Đây là vụ việc đang gây xôn xao tại Hồ Nam (Trung Quốc) những ngày qua. Theo một trang báo Trung Quốc, sự việc được bà Vương - con dâu của cụ - tiết lộ. Bà kể lại rằng mẹ chồng mình, bà Trương (64 tuổi), đã từng hồ hởi thông báo với gia đình rằng "sắp phát tài". Điều này khiến cả nhà cảm thấy kỳ lạ bởi bà Trương chỉ có lương hưu 2.800 tệ/tháng (gần 10 triệu đồng), không có thêm nguồn thu nhập nào khác và hiện đang mắc bệnh Parkinson, đầu óc thường không minh mẫn.
Khi kiểm tra kỹ hơn, gia đình mới bàng hoàng phát hiện rằng bà Trương đã bị một nhân viên bảo hiểm dụ dỗ ký hợp đồng mua hơn 10 gói bảo hiểm khác nhau trong vài năm qua với tổng giá trị lên đến 3,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 12 tỷ đồng). Trong số đó, bà đã chi trả hơn 1,5 triệu nhân dân tệ. Để đóng được khoản tiền khổng lồ này, bà Trương đã sử dụng toàn bộ tiền phẫu thuật của chồng, thậm chí thế chấp căn nhà để vay ngân hàng. Trong năm nay, bà Trương sẽ phải đóng thêm 770 nghìn nhân dân tệ phí bảo hiểm còn lại.
Không chỉ chi phí mua bảo hiểm quá lớn, các hợp đồng bảo hiểm bà Trương ký còn cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường. Dù bà chỉ có lương hưu 2.800 nhân dân tệ/tháng, hợp đồng lại ghi mức thu nhập bình quân năm là 300 nghìn nhân dân tệ. Ngoài ra, bà mắc bệnh Parkinson, nhưng trong mục khai báo sức khỏe, nhân viên bảo hiểm đã ghi là "không".
Theo bà Vương (người con dâu), nhân viên bảo hiểm họ Kha này đã lợi dụng sự thiếu minh mẫn của bà Trương để thực hiện các hợp đồng này. Người này thường xuyên đến nhà thăm hỏi, ăn cơm cùng gia đình và thậm chí còn nhận bà Trương làm "mẹ nuôi".
Sau khi phát hiện sự việc, gia đình bà Trương đã tìm cách liên hệ với nhân viên bảo hiểm Kha để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, người này phủ nhận việc lừa dối và cho rằng mọi việc được thực hiện "đúng quy trình". Cô Kha rằng bà Trương đã tự khai báo thu nhập và tình trạng sức khỏe, đồng thời khẳng định bà Trương hoàn toàn minh mẫn và hiểu rõ các các điều khoản trong hợp đồng tại thời điểm ký.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về cách xác minh thu nhập 300 nghìn nhân tệ, nhân viên bảo hiểm đã lập tức cúp máy và từ chối các cuộc gọi sau đó.
Bà Vương, trong tình trạng tuyệt vọng, chia sẻ: "Chúng tôi không còn tiền vì phải trả nợ vay ngân hàng. Bố chồng tôi còn mới bị đột quỵ và sắp phải phẫu thuật. Chúng tôi chỉ mong công ty hoàn trả lại số tiền đã đóng."
Phản hồi từ công ty bảo hiểm
Trước sức ép từ dư luận nước này, công ty bảo hiểm nơi nhân viên họ Kha làm việc đã đưa ra phản hồi tương đối mơ hồ. Đại diện công ty, trợ lý tổng giám đốc họ Điền, cho biết vụ việc đang được xử lý và sẽ có câu trả lời trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, ông từ chối khẳng định liệu gia đình bà Trương có được hoàn trả số tiền đã đóng hay không.
Bài học từ vụ việc
Theo bài báo Trung Quốc, sự việc của bà Trương một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về các vấn đề trong ngành bảo hiểm. Nhiều nhân viên bán bảo hiểm vì chạy theo hoa hồng cao đã sử dụng những chiêu trò dụ dỗ, phóng đại lợi ích và che giấu rủi ro để thuyết phục khách hàng, đặc biệt là những người già cả, thiếu hiểu biết hoặc không còn minh mẫn.
Do đó, người dân cần tỉnh táo trước các lời mời gọi mua bảo hiểm, đồng thời nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi ký để tránh rơi vào những tình huống tương tự. Các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay xử lý những hành vi lạm dụng, đảm bảo rằng bảo hiểm thực sự trở thành một công cụ hỗ trợ cuộc sống, thay vì trở thành cạm bẫy tài chính.
Theo Toutiao