Cuộc dịch chuyển thói quen ẩm thực: Từ nhà hàng đến đặt tiệc tại gia

Hồng Minh | 16:41 27/11/2022

Đơn hàng lớn nhất của GrabFood năm 2022 có giá trị gần 2 triệu đồng. Các gia đình trẻ có xu hướng giải trí và đặt đồ ăn từ nhà, thay vì đến thưởng thức tại nhà hàng.

Cuộc dịch chuyển thói quen ẩm thực: Từ nhà hàng đến đặt tiệc tại gia
Hầu hết nhu cầu ăn uống đều có thể được đáp ứng mà không cần khách hàng phải đến quán ăn, nhà hàng. Ảnh: Grab

Nội dung chính:

  • Gọi đồ ăn về nhà trở thành bình thường mới của các gia đình trẻ với giá trị đơn hàng không ngừng tăng lên. 
  • Các ứng dụng gọi đồ ăn nhờ nguồn thu bền vững, đã không ngừng cạnh tranh nhau để thu hút các nhà hàng, người dùng… 
  • Mảng gọi đồ ăn đang tạo cơ hội cho các quán ăn, nhà hàng, mang cơ hội tiếp cận lượng khách hàng đông đảo.
  • “Mỗi ngày quán em thường có có vài đơn hàng GrabFood, ship sang tòa nhà bên kia” - Hiếu, chủ một quán bún riêu trong khu chung cư nằm tại huyện Nhà Bè (Tp.HCM) kể về trải nghiệm của mình với GrabFood, một trong những ứng dụng gọi đồ ăn phổ biến nhất Việt Nam. “Tòa nhà bên kia” Hiếu kể cùng khu chung cư, cách quán của Hiếu một khu đất trống. Tiền ship cho một đơn hàng như vậy là khoảng 18.000 đồng. 
  • Trên kho ứng dụng, Grab được mô tả ngắn gọn: Đồ ăn, giao hàng, gọi xe. Mô tả này phần nào cho thấy mảng kinh doanh chiếm ưu thế của siêu ứng dụng này trên thị trường Đông Nam Á, cho dù xuất phát điểm, Grab chỉ là ứng dụng gọi xe. 
  • Đơn hàng GrabFood có giá trị lớn nhất năm 2022 là gần 2 triệu đồng, chỉ thiếu đúng 2.000 đồng. So với trước giai đoạn dịch bệnh (năm 2019), giá trị đơn hàng GrabFood bình quân đã tăng thêm 41%. Phần lớn người dùng dịch vụ gọi đồ ăn (72%) đã kết hôn và có con - theo báo cáo mới nhất của Grab. 

Các gia đình trẻ có xu hướng giải trí và đặt đồ ăn từ nhà, thay vì đến thưởng thức tại nhà hàng. Lý do gọi đồ ăn của các hộ gia đình trẻ bao gồm: quá bận rộn để nấu nướng, thỏa mãn cơn thèm bất chợt và đặt theo thói quen. 

Cuộc chạy đua của các ứng dụng

Thị trường gọi đồ ăn Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với sự tham gia của các ứng dụng gọi xe như GoJek, be, Grab. Ngoài ra, một số ứng dụng ra đời chỉ dành riêng cho mảng gọi đồ ăn như ShopeeFood, Beamin… Một số nhà hàng còn thuê nhân viên chuyên ship đồ để đáp ứng nhu cầu đặt hàng từ xa, trả lương cứng cộng với tiền trả thêm mỗi đơn. 

Những bữa tiệc tại gia với các món ăn cầu kỳ như gà quay, pizza, cơm hấp lá sen… không còn làm rối lòng những bà nội trợ thế hệ Y. Một bữa tiệc ấm cúng cuối tuần, hay bữa cơm bất chợt có khách, đều có thể được chuẩn bị sẵn sàng chỉ trong 30 phút kể từ lúc bấm điện thoại. 

Một số quán ăn trong ngõ hẻm đã tiếp cận được lượng khách hàng đông đảo nhờ các ứng dụng gọi đồ ăn. Ảnh: Grab

Gọi đồ ăn chế biến sẵn là một “bình thường mới” của Việt Nam - đặc biệt tại các đô thị, khi cuộc sống ngày càng vội vã và nhu cầu hưởng thụ của người dân ngày càng cao, thu nhập ngày càng cải thiện. 

Đây cũng là nguồn thu bền vững của các ứng dụng. 

Grab, be hay GoJek hiện đều tận dụng nền tảng kỹ thuật của ứng dụng gọi xe, sử dụng cả những tài xế xe máy, để huy động cho lực lượng giao đồ ăn của GrabFood, beFood, GoFood. Đương nhiên có một số tài xế chỉ chọn một trong hai: Chạy xe hoặc giao đồ ăn. Với họ, giao đồ ăn “phức tạp và rắc rối” hơn so với chạy xe chở khách. 

Doanh thu của các ứng dụng này, cũng như Beamin, ShopeeFood đều đến từ hai nguồn: Chiết khấu từ nhân viên giao hàng (còn gọi là các shipper) và chiết khấu từ các nhà hàng ăn uống. Với nhà hàng ăn uống, mức chiết khấu dao động từ 15 - 25% giá trị gọi món. Có nghĩa là với một món ăn với mức giá niêm yết 100 nghìn đồng, các ứng dụng gọi đồ ăn sẽ thu được từ 15 đến 25 nghìn đồng. 

Trong khi tỷ lệ chiết khấu hầu như đã được chốt và ít khi thay đổi, các ứng dụng đang cạnh tranh nhau bằng các hình thức khuyến mại trả cho người dùng. Một đơn hàng gọi đồ ăn, nếu chọn đúng thời gian khuyến mãi, khách hàng có thể được giảm tới 30 - 50 nghìn đồng. Mỗi khi có khuyến mại áp dụng với một số nhà hàng, lượng khách gọi đồ ăn từ đó cũng tăng vọt. 

Ngoài ra, dịch vụ của các ứng dụng dành cho các nhà hàng (còn gọi là đối tác) cũng quyết định việc nhà hàng sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ nào. 

Nói về lý do lựa chọn GrabFood, thay vì các ứng dụng gọi đồ ăn khác đang phổ biến trên thị trường, anh Hiếu, chủ quán bún riêu cho biết: “Dịch vụ GrabFood nhanh hơn, đăng ký xong là có phản hồi. Em cũng đã đăng ký một số ứng dụng khác và vẫn đang chờ”. 

Cơ hội của các nhà hàng

Mức chiết khấu trên mỗi đơn hàng khiến các nhà hàng đăng ký ứng dụng thường tăng giá cho món ăn so với mức niêm yết tại nhà hàng. Một số nhà hàng chọn phương pháp bớt nguyên vật liệu để suất ăn ít tiền hơn so với phần ăn trực tiếp. Điều này gây bất tiện cho một số nhà hàng, khi họ gần như không có giải pháp khác. Tuy nhiên, dù bất tiện, thì việc đưa nhà hàng lên các ứng dụng gọi đồ ăn là không thể tránh. 

Ở Việt Nam, cứ 9 trên 10 nhà hàng được khảo sát cho biết các nền tảng giao hàng là dịch vụ không thể thiếu đối với hoạt động kinh doanh của họ, con số này cao hơn so với mức trung bình trong khu vực (8 trên 10 nhà hàng). Trên toàn khu vực Đông Nam Á, trung bình tổng doanh thu bán hàng của các nhà hàng tăng 15% so với trước khi tham gia các nền tảng giao hàng - báo cáo của Grab cho biết. 

Beamin đang là ứng dụng gọi đồ ăn thu hút sự chú ý từ người dùng và các nhà hàng. Tại TP.HCM, con đường Nguyễn Thượng Hiền ở Quận 3, gần trung tâm thành phố, vẫn được gọi là “Phố Beamin” với màu xanh bạc hà chủ đạo, treo trên hầu hết biển hiệu các quán ăn trong khu phố. Tập trung nhiều loại đồ ăn trên cùng một con phố ngắn giúp người dùng ở các khu vực lân cận dễ dàng đa dạng hóa các món ăn khi gọi, đồng thời tăng khả năng nhận diện của các nhà hàng ngay trên ứng dụng gọi đồ ăn. 

Ảnh: Phố Nguyễn Thượng Hiền - Quận 3 - TP.HCM được phủ xanh bằng các biển hiệu Beamin (Ảnh: Beamin)

Trong khi phải chịu một khoản chiết khấu không nhỏ từ các ứng dụng gọi đồ ăn, các nhà hàng đã chọn phương án rút sâu vào các con hẻm nhằm tiết kiệm chi phí mặt bằng, đồng thời tận dụng sức lan tỏa trên các ứng dụng đặt đồ ăn. 

Tại Hà Nội, TP.HCM, không khó để nhìn thấy các tài xế len lỏi vào ngõ hẻm để nhận các đơn hàng, rồi tỏa đi khắp thành phố. 

Tại một ngõ nhỏ thuộc phố Kim Mã (Hà Nội), lượng tài xế ShopeeFood, GrabFood hay GoFood vẫn thường xuyên tấp nập đến nhận hàng. Nơi đây có gia đình ở trong căn hộ nhỏ, khoảng 20m2 cùng căn gác lửng - vẫn hàng ngày sản xuất hàng trăm hộp chân gà với bí kíp riêng về nước chấm. Người mua chỉ có lựa chọn duy nhất là đặt hàng trên ứng dụng. Chỉ một lượng khách nhỏ trong khu tập thể mới biết để đặt hàng trực tiếp, và thường được chủ quán giảm số tiền khoảng 10-15 nghìn đồng mỗi suất. 

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể bán hàng tại nhà” - chị Hoa, chủ căn hộ ở Kim Mã chia sẻ khi mới “mở hàng” năm 2019. 

Kinh doanh dựa trên ứng dụng đã trở thành lựa chọn của nhiều quán ăn, đặc biệt là các quán ăn nhỏ, hoặc những người chuyên chế biến một vài món tủ. Trong điều kiện chi phí mặt bằng đang ngày càng trở nên đắt đỏ (ngay trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng), bán hàng tại nhà trở thành lựa chọn của nhiều người. 

Bán hàng qua ứng dụng cũng là lựa chọn của nhiều nhà hàng lớn, bên cạnh việc thu hút khách trực tiếp đến nhà hàng. “Giao thức ăn - khái niệm trước đây từng là xa xỉ - nay đã trở thành một phần đời sống thường nhật. Các đơn hàng trực tuyến tại McDonald’s hiện chiếm tới 30% doanh thu tại Châu Á so với 10% thời kỳ trước COVID-19” - Ông Eugene Lee, Giám đốc Marketing Khu vực (Châu Á) tại McDonald’s cho biết trong báo cáo của Grab.


(0) Bình luận
Cuộc dịch chuyển thói quen ẩm thực: Từ nhà hàng đến đặt tiệc tại gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO