Cụ bà 70 tuổi đến ngân hàng rút 1,6 tỷ đồng về mua nhà cho cháu, vài ngày sau bỗng bị tòa án gửi giấy triệu tập

Ánh Lê | 11:36 21/07/2023

Lý do cụ bà Trung Quốc bị ngân hàng địa phương kiện ra tòa cũng là lỗi mà nhiều người thường mắc phải.

Cụ bà 70 tuổi đến ngân hàng rút 1,6 tỷ đồng về mua nhà cho cháu, vài ngày sau bỗng bị tòa án gửi giấy triệu tập

Đến ngân hàng rút tiền thì bị ngân hàng kiện ra tòa, trường hợp có vẻ kỳ quặc này thực tế đã xảy ra với một cụ bà 70 tuổi ở Giang Tô, Trung Quốc.

Theo Toutiao, cụ bà họ Vương ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc thời trẻ làm việc trong một xí nghiệp quốc doanh. Sau khi nghỉ hưu, bà nhận được mức lương hưu vài nghìn NDT một tháng. Nhờ sống tiết kiệm nên vợ chồng cụ bà này đã tích góp được 500.000 NDT dưỡng già và quyết định gửi tiền vào ngân hàng. Mấy năm sau đó, chồng bà qua đời, tất cả sự quan tâm của bà đều dành cho con cháu.

Rút tiền mua nhà cho cháu

Vài năm trước, cháu trai của bà Vương đến tuổi lập gia đình. Nhà gái yêu cầu của hồi môn là 100.000 NDT tiền mặt cùng một chiếc ô tô và một ngôi nhà tân hôn là nơi ở tương lai cho đôi vợ chồng trẻ. Gia đình bà Vương cảm thấy yêu cầu này cũng hợp lý nên đã đồng ý. Tuy nhiên đến lúc mua nhà, họ lại thiếu tiền bởi giá nhà đất tăng cao ngất ngưởng. 

Muốn cháu trai thuận lợi lấy được vợ, bà Vương đã quyết định rút 500.000 NDT ( tương đương 1,6 tỷ đồng) dành để dưỡng già mua nhà cho cháu. Sau khi rút tiền ở ngân hàng, bà cụ liền đưa hết cho cháu trai đem đi đặt cọc nhà để kịp ngày cưới đã ấn định trước. Tuy nhiên, mọi chuyện lại bị gián đoạn bởi một cuộc điện thoại bất ngờ vài ngày sau đó.

Ảnh minh họa: Toutiao

Đó là cuộc điện thoại của giám đốc ngân hàng địa phương, thông báo rằng số tiền bà Vương rút về không phải của bà và phải trả lại ngân hàng ngay lập tức. Nếu bà Vương không trả lại tiền, ngân hàng sẽ kiện ra tòa vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản!

Nghe những lời này, bà Vương như chết lặng. 500.000 NDT là tiền tiết kiệm của vợ chồng bà. Khi rút tiền, bà cầm đủ thẻ ngân hàng và chứng minh thư đến ngân hàng để trực tiếp rút tiền, làm sao bà có thể rút nhầm tiền? Lấy lại bình tĩnh, bà Vương nghĩ đó là một trò lừa đảo qua điện thoại nên đã cúp điện thoại.

Thế nhưng điều mà bà Vương không ngờ tới là hai ngày sau cuộc gọi đó, giấy triệu tập của tòa án thực sự được gửi đến nhà bà. Bà Vương rất tức giận, bà tự hỏi tại sao không rút được tiền mà phải trả lại ngân hàng? Vấn đề ở đây là gì?

Thiếu kiến thức nên vướng phải rắc rối

Trong cơn tức giận, bà Vương đã đến ngân hàng nơi rút tiền và yêu cầu nhân viên giải thích. Đối mặt với sự giận dữ của bà cụ, giám đốc ngân hàng bình tĩnh giải thích: "Cô à, ngân hàng chúng tôi lúc đầu không kiểm tra kỹ nên để cô rút 500.000 NDT, bây giờ cô phải trả lại cho chúng tôi."

Hóa ra thẻ ngân hàng mà bà Vương dùng để rút tiền là của người chồng đã mất. Số tiền 500.000 NDT được gửi vào ngân hàng do người chồng đứng tên. Lúc bà Vương đến rút tiền, bà không nói với nhân viên ngân hàng mình là vợ của chủ tài khoản nên mới dẫn đến sự việc trên.

Ảnh minh họa: Toutiao

Giám đốc ngân hàng nói rằng nếu bà Vương muốn rút tiền thì trước tiên bà phải trả lại số tiền 500.000 NDT đã rút, sau đó cung cấp giấy chứng tử của chồng bà, rồi công chứng tài sản thừa kế. Có như vậy, số tiền này mới được rút ra một cách đúng luật lệ. Vì bà Vương không trả lại tiền sau cuộc gọi của phía ngân hàng, do đó họ đành phải đưa bà ra tòa. Nếu nhất quyết không trả lại tiền, bà Vương có thể phải ngồi tù.

Sau khi được giải thích cặn kẽ, bà Vương hiểu ra mọi chuyện. Tuy nhiên, rắc rối lại kéo đến khi số tiền 500.000 NDT rút ra đã dùng đi đặt cọc nhà cho cháu trai, giờ bà không còn tiền để hoàn trả cho ngân hàng. Bà cụ cho rằng mình là vợ hợp pháp của chồng bà, khi vợ ông qua đời, số tiền 500.000 ông để lại là của bà và bà có quyền rút số tiền này. Hơn nữa, bà cũng cho rằng khi rút tiền, nhân viên ngân hàng cũng không yêu cầu bà xuất trình bất kỳ giấy tờ bằng chứng nào, và đó là lỗi của ngân hàng . 

Trong khi đó, phía đại diện ngân hàng cũng rất kiên định, nói thẻ ngân hàng đứng tên chồng bà. Từ khi ông cụ qua đời, số tiền này là tài sản thừa kế. Bà Vương cần cung cấp bằng chứng về quan hệ thừa kế khi rút tiền, nếu không hành vi rút tiền sẽ bị quy thành lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Ảnh minh họa: Toutiao

Hai bên tranh cãi hồi lâu vì đều cho rằng mình không sai. Lúc này, thẩm phán giải thích rằng theo luật, 500.000 NDT dưới tên chồng của bà Vương là tài sản chung của vợ chồng. Bà Vương có thể thừa kế 250.000 NDT, 250.000 NDT còn lại sẽ được chia giữa bà và đứa con trai duy nhất, mỗi người 125.000 đồng. Thẩm phán cũng chỉ ra rằng theo quy định, nếu chủ nhân tài khoản đã mất, người thừa kế phải cấp giấy chứng nhận thừa kế khi rút tiền. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản của người đã mất và ngăn ngừa các hành vi lừa đảo hoặc tranh chấp.

Cuối cùng, tòa tuyên bố cả bà Vương và ngân hàng đều có lỗi trong sự việc này. Bà Vương không cần hoàn trả số tiền 500.000 NDT nhưng cần phải cung cấp các chứng từ liên quan cho ngân hàng. Sau phán quyết của tòa án, bà Vương đã hoàn tất các giấy tờ liên quan và nộp cho ngân hàng. Mọi chuyện được giải quyết êm đẹp, đám cưới của cháu trai bà Vương cũng diễn ra ngay sau đó.

Câu chuyện này cũng giúp chúng ta hiểu rõ một điều rằng, khi đến ngân hàng rút tiền, đôi khi mặc dù tiền đúng là của mình nhưng muốn rút tiền thuận lợi, bạn vẫn cần tìm hiểu kỹ và chuẩn bị những giấy tờ liên quan trước khi rút tiền để tránh những rắc rối không đáng có. Đó cũng là một cách tự bảo vệ quyền lợi của mình.

(Theo Toutiao)


(0) Bình luận
Cụ bà 70 tuổi đến ngân hàng rút 1,6 tỷ đồng về mua nhà cho cháu, vài ngày sau bỗng bị tòa án gửi giấy triệu tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO