Công nghệ thiết kế 3D sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho dệt may Việt Nam

Hồng Nhung | 20:00 27/03/2023

Yếu tố công nghệ sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và tăng cạnh tranh cho ngành dệt may nước nhà.

Công nghệ thiết kế 3D sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho dệt may Việt Nam
(Ảnh minh họa: Int)

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 44,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Dù những tháng đầu năm đối mặt nhiều thách thức, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng thấp nhưng Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn. 

Cụ thể, với kịch bản sức mua thấp, xuất khẩu dệt may được kỳ vọng đạt 45 tỷ USD; ngược lại, nếu thị trường phục hồi tốt trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu dệt may có thể đạt 47 tỷ USD.

"Trong vòng 2 năm tới, nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, ưu đãi thuế quan giảm dần về bằng 0, đây là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam, thị trường xuất khẩu rất rộng mở", ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay. 

Cùng với việc tham gia thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với độ phủ rộng hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất thế giới, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đàm phán FTA với Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). 

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong 14 nước tham gia đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương. 

Theo đó, để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước, các doanh nghiệp dệt may, nhất là doanh nghiệp nội địa đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Vitas: như nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác, chi phí nhân công tăng nhanh đang gây áp lực cho các doanh nghiệp. Trong giai đoạn tới, yếu tố nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế của dệt may Việt Nam.

Định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, từ gia công tiến lên FOB, ODM. Xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Quá trình chuyển đổi này đang bắt đầu bằng quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong thực hiện sản xuất bền vững và chuyển đổi số, đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân - Tổng Giám đốc Công ty CP Kết nối thời trang - Faslink cho biết, trong giai đoạn giãn cách xã hội, doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ thiết kế Style 3D, từ việc xây dựng một kho vải kỹ thuật số cho phép khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể truy xuất thông tin, tính năng kỹ thuật và họa tiết của từng mẫu vải.

"Chúng tôi làm việc với khách hàng trên ứng dụng Style 3D, giới thiệu cho họ mẫu vải, thực hiện ngay tức thì các yêu cầu thiết kế trực tuyến theo ý tưởng của khách hàng, thay đổi màu sắc, họa tiết mẫu vải, thêm bớt phụ kiện trên sản phẩm mẫu không khác gì hai bên đang làm việc trực tiếp mặt đối mặt. Nhưng khác biệt ở chỗ, từ một mẫu vải đến khi ra thành phẩm theo yêu cầu của khách hàng chỉ trong một vài ngày so với trước đây phải cần vài tháng", bà Trần Hoàng Phú Xuân chia sẻ.

Theo trải nghiệm thực tế cho thấy, công nghệ thiết kế 3D cho phép doanh nghiệp cắt giảm gần như toàn bộ công đoạn may mẫu. Thậm chí doanh nghiệp đã thực hiện những cuộc trình diễn thời trang hoàn toàn trực tuyến, từ thiết kế, lên thành phẩm và người mẫu ảo trình diễn đều trên ứng dụng công nghệ Style 3D.
Tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất sẽ tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Xa hơn, công nghệ thiết kế 3D được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phát triển đội ngũ thiết kế tại chỗ, đây là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp chuyển từ làm hàng gia công lên các phương thức cao hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Công nghệ thiết kế 3D sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho dệt may Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO