những người bị bệnh như ông đều ngã xuống vì không thể chịu được sự hành hạ của bệnh tật, nhưng ông không chỉ tiếp tục sống mà còn sống một cách phi thường!

Sau khi trở thành luật sư, nhờ trình độ chuyên môn và kiến ​​thức sâu rộng của mình, Paul đã có danh tiếng xuất sắc, ông cũng chứng minh cho cả thế giới thấy rằng những cố gắng của ông không phải là câu chuyện vui, ông không khác biệt gì với những người bình thường, chỉ là ông cần nhiều nỗ lực hơn những người khác để đạt được thành công mà thôi.

Sau này, Paul thậm chí còn viết lại hồi ký về cuộc đời mình bằng miệng, về tuổi thơ mơ hồ và 71 năm sống trong “thùng sắt” đã trải qua bao khó khăn, thử thách ấy, tất cả đều là những huy hiệu mà số phận đã gắn lên cho ông.

Ông không hề oán trách ai cả, ông chỉ muốn viết cuốn hồi ký này vì ông không muốn đến thế giới này một cách vô ích, truyền cảm hứng cho mọi người rằng phải luôn giữ hy vọng vào cuộc sống. Vì suy cho cùng, ông có thể ra đi bất cứ lúc nào, thậm chí chiếc thùng sắt này cũng không thể sửa chữa, nhưng ông vẫn sống khỏe mạnh và ý nghĩa.

Và rồi đến cuối cùng, Paul đã kết thúc cuộc đời huyền thoại của mình trong chiếc thùng sắt ấy.

Là người “phổi sắt” cuối cùng và cũng là người “phổi sắt” mạnh mẽ nhất, những điều mà ông đã làm thật đáng khâm phục. “Thùng sắt” và bệnh tật không thể ngăn cản ông, mọi lý tưởng và mục tiêu của ông đều đã được thực hiện, cuộc đời này của Paul đã không còn gì phải hối hận!

Lời kết

So với những người khỏe mạnh như chúng ta, cuộc đời của Paul chính là một tấm gương vượt khó, nhưng ông đã thành công vượt qua hết thảy mọi khó khăn và thử thách, cho dù là mất điện đột ngột, thùng sắt cần phải sửa chữa, trường học không nhận ông, hay quá trình học viết, đánh máy đầy khó khăn nhưng không có chuyện gì có thể ngăn cản được ông theo đuổi mục tiêu của cuộc đời mình.

Ông đầy kiên trì dũng cảm, nếu một người như ông còn có thể làm được thì tại sao những người khỏe mạnh như chúng ta lại trì trệ và buông bỏ chính mình? Chúng ta phải noi gương tinh thần ấy của Paul và nỗ lực đạt được thành công, cho dù gặp phải muôn vàn khó khăn, hãy tin rằng số phận sẽ không bao giờ phụ lòng những người biết cố gắng!




(0) Bình luận
Cuộc đời huyền thoại của người đàn ông “phổi sắt”: Chỉ đầu có thể hoạt động, nằm 1 chỗ suốt 71 năm vẫn trở thành luật sư, nỗ lực sống khiến ai cũng ngỡ ngàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO