Ngành dệt may quý IV/2022: Lợi nhuận giảm 62%, dự phòng giảm giá hàng tồn kho tăng gấp 3 lần

Quỳnh Anh | 08:26 15/02/2023

Báo cáo tài chính của 29 doanh nghiệp dệt may đăng ký trên 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM cho thấy lợi nhuận sụt giảm đáng kể trong khi lượng hàng tồn kho tăng cao.

Ngành dệt may quý IV/2022: Lợi nhuận giảm 62%, dự phòng giảm giá hàng tồn kho tăng gấp 3 lần
Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. (Ảnh: Vitas)

Nội dung chính:

  • Quý IV/2022, 29 doanh nghiệp dệt may ghi nhận tổng lợi nhuận gộp giảm gần 28% và tổng lợi nhuận sau thuế giảm gần 62% so với cùng kỳ.
  • Tại ngày 31/12/2022, giá trị hàng tồn kho của toàn ngành tăng 15% so với đầu năm, trong đó dự phòng giảm giá hàng tồn kho tăng gấp 3 lần.
  • Khó khăn của ngành dệt may có thể sẽ tiếp tục kéo dài do khách hàng tại các thị trường lớn phải tiếp tục xử lý lượng hàng tồn kho ở mức cao. 
  • Ngành dệt may Bangladesh có diễn biến tương tự Việt Nam khi đầu năm tăng trưởng tốt và dần chậm lại vào cuối năm, trong khi Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng ổn định cả năm 2022. 

Các doanh nghiệp dệt may trong nước chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu thành phẩm. Nửa cuối năm 2022, các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… rơi vào lạm phát, sức mua suy giảm mạnh. Đến quý IV, đơn hàng đã giảm 30%, có doanh nghiệp giảm đến 70% đơn hàng ở thị trường châu Âu. 

Đồng thời, giá xơ, sợi dệt xuất khẩu tháng 12/2022 giảm 43% so với cùng kỳ - ghi nhận 8 tháng lao dốc liên tục. 

Xuất khẩu xơ, sợi dệt giảm cả về lượng và giá trong những tháng cuối năm 2022. (Nguồn: Chứng khoán BSC) 

Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao (giá bông tăng 50%, giá xơ tăng 10,5% - theo Chứng khoán BSC). Các tác nhân từ hai phía cung - cầu khiến kết quả kinh doanh quý IV/2022 của phần lớn doanh nghiệp dệt may đều lao dốc. 

Lợi nhuận gộp (Doanh thu trừ Giá vốn hàng bán) của 29 doanh nghiệp dệt may giảm 27,7% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 2.300 tỷ đồng. Chỉ có 12 trên tổng số 29 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận gộp. 

Các doanh nghiệp có lợi nhuận gộp quý IV/2022 giảm trên 50% so với cùng kỳ. (Nguồn dữ liệu: FiinPro) 

Tổng lợi nhuận sau thuế của 29 doanh nghiệp cũng giảm 61,6% so với cùng kỳ. Trong đó, 10 doanh nghiệp đã chuyển từ lãi vào quý IV/2021 thành lỗ trong quý IV/2022 như Vinatex, Sài Gòn 3 Group, May Việt Thắng, Garmex Sài Gòn, Hanosimex, Dệt may Nam Định,... Khoản lỗ lớn nhất quý IV/2022 xấp xỉ 59 tỷ đồng thuộc về Garmex Sài Gòn, trong khi cùng kỳ công ty lãi gần 37 tỷ đồng sau thuế. 

Đáng chú ý, “anh cả” ngành dệt may - Vinatex đánh dấu quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết với khoản lỗ sau thuế hơn 5 tỷ đồng vào quý IV/2022. Lãnh đạo Vinatex lý giải kết quả thua lỗ kể trên là do ảnh hưởng từ chính sách Zero-Covid của chính phủ Trung Quốc dẫn đến nhu cầu của một số thị trường giảm vào thời điểm cuối năm, từ đó ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá hàng tồn kho sợi. Các công ty sợi thành viên của tập đoàn đã phải trích đầy đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho để phù hợp với giá thị trường.

Trong số 29 doanh nghiệp, chỉ có 8 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng. Giữa bối cảnh thị trường chung khó khăn, May mặc Bình Dương trở thành điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận ngành dệt may với lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 cao gấp 10 lần cùng kỳ, đạt hơn 86 tỷ đồng. 

8 doanh nghiệp dệt may tăng trưởng lợi nhuận trong quý IV/2022. (Nguồn dữ liệu: FiinPro) 

Dự phòng giảm giá hàng tồn kho cao gấp 3 lần đầu năm

Tại buổi gặp mặt báo chí ngày 22/12/2022, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinatex - cho biết sau thời gian đại dịch, người tiêu dùng mua nhiều hơn khiến lượng đơn hàng của quý I/2022 tăng vọt. Tuy vậy, đến cuối tháng 6/2022, tồn kho hàng hóa tăng lên tới 50 - 60%, cùng với các vấn đề lãi suất tăng, lạm phát lên đỉnh, thất nghiệp… 

Quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm 18% so với quý III và giảm 5% so với cùng kỳ. "Người làm dệt may tròn 25 năm chưa bao giờ thấy chỉ trong 1 tháng mà mọi tín hiệu khác biệt đến thế" - ông Trường chia sẻ.  

Tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị hàng tồn kho của 29 doanh nghiệp dệt may đạt gần 18.200 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Duy nhất công ty May mặc Miền Bắc không ghi nhận hàng tồn kho. 

10 doanh nghiệp dệt may có lượng tồn kho cao nhất, tính đến ngày 31/12/2022. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)

16 trên 29 doanh nghiệp được thống kê đang trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Mức dự phòng giảm giá hàng tồn kho toàn ngành tăng mạnh từ 240 tỷ đồng hồi đầu năm tăng lên gần 690 tỷ đồng vào cuối năm 2022, được đóng góp chủ yếu bởi khoản dự phòng xấp xỉ 380 tỷ đồng của Vinatex. 

Việc tăng đột ngột trích lập dự phòng hàng tồn kho là một chỉ báo cho thấy thị trường dệt may có thể ảm đạm trong tương lai gần. Nhu cầu suy yếu đẩy lượng hàng tồn kho tăng cao, buộc các doanh nghiệp dệt may phải tăng trích lập dự phòng phù hợp với diễn biến thị trường, nhằm bù đắp kịp thời những tổn thất có thể xảy ra nếu giá cả thực tế xuống thấp hơn mức giá ghi nhận trong báo cáo tài chính. 

10 doanh nghiệp trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn nhất, tính đến cuối năm 2022. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự báo ngành dệt may có thể tăng trưởng từ giữa năm 2023 nhờ sự phục hồi của thị trường châu Âu và Mỹ cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Ngành dệt may toàn cầu chững lại

Ngành dệt may Bangladesh - đối thủ cạnh tranh vị trí á quân xuất khẩu hàng may mặc với Việt Nam - cũng cho thấy những tín hiệu tương tự: cả năm nhìn chung tăng trưởng nhưng tốc độ bắt đầu chậm lại vào cuối năm do kinh tế toàn cầu khó khăn. Thậm chí, giá trị xuất khẩu hàng dệt gia dụng nửa cuối năm 2022 giảm 16% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 601 triệu USD. Trước đó, Bangladesh vừa đánh dấu một năm (từ 1/7/2021 đến 30/6/2022) xuất khẩu quần áo may sẵn đạt giá trị kỷ lục 42,6 tỷ USD. 

Thay vì tập trung vào một vài công đoạn như Việt Nam, Bangladesh,… quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới - Trung Quốc có ưu thế “bao trọn” chuỗi giá trị dệt may. Năm 2022, giá trị xuất khẩu các sản phẩm dệt may của nước này tăng trưởng khá ổn định, đạt 323 tỷ USD.


(0) Bình luận
Ngành dệt may quý IV/2022: Lợi nhuận giảm 62%, dự phòng giảm giá hàng tồn kho tăng gấp 3 lần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO