Bước sang tháng 5, Chứng khoán Agriseco đánh giá thị trường chứng khoán có những cơ hội và khó khăn đan xen.
Một số điểm sáng đến từ lợi nhuận các DN niêm yết trong quý 1/2025 và KHKD năm 2025 tăng trưởng tích cực. Thêm nữa, hệ thống KRX chính thức được vận hành từ 5/5/2025 kỳ vọng sẽ cải thiện thanh khoản và đáp ứng tiêu chí nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Mặt khác, nhóm phân tích cũng kỳ vọng việc FED điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp FOMC diễn ra ngày 6-7/5 tới.
Tuy nhiên, thị trường vẫn có một số khó khăn như bước sang giai đoạn vùng trống thông tin hỗ trợ; áp lực bán ròng của khối ngoại đang tiếp diễn; sự bất định trong chính sách Thuế quan thương mại Quốc tế. Các cơ hội đầu tư tháng 5/2025 được Agriseco lựa chọn tập trung vào nhóm VN30 và cổ phiếu đầu ngành đã có mặt bằng định giá an toàn đồng thời kỳ vọng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tới.
Trước tiên, liên quan tới lĩnh vực bất động sản, đội ngũ phân tích Agriseco kỳ vọng Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG) sẽ có triển vọng kinh doanh 2025 tích cực nhờ hai mảng năng lượng và bất động sản. HDG đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao với doanh thu ước đạt 2.936 tỷ đồng (+8% svck), lãi sau thuế đạt 1.057 tỷ đồng (+136% svck).
Mảng thuỷ điện HDG dự báo hồi phục nhờ pha El Nino đã kết thúc. HDG hiện đang sở hữu các nhà máy điện với tổng công suất là 462MW trong đó mảng thủy điện chiếm khoảng 68%. Theo trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, xác suất cao chu kỳ thời tiết trung tính sẽ xảy ra trong phần còn lại của năm 2025 giúp gia tăng sản lượng huy động từ thủy điện của HDG.
Tiếp theo, mảng bất động sản kỳ vọng đóng góp tích cực vào lợi nhuận, đặc biệt tại Dự án Hado Charm Villas 3 gồm 108 căn biệt thự cao cấp tại Hoài Đức, dự kiến mở bán trong quý 2/2025 với giá 120–150 triệu đồng/m². Các giai đoạn trước ghi nhận tỷ lệ hấp thụ trên 80%, với kỳ vọng phục hồi thị trường thấp tầng Hà Nội, dự án có thể duy trì tiêu thụ tốt. Charm Villas 3 dự kiến mang về khoảng 3.000 tỷ đồng doanh thu giai đoạn 2025–2027, trở thành động lực tăng trưởng chính cho HDG trong các quý tới.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng sản lượng nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ từ thị trường bất động sản phục hồi và chính sách thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025.
Đồng thời, việc đưa vào vận hành giai đoạn 1 của dự án Dung Quất 2 với công suất 1,4 triệu tấn HRC năm 2025, nâng tổng công suất HRC thêm hơn 47% so với năm 2024, đồng thời hưởng lợi từ biện pháp áp thuế chống bán phá giá đối với thép HRC Trung Quốc (mức thuế từ 19,38% đến 27,83%) giúp tăng khả năng cạnh tranh về giá cho HPG.
Biên lợi nhuận của HPG dự báo cải thiện nhờ giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt và than cốc đang thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung dồi dào và nhu cầu yếu. Trong khi đó, giá thép dự báo sẽ tăng nhẹ nhờ nhu cầu nội địa mạnh, giúp biên lợi nhuận của Hòa Phát được kỳ vọng mở rộng trong các quý tới.
Tại nhóm Ngân hàng, Agriseco chỉ ra rằng cổ phiếu MBB của NH TMCP Quân đội đang được định giá hấp dẫn với P/B (1,1x lần) hiện tại thấp hơn trung bình ngành. Hiệu suất sinh lời ROE 4 quý gần nhất đạt 23% và tỷ lệ CASA lớn là yếu tố hỗ trợ MBB tăng trưởng dài hạn.
Tính đến hết Q1/2024, dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 798.000 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2024 tập trung giải ngân lĩnh vực BĐS (+9%), công nghiệp và thương mại (+5%) ngược lại cho vay tiêu dùng cá nhân phục hồi chậm hơn. Tăng trưởng huy động đạt 3,1% so với cuối năm 2024 và tỷ lệ CASA đạt 36%, nhờ đó tỷ lệ NIM Q1/2025 cải thiện lên 4,17%.
Với chiến lược duy trì cân bằng tín dụng bán lẻ và DN lớn/SME, kỳ vọng MBB sử dụng hết room tín dụng trên 24% trong năm 2025 và tận dụng tỷ lệ CASA cao để mở rộng tỷ lệ NIM trong các quý tới.
Ngoài MBB, một cái tên khác trong nhóm ngân hàng là VPBank (mã: VPB) đang ở vùng định giá hấp dẫn với kết quả kinh doanh quý 1/2025 tăng trưởng cao trên nền thấp so với cùng kỳ năm ngoái. LNTT Q1/2025 của VPB tăng 20% svck (đạt 5.015 tỷ đồng) nhờ thu nhập lãi thuần tăng gần 18% và tổng thu nhập hoạt động tăng 16%. Từ đó hỗ trợ biên lãi ròng (NIM) Q1/2025 của VPB duy trì ở mức 5,8% - thuộc top ngân hàng có tỷ lệ biên lãi ròng cao đầu ngành.
Agriseco dự báo LNTT 2025 tăng 25% so với năm trước và hạn mức tín dụng 24% trong năm nay, mức định giá này được coi là phù hợp để nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn.
Ngoài ra, Thế giới di động (mã: MWG) cũng được đánh giá nhiều triển vọng nhờ chuỗi Bách hóa xanh (BHX) bước vào giai đoạn mở rộng trong năm 2025. BHX đã bắt đầu có lãi từ năm 2024 và kỳ vọng đẩy mạnh mở rộng cửa hàng ra khu vực miền Trung trong năm 2025. Trong quý 1/2025, BHX đã mở mới 232 cửa hàng với hơn 50% tập trung tại các tỉnh miền Trung.
Chuỗi Thế giới di động (TGDĐ, bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh (ĐMX) duy trì tăng trưởng và cải thiện hiệu quả hoạt động. Mảng ICT duy trì tăng trưởng 2 chữ số trong bối cảnh thị trường phục hồi
chậm, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng cũng cải thiện 15% so với Q1/2024. MWG đã đóng cửa 4 cửa hàng TGDĐ và mở mới 1 cửa hàng ĐMX trong Q1/2025, định hướng của Công ty đối với mảng ICT vẫn là tinh gọn vận hành, cải thiện hiệu quả hoạt động.
Ở mảng xây dựng, nhóm phân tích nhận định Tổng CTCP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (mã: VCG) khả quan nhờ động lực tăng trưởng doanh thu từ lĩnh vực xây lắp hạ tầng.
Năm 2025 là cột mốc hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021–2025. Năm 2024, VCG trúng thầu hơn 11.600 tỷ đồng dự án xây lắp, gồm các gói lớn như sân bay Long Thành (2.663 tỷ), nhà ga T2 Nội Bài (2.554 tỷ), và vành đai 3.5 Hà Nội (1.364 tỷ). Công tác thi công đang vượt tiến độ, đồng thời VCG chuẩn bị nguồn lực tham gia các dự án đường sắt tốc độ cao và đô thị.
Ngoài ra, lĩnh vực kinh doanh bất động sản dự kiến đóng góp tỷ trọng lớn cơ cấu lợi nhuận năm 2025. Mảng bất động sản dự kiến là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận năm 2025, nhờ đẩy mạnh bàn giao các dự án có biên lợi nhuận cao như Vinaconex Diamond Tower (đóng góp 200–400 tỷ đồng), KĐT Đại lộ Hòa Bình và Cát Bà Amanita. Lợi nhuận từ mảng này kỳ vọng bứt phá từ quý 2/2025 nhờ nguồn cung dồi dào và tiến độ bàn giao tích cực.