Cuộc di cư lớn của dòng tiền tại Thế giới Di Động: Hàng chục triệu cổ phiếu liên tục bị "xả" xuyên suốt hai tháng, "room" ngoại hở gần 3%

Phương Linh | 23:00 06/11/2023

Cổ phiếu MWG là mã chứng khoán bị bán ròng mạnh nhất bởi nhà đầu tư nước ngoài với giá trị khoảng 1.900 tỷ đồng trong vòng hơn 2 tháng qua.

Cuộc di cư lớn của dòng tiền tại Thế giới Di Động: Hàng chục triệu cổ phiếu liên tục bị "xả" xuyên suốt hai tháng, "room" ngoại hở gần 3%

Thị trường chứng khoán Việt Nam có không ít cổ phiếu được ví von là thỏi nam châm hút vốn ngoại, luôn được nhà đầu tư nước ngoài săn đón để sở hữu thêm. Trong số đó, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động từng luôn trong tình trạng "kín room ngoại" 49%. Hầu như tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ hở ra do các hoạt động ESOP nhưng đều được lấp đầy ngay sau đó. Do là hàng hiếm, vốn ngoại sẵn sàng trả một mức giá chênh (premium) cao nhất thị trường, có thời điểm lên đến 40% để có thể sở hữu.

Tuy nhiên, tình trạng trái ngược đang diễn ra tại MWG trong vài tháng trở lại đây. Dần dần, những giao dịch vượt biên độ qua VSD không còn, thậm chí các lệnh thỏa thuận trực tiếp trên sàn với biên độ tối đa +/-7% cũng gần như không còn xuất hiện. Đáng chú ý, cổ phiếu MWG ghi nhận tình trạng “hở room" ngoại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG giảm rõ rệt, từ mức tối đa 49% đã giảm về dưới ngưỡng 47% - điều rất hiếm thấy tại doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ này.

Tính hết phiên 6/11, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại MWG ghi nhận ở mức 46,1%, tương ứng lượng cổ phiếu NĐTNN có thể mua thêm lên tới gần 42 triệu đơn vị. Đây là mức "hở room" ngoại lớn nhất của MWG trong nhiều năm qua.

Các quỹ ngoại không còn "mặn mà"

Tình trạng hở room của MWG có áp lực không nhỏ từ việc nhiều quỹ ngoại lớn liên tục bán ra cổ phiếu này. Tiêu biểu nhất cần kể tới Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners (Singapore) từng nhiều lần khẳng định việc đầu tư dài hạn vào MWG và không có tư duy giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên sau khoảng 3 năm nắm giữ, quỹ ngoại này đã liên tục bán bớt cổ phiếu và giảm sở hữu tại MWG với mục đích đưa ra là tái cơ cấu đầu tư. Tại ngày 28/8, quỹ này chỉ còn 63,2 triệu cổ phiếu MWG.

Nhóm quỹ Dragon Capital cũng đã báo cáo bán ra hơn 4,1 triệu cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động trong phiên 1/11, sở hữu của nhóm giảm từ 7,19% vốn (105 triệu cổ phiếu) xuống 6,9% vốn (101 triệu cổ phiếu). Giao dịch được thực hiện trong phiên 1/11.

Điều gì đang diễn ra với MWG?

Thực tế, MWG là một trong những cổ phiếu được khối ngoại nắm giữ lượng lớn. Do đó, bối cảnh dòng vốn ngoại đang có xu hướng bán ròng trên thị trường chung ít nhiều ảnh hưởng tới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại cổ phiếu đầu ngành bán lẻ này.

Tính chung từ phiên 21/8 (phiên tỷ lệ sở hữu của NĐTNN giảm dưới ngưỡng 49% và chưa tăng trở lại), khối ngoại đã bán ròng hơn 8.600 tỷ trên toàn thị trường. Trong đó, riêng cổ phiếu MWG là mã chứng khoán bị bán ròng mạnh nhất với giá trị gần 1.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có lẽ yếu tố cốt lõi khiến khối ngoại bán mạnh MWG thời gian qua đến từ triển vọng kinh doanh không còn quá thuận lợi của doanh nghiệp này.

Tại những mảng kinh doanh chính, doanh thu bán đồ điện tử tại các chuỗi Thế giới Di Động và Điện Máy Xanh hầu như chỉ đi ngang do ảnh hưởng từ sức mua sụt giảm cũng như áp lực cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn đang cho thấy sự “chật vật” trong việc tìm kiếm lợi nhuận sau 5 năm hoạt động, khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 553 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3/2023. Trong khi đó, dù được xem là mảng hoạt động tiềm năng của MWG song Bách Hóa Xanh cũng đang gặp khó với mục tiêu hòa vốn, thậm chí lỗ luỹ kế giai đoạn từ 2016 đến 30/9/2023 đã gần 8.300 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh chung đã phản ánh phần nào thế khó của “đại gia” ngành bán lẻ này. Riêng trong quý 3/2023, Thế Giới Di Động tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu đạt 30.287 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước nhưngđã cao hơn gần 3% so với quý trước. Dù vậy, biên lãi gộp lại tiếp tục bị thu hẹp xuống chỉ còn 15,3% so với mức 23% cùng kỳ năm ngoái và 18,5% trong quý trước.

Sau khi trừ các chi phí, Thế Giới Di Động lãi ròng vỏn vẹn 39 tỷ đồng trong quý 3, giảm 96% so với cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên đã cao gấp đôi con số lãi của quý 2 liền trước.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Thế Giới Di Động giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức gần 87.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến gần 97%, xuống còn 78 tỷ đồng và mới thực hiện vỏn vẹn chưa đến 2% mục tiêu cả năm 2023 đề ra, đứng trước nguy cơ năm thứ 2 liên tiếp không kịp về đích.

Cổ phiếu về đáy 3 năm

Trên thị trường, áp lực bán đè nặng lên cổ phiếu MWG, khiến thị giá lao dốc mạnh kể từ giữa tháng 9 sau khi lên đỉnh một năm. Sau chưa đầy 2 tháng, cổ phiếu bán lẻ này đã mất hàng chục % thị giá, có thời điểm rơi về mức giá thấp nhất gần 3 năm kể từ cuối tháng 12/2020.

Tạm chốt phiên 6/11, thị giá MWG đạt 38.050 đồng/cp, giảm 34% sau hơn 1 tháng. Giá trị vốn hóa thị trường của Thế Giới Di Động cũng theo đó “bốc hơi” khoảng 28.400 tỷ đồng, chỉ còn khoảng gần 56.000 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cuộc di cư lớn của dòng tiền tại Thế giới Di Động: Hàng chục triệu cổ phiếu liên tục bị "xả" xuyên suốt hai tháng, "room" ngoại hở gần 3%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO